Hàng mất, tiền nợ
Mới đây, nhiều rắc rối xảy ra khi một đơn vị thu hộ phá sản, không có khả năng trả nợ đã hé lộ nhiều rủi ro tiềm ẩn mà người kinh doanh gặp phải khi sử dụng loại hình dịch vụ này. Như trường hợp Công ty GNN sau 12 tháng hoạt động, bỗng nhiên một ngày tuyên bố ngừng hoạt động. Trước đó, đã có hàng ngàn người kinh doanh trực tuyến sử dụng dịch vụ thu hộ của Công ty này.
Cho đến khi phá sản, Công ty này còn thiếu nợ gần 400 khách hàng với số tiền trên 5 tỉ đồng và không có khả năng thanh toán. Hiện nhiều chủ shop đã rồng rắn kéo lên trụ sở của công ty nói trên để quyết tâm đòi lại số tiền GNN đang giữ của mình.
Đồng thời họ cũng nêu bức xúc trước hành vi “cố tình gom tiền” của Công ty này, khi trước giờ tuyên bố phá sản vẫn cho shipper đi thu hộ và gom một số tiền đáng kể của khách hàng.
Dịch vụ thu hộ nở rộ khoảng 3 năm gần đây bởi tính tiện lợi của nó. Đa số các công ty hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa ở Việt Nam đều cung cấp dịch vụ thu hộ với nhiều tên gọi khác nhau như: dịch vụ “Ship hàng COD” (dịch vụ nhận hàng mới trả tiền), vận chuyển thu tiền hộ, vận chuyển thu tiền tận nơi, gửi hàng COD, giao hàng COD, chuyển phát nhanh COD...
Trong bán hàng trực tuyến, thu hộ là dịch vụ không thể thiếu do nhu cầu của người tiêu dùng. Lý do là môi trường mua bán giao dịch trực tuyến chưa thực sự an toàn, nên việc thanh toán tiền trực tuyến cũng khá hạn chế, để chắc ăn, người mua hàng thường chọn phương thức thanh toán tiền khi nhận hàng.
Với hình thức này, shop bán hàng sẽ giao hàng tới đơn vị vận chuyển, đơn vị vận chuyển sẽ giao hàng cho khách và thu tiền hộ. Số tiền này sẽ được trả lại cho người bán trong thời gian từ 15 ngày đến 1 tháng.
Tuy nhiên, cam kết là như thế, nhưng thực tế thì không phải bao giờ cũng vậy, nhiều shop cũng đã có kinh nghiệm “xương máu” khi giao hàng cho dịch vụ vận chuyển, thu hộ. Đã có không ít trường hợp món hàng có giá trị đến tay người mua chỉ còn... cái vỏ, ruột đã biến mất, khiếu nại thì dây dưa, đổ lỗi và không giải quyết.
Còn chuyện gian nan “đòi” lại tiền từ công ty chuyển hàng có dịch vụ thu hộ cũng là chuyện không quá hiếm hoi. Chị Trương Xuân My, ngụ quận 3, TP HCM kinh doanh mỹ phẩm, ban đầu chị mở cửa hàng, sau đó tiến sang bán hàng qua mạng. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, chị chọn một công ty vận chuyển có mức giá cạnh tranh mà chưa kiểm tra chất lượng tên K.T. Kết quả là hàng lúc thì chuyển chậm, lúc thì thất lạc, có lúc bị hư hỏng, biến dạng.
Sau khi phản ánh và cắt hợp đồng, chị yêu cầu được thanh toán số tiền gần 100 triệu đồng mà công ty này đang nợ chị. Tuy nhiên, hợp đồng kết thúc từ tháng 6, cho đến nay sau nhiều lần liên lạc đòi tiền chị vẫn nhận được lời hẹn lần hẹn lữa từ đại diện công ty. Sau đó, chị My mới được biết khá nhiều chủ cửa hàng khác cũng rơi vào tình trạng như mình. Chị My cho biết, thời gian tới, nếu công ty vận chuyển này tiếp tục dây dưa không thanh toán, chị và nhiều chủ hàng sẽ khởi kiện ra toà đòi lại tiền cho mình.
Thay đổi cả hai chiều
Xung quanh câu chuyện thu hộ còn nhiều phức tạp khác mà rủi ro hầu hết đều thuộc về chủ hàng. Thực tế các chủ cửa hàng đều biết trước sẽ có nguy cơ xấu khi lựa chọn dịch vụ ship hàng COD, đặc biệt là các dịch vụ không có uy tín, thương hiệu. Tuy nhiên, lý do khiến họ vẫn phải duy trì, thậm chí sử dụng các đơn vị “trôi nổi”, đó là mức giá thấp, điều này quyết định trực tiếp đến giá cả sản phẩm, cạnh tranh trong bán hàng.
Cạnh đó, đây cũng là một câu chuyện có tính hai chiều. Với nhiều nước trên thế giới, dịch vụ thu hộ không phát triển vì chủ yếu người mua thanh toán trực tuyến ngay khi đặt hàng. Tại Việt Nam, thị trường mua bán trực tuyến có độ tin cậy thấp khi mà chính nhiều người bán hàng quảng cáo một đằng chất lượng hàng bán ra một nẻo, hoặc khi nhận tiền trước rồi thì thiếu trách nhiệm trong giao dịch với người mua, thậm chí nhận tiền mà không gửi hàng.
Thực tế này khiến người mua trực tuyến thường dùng chính sách trả tiền khi giao hàng cho “chắc ăn”, đẩy người bán vào tình thế phải dùng đến dịch vụ thu hộ với nhiều rắc rối khác.
Để những rủi ro nói trên không còn tồn tại, có lẽ cũng cần sự thay đổi của hai chiều. Với đơn vị cung cấp dịch vụ giao nhận, thu hộ cần “nâng cấp” dịch vụ và tạo uy tín cho mình. Về các thành viên của đội ngũ bán hàng trực tuyến, có lẽ cách tốt nhất để hạn chế rủi ro là lựa chọn những đơn vị có uy tín đàng hoàng, đồng thời chính bản thân họ phải kinh doanh “có tâm” để góp phần làm lành mạnh môi trường mua bán trực tuyến, tiến đến một thị trường có độ tin cậy cao, thuyết phục được khách hàng trong những phương thức thanh toán mới mà người bán không phải chịu những rủi ro như thu hộ.