'Rợn người' với chiêu đào tạo 'tỷ phú tương lai'

(PLVN) - “Ôm mộng” làm giàu nhưng lại lười lao động, nhiều thanh niên bị lừa tham gia nhiều hoạt động rợn người như: trói tay ăn cơm bằng miệng, hô hào khẩu hiệu cam kết thịnh vượng với gốc cây, thậm chí là chọc gậy vào yết hầu, đổ sáp nến nóng lên lòng bàn tay…

'Ma trận' kinh doanh biến tướng dưới nhiều vỏ bọc

Hiện nhiều hình thức kinh doanh lừa đảo "đội lốt" tuyển nhân viên, cộng tác viên, đào tạo học viên... mọc lên như nấm như: công ty dược phẩm, mỹ phẩm, bất động sản, khóa học kỹ năng mềm, khóa học làm giàu, bán hàng online…

Phổ biến nhất hiện nay là hình thức tuyển cộng tác viên (CTV) bán mỹ phẩm online không có xuất xứ rõ ràng và không có thương hiệu trên thị trường. Các công ty không chú trọng vào lợi nhuận từ việc bán sản phẩm mà chỉ hoạt động dựa trên số tiền lừa gạt từ những người tham gia.

Không khó để tiếp cận các tin tuyển dụng với lời mời gọi đầy hấp dẫn “Tuyển cộng tác viên, có thể là mẹ bỉm sữa hoặc sinh viên. Công việc chỉ cần ngồi nhà đăng tin trên facebook cá nhân hoặc hội nhóm, mỗi tháng thu nhập từ 6 – 8 triệu đồng”.

Các “con mồi” sẽ được dẫn dắt vào hệ thống công ty, nếu không có vốn nhiều thì chỉ cần nhập hàng với số lượng ít. Không để người tham gia nản lòng và có ý định rút lui, các công ty sẽ bỏ tiền mua lại hết số mỹ phẩm ấy. Hàng loạt hội nghị tại các nhà hàng, khách sạn hoành tráng và sang trọng bậc nhất được tổ chức. Tại đây, sẽ diễn ra các buổi lễ tôn vinh, trao thưởng cho những đại lý xuất sắc đạt doanh thu hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Đứng trước những cám dỗ, nhiều cộng tác viên càng lún sâu hơn vào "bẫy", sẵn sàng gom góp hết tiền gia đình, bạn bè và người thân để nhập hàng. Nhưng có 1 thực tế đau lòng là hàng nhập về quá nhiều nhưng không bán ra được vì công ty không còn chi tiền để mua lại. Để giải quyết được số hàng tồn đó, thì họ lại tiếp tục lừa đảo để lôi kéo, dụ dỗ những người khác vào cuộc. Và thế là sinh ra nhiều thế hệ từ F1, F2…

Là một nạn nhân, chị Nguyễn Bích Tuyền (30 tuổi, ngụ tại Bạc Liêu) cho hay: “Khi chập chững bán hàng, tôi được nhiều người hỏi mua sản phẩm nên cũng vui lắm. Nghĩ mỹ phẩm mình tốt mà lại dễ bán, tôi chuyển hướng sang đầu tư. Tôi mượn của bà con 20 triệu đồng và tiến hành nhập hàng nhưng đến nay chỉ bán được 5,6 món cho bạn bè thân với bà con dưới quê. Khi liên hệ với công ty để trả lại số hàng thì bên công ty trả lời là không được nên cũng đành ôm hết số hàng đó về để trong nhà”.

Số hàng còn lại đến nay vẫn chưa thể bán ra thị trường.

Số hàng còn lại đến nay vẫn chưa thể bán ra thị trường.

Đào tạo hay tra tấn?

Ngoài việc dạy nhân viên những chiêu trò để khách hàng mua sản phẩm và tham gia mạng lưới, các công ty lừa đảo sẽ định hướng nhân viên tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, những thử thách khác thường với danh nghĩa đào tạo những “thủ lĩnh trẻ”, những nhà “tỷ phú tương lai”.

Huỳnh Đức Duy, sinh viên trường đại học Tây Đô, kể: “Tôi xin vào làm cho công ty T.V ở Cần Thơ, bọn chúng lấy danh nghĩa là nhà phân phối của S. ở TP HCM. Tôi được hướng dẫn đóng 8 triệu đồng để hoàn thành khóa học làm giàu, để được cấp giấy chứng nhận “Doanh nhân trẻ” thuận lợi cho công việc bán hàng sau này”.

Cũng theo lời nạn nhân, các bạn trẻ sẽ được tham gia vào một buổi hoạt động ngoại khóa, được ăn uống, được vui chơi ở khu du lịch Lung Cột Cầu. Tại đây, các “giám đốc” sẽ phát biểu, hướng dẫn học viên hô hào khẩu hiệu “Trong vòng 2 năm nữa, tôi sẽ là người có thu nhập 10.000 USD trong 1 tháng”, và rất nhiều câu khẩu hiệu khác.

Kế tiếp, họ sẽ được chơi trò 2 người đứng đối diện bằng chiều dài của gậy. Sau đó, dùng yết hầu ở cổ để cố định và đẩy gậy đến khi nò gãy làm đôi. Nếu cặp đôi nào hoàn thoành sớm nhất thì sẽ được tôn vinh và ghi tên vào danh sách “thủ lĩnh trẻ tài năng”. Nhưng thời gian sau đó, các học viên không thể liên hệ được với công ty. Số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng của hơn 100 học viên theo đó cũng "biến mất".

Gần đây trên mạng xã hội xôn xao chuyện học viên ngồi đốt nến, nhỏ sáp vào lòng bàn tay trong buổi học làm giàu. Theo hình ảnh trong clip, hàng chục bạn trẻ ngồi sếp thành hàng rồi cùng nhau thực hiện cầm ngiêng cây nến để sáp nóng chảy xuống lòng bàn tay thành một khối lớn. 

Những việc làm “ma quái” được bao biện với mục đích là đào tạo tinh thần thép, can đảm vượt qua khó khăn của những người xứng đáng thành công và xứng đáng làm thủ lĩnh. Để vượt qua, họ sẵn sàng vứt bỏ liêm sỉ xem đó là bài học tiên quyết để trở thành một thành viên cốt cáng trong “tập đoàn”.

Điều đáng nói ở đây, mặc dù sáp rất nóng khi tiếp xúc ở tay nhưng những người này vẫn cười rất tươi, thể hiện niềm tin tuyệt đối với mục đích hành động mình đang làm, vào lời nói của vị “chủ tịch” điều hành.

Hội viên tham gia khóa học rất phấn khích và tin tưởng tuyệt đối vào mục đích việc mình làm.
Hội viên tham gia khóa học rất phấn khích và tin tưởng tuyệt đối vào mục đích việc mình làm. 

Trước thực trạng trên, Giám đốc một công ty chuyên mua bán thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông cho rằng: “Hiện nay, có rất nhiều hình thức đào tạo nhân viên, nhưng cách làm trên thì hoàn toàn vô bổ và không có ý nghĩa phục vụ cho nhu cầu của công việc. Sau các khóa học, học viên không những trở thành “con nợ” mà còn gây ra sự sai lệch về nhận thức. Đứng trước những rủi ro quá lớn trên con đường lập nghiệp, các bạn trẻ phải đủ thông minh và sáng suốt lựa chọn hướng đi cho riêng mình. Để không trở thành “con mồi” của bọn lừa đảo với những chiêu trò “bịp bợm”.

Đọc thêm