Tràn lan thuốc đặc trị “3 không”
Giống với thực phẩm chức năng, chỉ với hình thức quảng cáo trên mạng, lập nhiều website và kêu gọi một lượng lớn người tung hô “lương y”, các cơ sở kinh doanh thuốc đặc trị đã bán cho hàng ngàn người, thu không ít lợi nhuận. Nếu tìm kiếm trên google, mọi người sẽ không khỏi bàng hoàng trước hàng ngàn trang web kinh doanh thuốc đông y, gia truyền.
Theo khảo sát, hình thức quảng cáo chủ yếu của các cơ sở này là rao vặt trên facebook. Mỗi ngày có hơn chục bài viết quảng cáo thuốc đặc trị được đăng tải trị các chứng bệnh: mụn bọc, dạ dày, phụ khoa, viễm xoang, gút, nấm, hôi nách, hôi chân…
Cơ sở nào cũng yêu cầu để lại số điện thoại tư vấn và tuyên bố: “Hoàn lại 100% tiền nếu dùng hết 1 liệu trình mà bệnh không thuyên giảm”, “Giảm đau nhanh, triệu chứng đau sẽ hết sau khi xịt thuốc được khoảng 7 ngày”, “Bào chế từ các thảo dược bí truyền Việt Nam qua nhiều đời”…
Dù bao bì đóng gói sơ sài, giá bán của các bài thuốc này không hề rẻ: từ 200.000 đồng – vài triệu đồng/lọ, được quảng cáo là thuốc đông y, thuốc gia truyền hay bí quyết lâu năm từ các thầy lang ngày xưa nhưng khi tìm hiểu các địa chỉ trên mạng internet này không cung cấp bất cứ giấy tờ nào về tiêu chuẩn, thành phần của thuốc hay giấy phép kinh doanh.
Hầu hết những người giữ bí quyết gia truyền không phải là bác sĩ hay có chứng chỉ hành nghề.
|
Thêm vào đó, hoạt động của các đơn vị kinh doanh “thuốc đặc trị” này không ngừng mở rộng theo hình thức đa cấp. Họ liên tục tuyển các CTV, đại lý phân phối thuốc. Việc đăng ký cũng đơn giản không ngờ, chỉ cần để lại số điện thoại, ngay lập tức bên kia đã cho người gọi lại tư vấn, quảng cáo và hứa hẹn làm giàu nhanh chóng.
Khi chúng tôi gọi cho một số hotline 0988 7xx xxx bán thuốc đau dạ dày, đầu dây bên kia chỉ nói: “thuốc được bào chế từ nhiều loại thảo dược, rễ cây quý hiếm, không có tác dụng phụ. Chị chỉ cần dùng thuốc 2 ngày là đã giảm đau nhanh”.
Một điểm chung nữa là các bài thuốc đều được gắn tên gọi rất “uy tín” như: Thuốc điều kinh gia truyền bà Bục, Thảo dược Đông y giảm cân bà Dung, thuốc xoang mũi bà Lộc, Nhà thuốc đông y gia truyền họ Trần, thuốc đặc trị viêm xoang bà Hòe, thuốc đông y gia truyền đặc trị nhức mỏi xương bà Mai…
Nhưng tên tuổi các bà là ai thì người dân đều không biết.
Cảnh giác với các bài thuốc lừa đảo
Với hình thức bán hàng online, các bài thuốc “gia truyền” kiểu này rất khó kiểm soát chất lượng hay truy tìm xử phạt. Bởi cơ sở kinh doanh của họ thường nằm trong ngõ khuất, xa trung tâm. Cùng một bài thuốc trị hôi nách, hôi chân nhưng có tới gần 10 địa chỉ tại Hà Nội bày bán: Cầu Giấy, Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Từ Liêm…
Tới số nhà 14 ngõ 1 Trường Chinh, đây chỉ là một ngôi nhà bình thường, hoàn toàn không phải là nơi cung cấp dược phẩm theo tiêu chuẩn.
Một địa chỉ kinh doanh thuốc gia truyền lừa đảo đã được báo chí tìm tới là cơ sở Đông y thảo dược ở 20B ngõ 278 Kim Giang, Hoàng Mai, Hà Nội. Cơ sở là một ngôi nhà bốn tầng, cửa đóng then cài. Phía ngoài không có bất kỳ một biển hiệu hay dấu hiệu nào cho thấy đây là cơ sở bán thuốc gia truyền. Bên trong chỉ trưng bày một vài hộp thuốc trên kệ.
Tầng một của tòa nhà là nơi giao dịch, bán hàng, còn tầng hai là cơ sở đóng gói. Tuy nhiên, trên vỏ bao bì một số loại thuốc thì ghi cơ sở đóng gói ở Hòa Bình.
|
Khi PV thắc mắc vì sao không có thành phần cũng như số đăng ký, nhân viên này thừa nhận thuốc chưa được Sở Y tế cấp số đăng ký. “Vì là thuốc gia truyền nên không thể ghi thành phần được. Nhiều người sử dụng thuốc ở đây đều đã khỏi bệnh. Nếu không khỏi, cơ sở hoàn lại tiền 100%” - nhân viên này khẳng định.
Tin tưởng vào các bài thuốc đông y không rõ nguồn gốc, người bệnh chẳng những tiền mất còn mang thêm bệnh tật. Các trường hợp cấp cứu do bị ngộ độc thuốc đông y nhẹ thì có thể chữa ngay, nặng thì sẽ bị tổn thương da toàn thân, nhiễm trùng huyết, suy gan, suy thận cấp có thể dẫn đến tử vong.
Từng mua thuốc trị hôi nách ông Trần Mười, chị Trung D. kể, khi chị mua thuốc trị hôi nách thì chỉ có 1 trang quảng cáo. Đến khi mua rồi mới phát hiện 6, 7 trang khác như vậy cũng bán thuốc này. Chị dùng hết 1 lọ 10 ngày mà không khỏi nên hỏi lại thì được nhân viên bảo mua lọ khác.
Sau đó, bệnh không thuyên giảm nên chị chụp ảnh lại gửi cho họ thì nơi bán chối chị mua phải hàng giả và không chịu trách nhiệm.
Chị D khuyến cáo: “Mấy bạn đừng nên bỏ 280k để mua chai thuốc có thể là giả, không biết thành phần thuốc là gì, đặc biệt các mẹ đang mang thai để tránh tiền mất, tật mang, nếu có lỡ bị hôi nách, hôi chân thì nên tìm thuốc nào có uy tín, nơi sản xuất và người bào chế, chứ ông Trần Mười là ai đến thời điểm này mình cũng không biết ai thật ai giả”.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, người dân nên thận trọng, đừng vội tin các lời đồn thổi về những bài thuốc không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên mạng hay bài thuốc của những thầy lang vườn.
Khi bị bệnh, tốt nhất bệnh nhân nên tìm đến những nơi có uy tín lâu năm, có giấy phép hành nghề, các bệnh viện Đông y để được bắt mạch, kê đơn, tránh tự ý mua thuốc ở các cơ sở không được cấp phép, mua thuốc không rõ thành phần, nguồn gốc./.