Rùa tai đỏ đang gặm nhấm cụ Rùa Hồ Gươm?

Không chỉ gây nguy hại cho cụ Rùa Hồ Gươm qua việc cạnh tranh nguồn thức ăn, có nguy cơ loài rùa tai đỏ đã và đang gặm nhấm cả chính cụ Rùa.
Không chỉ gây nguy hại cho cụ Rùa Hồ Gươm qua việc cạnh tranh nguồn thức ăn, có nguy cơ loài rùa tai đỏ đã và đang gặm nhấm cả chính cụ Rùa.

Được phát hiện ở Hồ Gươm, Hà Nội vào năm 1997, từ đó đến nay, số lượng rùa tai đỏ xuất hiện tại đây ngày càng nhiều. Chỉ cần để ý quan sát, dễ dàng nhìn thấy rất nhiều rùa tai đỏ hiện đang cư trú tại Hồ Gươm. Chúng thường bò lên các cành cây ven hồ hay các đường ống là là mặt nước.

Thậm chí, dường như để khẳng định sự lấn át của mình, rùa tai đỏ còn lựa chọn chính cụ Rùa Hồ Gươm để làm nơi "tung tăng" thưởng ngoạn. Ngày 18-12 mới đây, rất nhiều người dân quanh hồ đã không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh cụ Rùa Hồ Gươm nổi lên mặt nước, trên lưng cõng theo cả rùa tai đỏ trong nhiều giờ.

Rùa tai đỏ trèo lên lưng cụ Rùa Hồ Gươm. (Ảnh: VnExpress)

Rùa tai đỏ có tên trong danh sách 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất trên thế giới của Hiệp hội Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và nguồn tài nguyên Thiên nhiên (IUCN). Ngoài phá hoại môi trường, cạnh tranh với các loài rùa bản địa, rùa tai đỏ còn có thể mang vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn cho người.
Là một loài ăn tạp, nói như PGS.TS sinh học Hà Đình Đức là "ăn như lợn", rùa tai đỏ có thể ăn bất kể thứ gì có ở nơi chúng sinh sống, từ các loài thực vật như tảo, bèo tấm… cho đến động vật như nòng nọc, cá nhỏ, côn trùng và các loại thân mềm… Vì vậy, loài sinh vật xâm hại nguy hiểm này thực sự đã trở thành mối nguy cơ lớn đối với môi trường sinh thái của Hồ Gươm nói chung và nguồn thức ăn của cụ Rùa nói riêng.

Không chỉ dừng lại ở đó, có nguy cơ chính cụ Rùa Hồ Gươm cũng trở thành đối tượng gặm nhấm của rùa tai đỏ.

Trao đổi với  phóng viên chiều 21-12, PGS.TS sinh học Hà Đình Đức, người đã nhiều năm nghiên cứu Rùa Hồ Gươm đưa ra cảnh báo: “Có khả năng rùa tai đỏ đã và đang gặm mai cụ Rùa, do cụ Rùa Hồ Gươm là loài rùa mai mềm, diềm mai mềm giống như cụ Rùa hiện được trưng bày trong đền Ngọc Sơn. Mà loại rùa tai đỏ thì cứ đói là gặm, cái gì mềm nó cũng gặm được”.

Rùa tai đỏ sinh sống tại Hồ Gươm. (Ảnh: PGS.TS Hà Đình Đức cung cấp)

Mặc dù không xác định được chính xác số lượng rùa tai đỏ hiện đang xâm lấn Hồ Gươm, tuy nhiên, theo “nhà rùa học”, do loài rùa này ăn khỏe, sinh sôi nhanh, bên cạnh đó là việc người dân vẫn không ngừng thả rùa tai đỏ xuống hồ, nên hiện số lượng rùa tai đỏ tại Hồ Gươm đã tăng lên ngày một khủng khiếp.

PGS.TS Hà Đình Đức cũng cho biết, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về rùa tai đỏ sinh sống tại Hồ Gươm và cũng chưa cơ quan chức năng nào có biện pháp ngăn chặn sự xâm lấn của loài sinh vật nguy hại tại đây.

Theo
Khánh Linh
Dân Việt

Đọc thêm