Rau, quả Trung Quốc tràn ngập tại các chợ đầu mối: Trông người lại ngẫm đến ta

Tại các chợ đầu mối của thành phố những ngày này như Tam Bạc (quận Hồng Bàng) đến Ngọ Dương, chợ Hỗ (An Dương), không khó nhận ra phần lớn nông sản có xuất xứ từ Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là tại sao nông sản Trung Quốc đang chiếm ưu thế trên thị trường ?

Tại các chợ đầu mối của thành phố những ngày này như Tam Bạc (quận Hồng Bàng) đến Ngọ Dương, chợ Hỗ (An Dương), không khó nhận ra phần lớn nông sản có xuất xứ từ Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là tại sao nông sản Trung Quốc đang chiếm ưu thế trên thị trường ?

 

Hoa quả Trung Quốc tràn ngập thị trường Hải Phòng

Ảnh: Trường Giang

Hàng ngoại giá rẻ, mẫu mã đẹp

 

Là một hộ chuyên thu mua nông sản ở xã An Hòa (An Dương), anh Phạm Văn Tiến cho biết, có nhiều lý do để các tiểu thương Việt Nam nhập và bán nông sản Trung Quốc. Đễ nhận thấy nhất là nông sản “ngoại” mẫu mã đẹp, giá rẻ hơn nhiều so với sản phẩm “nội” cùng loại. Tại các chợ đầu mối nông sản, đúng là có sự khác biệt lớn giữa hàng Trung Quốc và hàng “ta”. Gừng “ta” chỉ bằng ngón tay út, còn gừng Trung Quốc mập mạp, to bằng ba ngón tay chập lại. Cà rốt Trung Quốc to gấp đôi, gấp ba cà rốt Đà Lạt. Tỏi Trung Quốc có nhánh lớn, khoai tây củ to, nhiều nước... củ nào củ nấy đều tăm tắp. Theo các tiểu thương ở chợ Tam Bạc, không những mẫu mã hấp dẫn, nông sản Trung Quốc giữ được trong thời gian khá lâu. Thông thường, các loại nông sản này để  khoảng 5 ngày vẫn tươi ngon. Trong khi đó, rau, củ  của ta chỉ để trung bình 2-3 ngày là  xuống mã.

 

Chị Nguyên ở xã An Lư (Thủy Nguyên)  mua buôn tại chợ Tam Bạc cho biết,  giá hàng Trung Quốc bao giờ cũng rẻ hơn nông sản Việt Nam. Các tiểu thương mua càng nhiều, giá càng rẻ, vì thế bán loại hàng này có lãi hơn. Hiện, hành khô “ta” 35.000 đồng/kg, hành khô Trung Quốc 14.000 đồng/kg; tỏi “ta” 70.000 đồng/kg, tỏi Trung Quốc 38.000 đồng/kg.

 

Hàng nội khó thu mua, khan hàng

 

Theo chị Nguyên, tuy thua nông sản Trung Quốc về mẫu mã, giá cả, nhưng nông sản Việt có lợi thế về chất lượng. Người tiêu dùng vẫn hỏi mua nông sản “ta”, vì thế các tiểu thương đều bày bán 2 loại để người tiêu dùng lựa chọn. Chị Nguyên đưa ví dụ: “Tuy tỏi, gừng Trung Quốc đẹp, mập mạp hơn, nhưng không dậy mùi, cay như gừng, tỏi Việt Nam ”. Nhưng vấn đề là vào thời điểm này, hàng nông sản của ta khan hiếm, vì thế, tiểu thương nhập hàng Trung Quốc về bán. Hiện, trên thị trường, tỏi Việt Nam 70.000 đồng/kg nhưng không có hàng để mua trong khi đó giá tỏi Trung Quốc chỉ bằng già nửa, 38.000 đồng/kg và lúc nào cũng sẵn. Còn cà rốt, hiện chỉ có hàng Trung Quốc, còn hàng Việt Nam hiếm, vì không phải mùa. Nói thế để thấy sự khác biệt giữa nông sản Việt Nam và Trung Quốc. Hàng Việt Nam số lượng rất hạn chế, mỗi lần thu gom chỉ được vài tấn và thường có tình trạng lấy hàng liên tục là bị tăng giá, hàng chỉ có vài tháng mỗi năm. Trong khi đó, hàng Trung Quốc lúc nào cũng có, thậm chí có thể đáp ứng với lượng nhiều. Các tiểu thương muốn lấy bao nhiêu hàng, vài tấn hay vài chục tấn đều được đáp ứng, không có chuyện tăng giá khi lấy nhiều. Anh Tiến phản ánh, vào đúng vụ (vụ đông), trong kho lạnh của gia đình anh luôn đầy ắp rau, quả “nội”. Nhưng hiện toàn bộ lượng rau, quả, anh nhập từ Trung Quốc, trừ bắp cải được chuyển từ Đà Lạt về.

 

Tuy có kinh nghiệm trong việc thu mua nông sản của bà con địa phương nhưng với anh Tiến việc thu mua nông sản hiện nay không ít khó khăn. Anh cho biết hay nhận mua lại hàng từ các tiểu thương  khác. Thường các tiểu thương này tới tận ruộng thu mua nông sản của nông dân rồi đem bán lại anh lấy lãi, tức là trước khi được bán ra thị trường, hàng nội qua 3-4 “cầu”. Đây là một nguyên nhân khiến giá cả nông sản “ta” cao hơn nông sản Trung Quốc, trong khi bà con nông dân vẫn “lấy công làm lãi”. Riêng rau, quả ở xã An Hòa, anh Tiến thu mua trực tiếp. Nhưng vì diện tích canh tác nhỏ khối lượng hàng ít nên việc thu gom vất vả.  Anh Tiến kể, đến bây giờ, anh mua nông sản “ta” với lượng nhiều và tập trung nhất là  của Công ty TNHH Sơn Trường. Năm đó, anh mua hơn 100 tấn khoai tây của công ty này. Còn đợt này, không thấy công ty thông báo có hàng.

 

Với những nguyên nhân trên, nông sản ngoại tràn ngập trên thị trường. Vấn đề đặt ra cho nông sản “nội” là làm sao để chi phí sản xuất thấp, hàng hóa tập trung. Đã, đang có những chủ trương đúng để giải quyết vấn đề này như dồn điền đổi thửa, quy vùng sản xuất tập trung...Riêng Hải Phòng, năm 2007, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 10 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, thuỷ sản thành phố đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, tạo điều kiện xây dựng, phát triển các vùng sản xuất tập trung. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để Nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả, cần sự vào cuộc tích cực hơn của chính quyền địa phương và ngành chức năng các cấp.

                 

Nguyên Hà 

Đọc thêm