Rủi ro chính nằm ở tỷ giá giữa USD và nhân dân tệ

Rủi ro chính là ở tỷ giá giữa đồng USD với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc do chúng ta nhập siêu quá nhiều từ Trung Quốc.

Rủi ro chính nằm ở tỷ giá giữa USD và nhân dân tệ ảnh 1
 

Rủi ro chính là ở tỷ giá giữa đồng USD với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc do chúng ta nhập siêu quá nhiều từ Trung Quốc.

Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện nay chúng ta đang quá tập trung vào tỷ giá giữa VND với đồng USD nhưng trên thực tế rủi ro chính không nằm ở đây mà chính là ở tỷ giá giữa đồng USD với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc do chúng ta nhập siêu quá nhiều từ Trung Quốc.

Nhận định trên được PGS-TS. Trần Đình Thiên đưa ra bên lề Hội thảo “Đánh giá tác động của các gói kích cầu của các nước năm 2009” do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội tổ chức vào tuần trước.

Thưa ông, việc chống lạm phát đang được xem là khó khăn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong năm 2010. So sánh với năm 2008, theo ông, những diễn biến của năm 2010 có cấp bách hay ưu thế gì so với năm 2008?

PGS-TS. Trần Đình Thiên: So với năm 2008 đầy rẫy những biến động thì năm nay chúng ta đã có được đà tăng trưởng tốt hơn. Cho đến tháng 9/2010, sự ổn định về kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì, sự bất ổn chỉ bộc lộ kể từ tháng 10 và đó là điều cần phải hết sức cảnh giác.

Theo tôi, tại thời điểm hiện nay Chính phủ đã ý thức được mục tiêu hàng đầu đưa ra từ đầu năm là ổn định vĩ mô. Có hai giải pháp khá tích cực là vấn đề tỷ giá và lãi suất khi Chính phủ cố gắng dốc sức giữ ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm, đồng thời không cố gắng kéo lãi suất xuống. Điều đó có nghĩa lãi suất sẽ được đẩy lên cao nhằm mục đích hút tiền về. Khi tăng trưởng đã đạt được mục tiêu thì việc hút tiền về sẽ giúp giảm áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, ở đây có hai vấn đề cần phải lưu ý, đó là sự phối hợp giữa tỷ giá và lãi suất cần phải hết sức thận trọng.

Vấn đề cần thứ hai cần đặc biệt lưu ý là hiện nay những nỗ lực kể trên chỉ mang tính ngắn hạn khi nền kinh tế gặp khó khăn. Nếu chúng ta không có cái nhìn dài hạn thì chỉ sau khi vượt qua khó khăn ngắn hạn sẽ lại phải đương đầu với những khó khăn mới. Sự phối hợp về chính sách cần phải có được một cái nhìn dài hạn. Bài học để lại trong điều hành vĩ mô vài năm gần đây cho thấy, để giải quyết những vẫn đề trong ngắn hạn thì điều cơ bản là phải tập trung cho mục tiêu dài hạn.

Liên quan đến định hướng mục tiêu chính sách, tôi cho rằng Chính phủ bao giờ cũng phải ưu tiên cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Khi đã có sự ổn định vĩ mô, lòng tin của doanh nghiệp và thị trường sẽ tăng lên, đó mới là điều kiện để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững chứ không phải cứ lo bơm tiền ra để đạt mục tiêu tăng trưởng.

*Ông có cho rằng rủi ro chính đối với nền kinh tế hiện nay là vấn đề tỷ giá?

Hiện nay chúng ta đang quá tập trung vào tỷ giá giữa VND với đồng USD nhưng trên thực tế rủi ro chính không nằm ở đây mà chính là ở tỷ giá giữa đồng USD với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc do chúng ta nhập siêu quá nhiều từ Trung Quốc.

*Có thể thấy, chính sách tiền tệ và lãi suất đã được triển khai, vậy còn chính sách tài khóa, ông có nhận định gì về chính sách này?

Trong những lúc khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế chuyển đổi, bao giờ trách nhiệm gánh vác để giải tỏa những khó khăn đầu tiên phải là chính sách tài khóa. Hiện nay chi tiêu công của Việt Nam là quá lớn khi chiếm hơn 40% GDP. Nếu tiếp tục tình trạng này thì khó khăn sẽ đổ sang phía doanh nghiệp mà thực tế vừa qua đã chứng minh.

Tôi cho rằng vấn đề cấp bách đề hiện nay không phải là tỷ giá mà là làm sao chi tiêu cho hiệu quả.

*Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Tuân
InfoTV

CafeF

Đọc thêm