Tình cờ nhìn thấy một phụ nữ trên đường, Hoàng Phú Nam (SN 1975, ngụ xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) xông tới sàm sỡ. Những người anh em họ của Nam đứng ra khuyên can liền bị hắn trút "mưa dao" lên người khiến một người thiệt mạng, một người trọng thương. Nguồn cơn của bi kịch được xác định là rượu.
|
Người nhà ngậm ngùi thắp nhang cho nạn nhân. |
Ông Hoàng Bảo Chung, Trưởng Công an xã Cao Nhân, cho hay: Khoảng 22h15 ngày 5/2/2013, lực lượng chức năng nhận được tin báo tại nhà ông Hoàng Văn Sơn (SN 1971, ngụ thôn 5, xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên) vừa xảy ra vụ ẩu đả dẫn đến chết người.
Kết quả xác minh cho thấy: Khoảng 21h30 cùng ngày, giữa Hoàng Phú Nam và Hoàng Văn Bẩy (SN 1975), Hoàng Văn Quý (SN 1978), Hoàng Văn Quỳnh (SN 1985, cùng ngụ thôn 5, xã Cao Nhân) đã xảy ra cãi vã. Sau đó, Nam đã dùng dao đâm khiến Bẩy trọng thương, Quý tử vong.
Quý tử vong do bị đâm từ phía lưng xuyên qua tim. Đối tượng Hoàng Phú Nam sau khi gây án đã bỏ trốn và bị bắt ngay trong đêm.
Theo Trưởng Công an xã Cao Nhân, đối tượng Nam làm nghề giết mổ chó, tính tình thô lỗ, cục cằn nhưng chưa từng “dính” tiền án, tiền sự. Nạn nhân Quý là chủ doanh nghiệp tư nhân có tên Hoàng Quý chuyên thu mua chuối và cau để xuất khẩu ra nước ngoài. Anh Quý đã có một cô con gái năm nay 10 tuổi, vợ đang mang bầu tháng thứ 7. Còn nạn nhân Bảy làm ăn nhỏ lẻ ở quê, đã có vợ và hai con lớn.
Theo lời kể của những người dân sống quanh đó, trong khoảng thời gian từ 9h30 đến 10h15 ngày 5/2/2013, điện bị cắt trên diện rộng tại địa bàn Thủy Nguyên. Lúc này, đối tượng Hoàng Văn Nam đang cùng một số người khác uống rượu tại nhà riêng thì thấy mất điện nên đã bỏ ra ngoài hóng gió.
Khi vừa ngật ngưỡng bước ra khỏi nhà, Hoàng Văn Nam tình cờ gặp một phụ nữ đi mua xăng ở nhà hàng xóm. Sẵn hơi men, gã đàn ông này bắt đầu buông lời trêu ghẹo. Người phụ nữ đó vì thấy Nam có biểu hiện của người say nên cũng không nói gì mà chỉ tìm cách tránh mặt. Tuy nhiên, Nam bất ngờ xông tới, có hành vi đồi bại khiến nạn nhân phải hét lên kêu cứu.
Bất bình với cách hành xử của Nam, những người anh em cùng họ Hoàng là anh Quý và anh Bẩy đã lên tiếng khuyên nhủ: “Say rồi thì về nghỉ đi. Trêu ghẹo người ta làm gì?”. Nam tức tối và lớn tiếng: “Kệ tao, liên can gì tới chúng mày?”. Những người lớn tuổi khi chứng kiến cảnh tượng này cũng lên tiếng: “Tết nhất đến nơi rồi. Mỗi đứa nhịn nhau đi một chút. Mất điện thì các cháu về nhà đi. Cứ đứng đây to tiếng với nhau, chẳng giải quyết được gì đâu”.
Lời qua tiếng lại một hồi, Nam chạy xộc về nhà, cầm dao lao ra ngoài khua khoắng liên hồi. Cha của Nam thấy con ngà ngà rượu còn cầm dao chạy ra ngoài thì liền can ngăn và khóa cửa sắt ngoài cổng lại. Được một lúc, Nam thấy cha không để ý liền mở cổng và chạy đến nhà ông Hoàng Văn Sơn, nơi Quý và Bẩy đang uống nước, nói chuyện phiếm.
Trong đêm tối nhập nhoạng, Nam đã đâm một nhát vào anh Quý. Hắn tiếp tục lao vào anh Bẩy, đâm anh. Ông Lý (cha của anh Quý - PV) ngồi kế bên thấy vậy liên tri hô mọi người can ngăn và giữ chặt tay Nam. Nam đấm ông Lý một cái điếng người rồi tiếp tục lao theo anh Bẩy.
Cú đấm đó khiến ông Lý đến nay vẫn chưa hoàn hồn. Theo lời ông Lý, lúc đó, chị dâu Nam thấy thế liền gào lên và khuyên Nam bình tĩnh. Chị này đã cố giữ con dao bầu sắc lẹm trong tay nhưng vì sức phụ nữ không thể đấu với trai tráng nên đã bị Nam giật lại, khiến chị bị thương, chảy máu ở tay. Một thanh niên thấy vậy cũng lao đến ôm để can ngăn Nam cũng bị hắn đâm một nhát dao trúng đùi. Phải đến khi nghe tiếng la của người thanh niên: “Chú Nam ơi, cháu Phong đây”, Nam mới nhận ra người thân của mình.
