Robot hình người có thể cử động 1.000 cơ nhân tạo

(PLVN) - Một đoạn video vừa được công bố cho thấy một robot hình người với cấu trúc cơ – xương – thần kinh nhân tạo chuyển động y như con người thật.
Robot hình người có thể cử động 1.000 cơ nhân tạo (Ảnh: Interesting Engineering)

Với hơn 1.000 cơ nhân tạo, 500 cảm biến và dáng đi hai chân như sinh vật sống, Protoclone– sản phẩm của startup Ba Lan Clone Robotics – đang khiến giới công nghệ vừa thán phục, vừa lo ngại.

Mới đây, Clone Robotics, một công ty khởi nghiệp về robot sinh học có trụ sở tại Ba Lan, đã khiến thế giới xôn xao khi công bố đoạn video trình diễn mẫu robot hình người đầu tiên của họ mang tên Protoclone. Không giống bất kỳ robot nào trước đó, Protoclone được mô tả là “robot có cấu trúc giải phẫu giống con người nhất từng được tạo ra”.

Video cho thấy Protoclone – với phần mặt được che bởi một mặt nạ đen bóng loáng – đang treo lơ lửng trong phòng thí nghiệm, thực hiện các chuyển động mạnh mẽ và linh hoạt như cơ thể con người. Mỗi cú xoay cổ tay, co giãn bắp tay hay vặn mình của robot đều khiến người xem phải lạnh sống lưng vì… quá giống người thật.

Protoclone sở hữu cấu trúc xương y hệt người thật, với 206 chiếc xương, các khớp mô phỏng chính xác từng điểm kết nối, đi kèm hệ thống cơ nhân tạo được gọi là Myofiber – công nghệ do Clone Robotics tự phát triển. Đây là các bó cơ tổng hợp có thể co rút 30% khi không chịu tải, phản ứng nhanh dưới 50 mili giây và tạo ra lực vượt hơn 1kg chỉ với mỗi sợi nặng 3g.

Tổng cộng, Protoclone tích hợp 1.000 Myofiber, cung cấp tới 200 độ tự do chuyển động, trong đó phần thân trên có đến 164 độ linh hoạt, bao gồm cả các chi tiết nhỏ như 26 độ ở bàn tay, cổ tay, khuỷu tay, và 20 độ tại vai. Thậm chí, mỗi đốt sống trên cột sống đều có tới 6 độ chuyển động độc lập – một con số không tưởng với các robot truyền thống.

Không chỉ cơ bắp, Protoclone còn được trang bị hệ thần kinh nhân tạo phức tạp, gồm: 4 camera chiều sâu hỗ trợ thị giác; 70 cảm biến quán tính giúp xác định vị trí khớp chính xác; 320 cảm biến áp suất theo dõi lực tác động của cơ; Một hệ thống điều khiển trung tâm tích hợp vi điều khiển dọc theo xương sống, và đặc biệt là bộ xử lý NVIDIA Jetson Thor đặt trong phần đầu, chạy mô hình điều khiển vận động mang tên Cybernet.

Bên cạnh đó, hệ thống “mạch máu” nhân tạo của robot sử dụng bơm điện công suất 500W cùng van Aquajet, điều phối chất lỏng áp suất cao mô phỏng hệ tuần hoàn, giúp các cơ nhân tạo hoạt động trơn tru và sống động.

Trước khi có Protoclone, Clone Robotics từng khiến cộng đồng khoa học chú ý khi chế tạo thành công bàn tay robot có ngón cái xoay linh hoạt, bám nắm tự nhiên như người. Từ bàn tay, họ phát triển lên phần thân với cấu trúc khớp chân thực, rồi đến phiên bản Alpha – robot có thể đi lại tự nhiên được công bố vào cuối năm 2024. Điểm đặc biệt là hệ cơ bắp mềm hoạt động bằng chất lỏng, chứ không dùng động cơ cứng như các robot khác.

Không giống như Tesla hay các hãng công nghệ lớn đang phát triển robot phục vụ việc nhà, Clone Robotics tập trung vào tái tạo toàn bộ sinh lý con người – từ cơ, xương, mạch máu đến thần kinh – nhằm tạo ra những thực thể robot có thể hoạt động và phản ứng giống con người nhất có thể.

Đọc thêm