Rình rập tai nạn lao động

Bụi, nguy hiểm và ô nhiễm môi trường- hậu quả của việc khai thác đá ở huyện Thủy Nguyên là những vấn đề được báo chí phản ánh nhiều. Tuy nhiên, vấn đề an toàn lao động cho các công nhân đang làm việc tại các mỏm núi đá vôi nơi đây thì hầu như chưa được đề cập.

Bụi, nguy hiểm và ô nhiễm môi trường- hậu quả của việc khai thác đá ở huyện Thủy Nguyên là những vấn đề được báo chí phản ánh nhiều. Tuy nhiên, vấn đề an toàn lao động cho các công nhân đang làm việc tại các mỏm núi đá vôi nơi đây thì hầu như chưa được đề cập.

Kỳ 1:“Đánh đu” với số phận

Vì mưu sinh
Đường về thôn Doãn Lại, xã Lại Xuân (Thủy Nguyên) bị băm nát bởi những đoàn xe tải chở đá chạy rầm rập suốt ngày. Cây cối hai bên đường cằn cỗi, phủ một màu bàng bạc bởi bụi. Mặc dù bịt hai lần khẩu trang, đeo kính nhưng người qua đây vẫn bị bụi xộc vào mắt, vào miệng. 

Khu lán tạm của công nhân Công ty Phúc Sơn ở thôn Trại Sơn, xã An Sơn (Thủy Nguyên).
Khu lán tạm của công nhân Công ty Phúc Sơn ở thôn Trại Sơn, xã An Sơn (Thủy Nguyên).

“Đây là khu Cửa Thung nhưng mỏm đá có 4 người chết nằm ở bên kia quả núi cơ. Cứ ra đầu đường kia, rẽ trái, đi theo mấy chiếc xe công nông là tới nơi”, một phụ nữ trạc hơn 40 tuổi ôm bó rạ khô khốc miệng nói, tay chỉ về hướng núi. Cách đó chừng 200m, một lò nung vôi được dựng sát sườn núi, cách mặt đất khoảng 70m, vài người đàn ông lực lưỡng đang đội những thúng đá to đổ xuống lò nung, vài người khác ráng sức cào đá rơi vãi để đưa vào miệng lò. Ngoài bộ quần áo cũ kỹ, bụi bẩn, đôi giày rách, chiếc mũ lưỡi trai sờn bạc màu, họ không có dụng cụ bảo hộ lao động nào khác.

Mỏ đá - nơi cách đây ít hôm vừa xảy ra vụ tai nạn lao động do sạt lở đá làm 4 người chết, là điểm tiếp giáp giữa thôn Trại Sơn (xã An Sơn) và thôn Doãn Lại (xã Lại Xuân) với những nhánh dây cáp oằn mình lơ lửng như khóc thương cho số phận không may của những người thiệt mạng. Chị Thành, một người dân ở thôn Trại Sơn cho biết: “Đống đá vụn trên là nơi 4 người bị đá lở đè chết ít hôm trước. Hầu như năm nào ở đây cũng xảy ra vài vụ tai nạn lao động… Khai thác đá là nghề cha truyền con nối, vì thế ngoài nghề khai thác đá, chúng tôi chẳng biết làm gì để kiếm sống”.

“Kiến mối” trên vách đá chênh vênh
Đi sâu vào con đường nhỏ dẫn vào khu khai thác đá thôn Trại Sơn (xã An Sơn), nhận thấy, màn bụi giăng kín tầm nhìn. Mỗi khi có xe chạy qua, con đường rùng mình run rẩy, có lẽ chỉ những “tay lái lụa mới dám đi tiếp đoạn đường mấp mô đầy ổ voi, ổ gà. Trong khi những thợ lò ven đường tiếp tục nhìn chúng tôi  với thái độ dò xét. Đi tiếp khoảng 200 mét nữa, một tiếng nổ lớn làm rung chuyển đất đá. Bên kia vách núi lởm chởm, bụi đá trắng xóa, hàng tấn đất đá ầm ầm đổ xuống chân núi.
-Tiếng gì thế nhỉ?
- Mìn nổ đấy, ở đây chỉ có mìn nổ thôi - một người đàn ông ngồi trong lán, mắt nhìn trân trân về phía tiếng nổ vừa phát ra, trả lời. Được hỏi, anh ta giới thiệu  tên là Nguyễn Văn Đoàn, ở xóm 9, thôn Trại Sơn, thợ máy ép hơi của Công ty khai thác đá Phúc Sơn.
-Công nhân đâu hết rồi?
-Họ ở trên núi kia kìa.
Vừa nói, anh vừa chỉ tay lên đỉnh núi đá. Hàng chục người đang “đánh đu” trên mỏm đá chênh vênh, bên cạnh họ là sợi dây cáp treo được giăng mắc lên tới đỉnh núi. Bằng mắt thường, quan sát kỹ mới thấy những chấm xanh đen đang cặm cụi di mũi khoan vào lòng đá. Nhìn họ như những con kiến mối đang cần mẫn làm việc, trong khi mìn vẫn nổ và đá vẫn lăn ầm ầm ngay bên cạnh.
-Thu nhập của các anh có cao không?
-Thợ chính (thợ khoan đá và thợ nổ mìn) được 300 nghìn đồng/ngày.
-Cao thế cơ à?
-Không, một tháng một người chỉ làm được khoảng 15 công thôi, tương ứng với 5 - 6 triệu đồng, vì còn trừ những ngày mưa, ngày nghỉ, ốm đau, đám sá. Kiếm được đồng tiền phải đổ mồ hôi, chấp nhận “đánh đu” với số phận.
-Các anh có được trang bị bảo hộ lao động không?
-Mỗi năm được phát một bộ quần áo công nhân, đôi giày và mũ nhựa. Nhưng không phải năm nào cũng có…
-Thế còn việc ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội?
-Bảo hiểm à? Chắc là có đấy, thực ra chúng tôi làm ngày nào được trả công ngày đó, vì có mối quen biết giữa người này và người kia nên gọi nhau đi làm thôi. Thợ chính hay còn gọi là thợ “kỹ thuật” hầu hết chưa qua trường lớp nào, mà chủ yếu trưởng thành bằng kinh nghiệm thực tế tại các mỏ đá hoặc được “truyền miệng”. Vì vậy, bên cạnh những thợ là dân địa phương, còn nhiều người ở Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa nữa. Công ty chỉ đóng bảo hiểm cho những thợ chính, còn thợ phụ, làm công nhật không được tham gia bảo hiểm.
300 nghìn đồng/ngày công không phải là số tiền nhỏ đối với mức thu nhập bình quân của một nông dân, nhưng có được 300 nghìn đồng ấy phải đánh đổi bằng mồ hôi, công sức hơn mức bình thường, thậm chí bằng cả tính mạng nữa! Trong khi đó, trong gian bếp ẩm thấp của chiếc lán này, suất ăn dành cho 8 người đàn ông khai thác đá chỉ có 2 đĩa rau muống luộc, một nồi thịt kho và cơm.

(Còn tiếp)
Thanh Thủy

Đọc thêm