Tuy nhiên, sự việc chưa kết thúc ở đó, Nam tiếp tục đuổi theo Bẩy và đâm anh này một nhát ở phía sườn trái rồi mới chịu dừng tay. Trong lúc đó, chị dâu Nam đã đi báo tin cho công an xã nhưng khi lực lượng chức năng có mặt, đối tượng đã bỏ trốn. Các nạn nhân đã nhanh chóng được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng vì vết thương quá nặng nên anh Quý tử vong, còn anh Bẩy được chuyển lên bệnh viện tuyến trên nhưng chưa biết sống chết ra sao.
Con đường dẫn vào nhà nạn nhân xấu số tên Quý khá gần với hiện trường xảy ra thảm án. Bố mẹ anh Quý là ông Hoàng Văn Lý (60 tuổi) và bà Hoàng Thị Coi (60 tuổi) đang mân mê bộ quần áo mà anh hay mặc. Còn cô con gái Hoàng Thị Hà My (10 tuổi) đang sửa soạn cơm muối để thắp hương ba.
Một tay rót nước mời khách, một tay ông Lý lau vội giọt nước mắt trên khuôn mặt khắc khổ của người nông dân đã đi quá nửa đời người.
Ông Lý thở dài: “Thế là được nửa tháng rồi. Chưa kịp đón Tết, con dâu và cháu tôi đã phải chịu tang. Những tưởng ngày Tết gia đình được sum họp, vui vầy bên nhau. Vậy mà... Thằng Quý nhà tôi tính tình hiền lành xưa nay hiếm, nó thương vợ con và gia đình lắm. Cày cấy không đủ ăn, nó xoay sở đủ đằng, đi từ Bắc chí Nam rồi cả Lào, Thái Lan để xuất khẩu chuối, cau. Nó thoát ly từ năm 20 tuổi, đâu đâu cũng có lốt chân nó. Cả năm trời vắng nhà, đến dịp Tết nhất sum họp, nó lại thiệt mạng ngay cạnh tổ ấm của mình. Gia đình tôi xót xa, bàng hoàng lắm!”.
Nghe đến đây, chị Nguyễn Thị Nhung (SN 1982, vợ anh Quý) òa khóc nức nở. Bà Coi tiếp lời: “Sáng hôm xảy ra sự việc, thằng Quý mới đưa cái Nhung siêu âm xem tình trạng sức khỏe hai mẹ con thế nào. 7 tháng trời xa nhau đằng đẵng, đến Tết, cả gia đình mới được đoàn tụ. Khi nhìn hình ảnh của cháu bé trong bụng, thằng Quý luôn tấm tắc khen: “Con giống mình quá. Chắc lớn lên nhanh nhẹn phải biết”.
Đến trưa, hai vợ chồng nó đi mua sắm chuẩn bị đón anh em cùng nghề từ trong Nghệ An, Quảng Trị ra thăm. Buổi chiều, thằng Quý mang tiền đi mua đèn lồng, đèn nháy để thanh niên gần nhà trang trí đường làng đón Tết. Sau bữa cơm tối thân mật, chúng nó tập trung lại để sửa soạn đèn điện”.
Chị Nhung nghẹn ngào cho hay: “Cách lúc xảy ra sự việc có vài phút thôi, tôi còn gọi điện cho chồng giục anh về nhà. Giá mà anh ấy về ngay thì đâu đến cơ sự này...”.
Rụng rời khi nghe tin anh Quý bị đâm trọng thương, chị Nhung đã vội vã về nhà lấy xe phóng lên viện. Nhưng khi vừa tới nơi, anh Quý đã tắt thở. Chị không thể ngờ được rằng cuộc điện thoại lúc 21h59 đó cũng là cuộc gọi cuối cùng của vợ chồng chị và chỉ cách thời khắc anh Quý ra đi có vài phút, đứa con của chị chưa kịp chào đời đã phải chịu phận mồ côi.
Thắp nén nhang lên bàn thờ chồng, chị Nhung thẫn thờ: “Gia đình tôi chẳng cần gì cả. Bồi thường cũng chẳng có ý nghĩa gì. Mất người là mất tất cả rồi. Đứa con vợ chồng tôi trông ngóng suốt gần 10 năm trời còn chưa biết mặt bố”. Nói rồi, chị Nhung òa lên khóc nức nở...
Tết đến xuân về là dịp để chúng ta quây quần bên người thân sau những ngày xa cách. Chuyện trà dư tửu hậu là khó tránh khỏi nhưng cũng không nên vì thế mà buông thả bản thân. Mỗi người cần phải biết tự chủ trước mỗi hành động, lời nói của mình để tránh những thảm kịch huynh đệ tương tàn như câu chuyện đau lòng của nhà họ Hoàng nói trên.
Mộc Lan