“Run” tay vì... “sổ đỏ”

Câu chuyện xoay quanh chiếc “sổ đỏ” vẫn là câu chuyện khiến các công chứng viên (CCV) đau đầu, bởi lượng hợp đồng, giao dịch đem lại doanh thu lớn hầu hết liên quan đến nhà, đất.

Câu chuyện xoay quanh chiếc “sổ đỏ” vẫn là câu chuyện khiến các công chứng viên (CCV) đau đầu, bởi lượng hợp đồng, giao dịch đem lại doanh thu lớn hầu hết liên quan đến nhà, đất. Họ không chỉ sợ “sổ đỏ” giả, sổ đỏ đang bị thế chấp được “phù phép” để bán tài sản... mà xác định thế nào là “sổ đỏ” “an toàn” cũng không hề đơn giản. CCV Nguyễn Tuấn Thắng - Trưởng VPCC Hùng Vương cho biết, cách ghi trong “sổ đỏ” của các cơ quan cấp ra sổ này rất khác nhau: Có sổ ghi tên chủ sử dụng đất (ví dụ là ông Nguyễn Văn A) và số CMND, ngày cấp, nơi cấp. Khi đó, CCV chỉ cần đối chiếu với CMND là xác định được. Thế nhưng, có sổ lại chỉ ghi mình tên chủ sử dụng đất (ông Nguyễn Văn A), mà không có thêm dữ kiện để xác định ông A - người mang “sổ đỏ” đến giao dịch có đúng là ông A - chủ sử dụng đất được ghi trong sổ không, nếu không may có sự trùng tên? Ngay cả trường hợp có ghi số CMND trong sổ đỏ nhưng lại là số do một tỉnh cấp, sau đó người chủ sử dụng đất chuyển về Hà Nội sống và được CA Hà Nội cấp CMND mới, khi đi giao dịch, người dân không xuất trình được CMND ghi trong sổ đỏ (do đã bị thu hồi khi cấp mới), trong khi đó, sổ hộ khẩu lại không ghi số CMND cũ kia để CCV vận dụng. Kết quả, người dân bị từ chối công chứng, vì không chứng minh được mình là chủ sử dụng đất.
Hướng dẫn người đăng ký hợp đồng tại VPCC Đông Anh
Hướng dẫn người đăng ký hợp đồng tại VPCC Đông Anh
CCV Nguyễn Tuấn Thắng cho rằng, mẫu “sổ đỏ” cần ghi tên chủ sử dụng đất và số CMND, mẫu CMND cần có thêm phần ghi chú như giấy đăng ký kinh doanh (cấp đổi từ CMND số... do tỉnh, thành... cấp). Tương tự, với đăng ký xe mô tô, ô tô cũng nên ghi tên chủ sở hữu xe và số CMND, nơi cấp CMND, thay cho ghi địa chỉ hộ khẩu vì nơi cư trú có thể thay đổi nhiều lần. Xác định thành viên hộ gia đình (HGĐ) với các “sổ đỏ” được cấp cho HGĐ cũng là bài toán khó. Trước đây, ở ngoại thành khi cấp đất nông nghiệp, “sổ đỏ” đều ghi cấp cho HGĐ, lâu dần, đất này chuyển mục đích sử dụng sang đất ở, nên tham gia giao dịch nhiều. CCV Trần Quốc Khánh - Trưởng VPCC Lạc Việt cho biết, vào thời điểm cấp “sổ đỏ” thì tất cả thành viên thuộc HGĐ đó đều có quyền với thửa đất được cấp cho HGĐ. Tuy nhiên, sau đó có người tách, nhập hộ khẩu. Những người đã chuyển khẩu đi nhưng họ có tên trong sổ hộ khẩu vào thời điểm được cấp “sổ đỏ” thì vẫn phải mời họ ký tên khi công chứng. Thực tế, nhiều gia đình con gái lấy chồng ở các tỉnh xa, hoặc ở nước ngoài đã lâu, phần tài sản đã dành cho gia đình con trai, không có tranh chấp gì, nhưng để chuyển nhượng, tặng cho được, vẫn phải có chữ ký của người con gái nên gặp rất nhiều khó khăn... Theo CCV Chu Văn Khanh - Trưởng VPCC A1, luật không qui định căn cứ vào giấy tờ nào để xác định thành viên của HGĐ. Thông thường, CCV căn cứ vào sổ hộ khẩu, nhưng trường hợp sổ hộ khẩu được cấp lại, khác với thời điểm “sổ đỏ” được cấp, thì cũng rất khó xác định thành viên của hộ đó. Không ít trường hợp phải từ chối khách hàng vì họ không xin được xác nhận về việc tại thời điểm được cấp “sổ đỏ”, trong sổ hộ khẩu cũ HGĐ họ có bao nhiêu thành viên? Việc xin cấp “sổ đỏ” thường kéo dài trong một thời gian và quyền sở hữu thực tế có trước khi có “sổ đỏ”. Do đó, nếu chỉ căn cứ vào sổ hộ khẩu tại thời điểm cấp “sổ đỏ” để xác minh thành viên HGĐ cũng không ổn, vì có những người khi cấp “sổ đỏ” đã tách khẩu,  hoặc có người chết trước khi có “sổ đỏ”, nhưng thực tế họ vẫn có quyền lợi... Do đó, nhiều CCV cho rằng, sổ đỏ cấp cho ai nên ghi tên cụ thể trong sổ, để tránh vướng mắc khi giao dịch. Ông Khanh cũng cho biết, để xác định được giấy tờ giả rất khó bởi “công nghệ giả” ngày càng tinh vi. Khi nghi ngờ một “sổ đỏ” nào là giả, các VPCC làm công văn hỏi Văn phòng đăng ký nhà đất nhưng những văn bản này thường “một đi không trở lại”! Muốn được việc, họ phải sử dụng “quan hệ cá nhân”...
Theo Hải Lý
Pháp luật và Xã hội

Đọc thêm