Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều người rủ nhau đi dâng sao (nếu gặp sao tốt), giải hạn (nếu gặp hạn xấu). Một số điểm tâm linh vào tháng Giêng, những bàn đăng ký “dâng sao, giải hạn” mọc lên ở các khu vực hành lễ. Những cuốn sách tử vi, bản tra cứu sao chiếu mạng, giấy đăng ký, hướng dẫn cách “dâng sao, giải hạn” bày bán. Lễ cúng giải hạn cũng có đủ loại hình thức, thủ tục và... giá cả khác nhau từ vài trăm nghìn tới vài triệu đồng.
Nỗi lo lắng đầu năm
Chị Mai Trang, một khách đi lễ ưu phiền: “Năm nay, tôi bị sao Kế đô, còn chồng sao La hầu chiếu vào. Thấy bảo, đây là những sao xấu nên tôi lo quá. Ăn Tết cũng không ngon, cứ nhấp nhổm, lo lắng, chỉ sợ chưa kịp giải hạn, sao “quả tạ” lại rơi trúng vào đầu. Tôi đăng ký giải hạn sớm ngày nào, yên tâm ngày đó”.
Vừa nhẩm tính sao cho từng thành viên trong gia đình, chị Bùi Hải Châu (Ba Đình, Hà Nội) thở dài: “Gia đình tôi năm nay có mấy người sao xấu: người sao Kế đô, người sao Thái bạch, La hầu… Tôi phải đi đăng ký giải sao. Thôi thì có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.
Nhiều người mang danh sách thành viên trong gia đình đến nơi thờ tự để giải hạn. Tính cả triệu đồng cho một khóa lễ, cầu an cho cả gia đình. Cũng theo Thu Hoa, chị và vài người bạn phải giải hạn khắp mọi nơi: đền, chùa, miếu, phủ kéo dài đến hết tháng Giêng.
Vì sợ hãi, có người bỏ tiền hàng chục triệu, hàng trăm triệu để thỉnh thầy về nhà cúng sao giải hạn. Để giải được hạn và lộc càng phát, họ sẵn sàng sắm các đồ tế lễ đắt tiền. Có đại gia đặt hẳn 300 hình nhân, 300 ngựa giấy, 300 thuyền rồng, chưa kể rất nhiều vàng, mã khác, khoản gần 200 triệu đồng. Cầu kỳ hơn người này còn “bao thuê” một ngôi đền, một thầy cúng, đưa cả gia đình, bạn bè, đối tác đến “dâng sao, giải hạn” thêm phần linh ứng.
Không ít thầy bói, tướng số lợi dụng cơ hội này đã bày ra đủ trò, từ mang “sao sát chủ” ra hù dọa để gia chủ phải nhờ họ cúng sao giải hạn, đến cúng sao tốt để tăng phúc. Tất cả đều là những kiểu kinh doanh lừa bịp của những kẻ lợi dụng thế giới tâm linh. Có người còn “đặt hàng” các thầy cúng giải hạn vào những ngày mùng 8, 15, 18 hàng tháng. Mỗi tháng giải hạn tiêu tốn không dưới 80 triệu đồng (tiền công, vàng mã, hoa quả cúng lễ...).
Đừng lãng phí tiền của, thời gian và công sức
Theo các vị chân tu, cúng lễ là nhằm khơi dậy đức tin để mong cầu hạnh phúc, làm những việc tốt, răn sửa mình tránh làm việc xấu. Giờ đây, khi nền kinh tế thị trường đang bị cạnh tranh khốc liệt, họ ít tin vào năng lực của bản thân mình. Họ lo bị làm ăn thua lỗ, lo bị tai nạn, bệnh tật… Chính vì thế, nhiều người cứ nơm nớp lo sợ “vận hạn” của mình khi khởi đầu cho một năm mới.
Họ tìm thầy, tìm đến những nơi họ cho là linh ứng, bám víu vào một “đấng tối cao” trong tưởng tượng để giải quyết hàng trăm mối lo âu và sợ hãi. Những gia đình giàu có sẵn sàng bỏ hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu để thuê thầy cúng về làm lễ cho gia đình. Kẻ nghèo khó không có điều kiện nhưng quá tin nên sẵn sàng bán tài sản trong nhà đi để làm lễ. Đó là hiện tượng thương mại hoá, bệnh thích phô trương, mê tín dị đoan.
Một số kẻ xấu đã lợi dụng những tình trạng này để lừa đảo tiền, trộm cắp đồ đạc của đệ tử thập phương, khấn thuê, phao tin, đồn nhảm, tuyên truyền những thông tin thiếu lành mạnh nhằm gây hoang mang trong dân chúng.
Cách đây không lâu, Công an huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Liễu, 35 tuổi, trú xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang về 2 tội danh “Hành nghề mê tín dị đoan” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Công an phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn, Bình Định) cũng thông tin, đã bàn giao Nguyễn Hoàng Minh (SN 1990, ngụ TP HCM) cho Công an TP Quy Nhơn để tiếp tục điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Công an phường Hải Cảng tiếp nhận tin tố giác tội phạm của ông N.Đ.C. (SN 1969, phường Hải Cảng) về việc con gái ông là N.T.N.H. (SN 1996) đã chuyển cho 2,2 tỷ đồng cho đối tượng hoạt động bói toán, giải hạn. Vào cuộc điều tra, lực lượng Công an đã đưa Minh về trụ sở làm việc. Tại đây, Minh thừa nhận đã cùng các đối tượng khác thực hiện hành vi lừa đảo trên...
Hiện nay, quy định về xử phạt vi phạm hành chính hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan tại khoản 4 và khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan. Theo quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội “Hành nghề mê tín, dị đoan”. Khung hình phạt đối với hành vi hành nghề mê tín, dị đoan bao gồm phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm. Nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc số tiền thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên, hành vi này có thể bị phạt tù từ 03 - 10 năm.
Tất cả họa và phước mà con người có được đều là do nhân quả việc làm tốt/xấu hàng ngày của chính người ấy mà ra. Không nên hiểu việc đi giải hạn, giải sao sẽ có thể tránh được cái hạn, cái không may. Dù người ta có dâng sao giải hạn, có đi cầu cúng khắp nơi mà làm ăn gian dối, lừa thầy phản bạn, khi tham gia giao thông không tuân thủ luật, làm những điều xấu... thì cũng không có thần thánh nào cứu được.
Các vị chân tu khuyên nhủ, những người sẵn sàng bỏ tiền để làm lễ “dâng sao, giải hạn” là hoàn toàn lãng phí tiền của, thời gian và công sức, không nên cưỡng cầu vào điều không có thực như vậy.