Rượu thịt ê hề ngày xuân dễ sinh bệnh

QTV - Thịt kho, dưa muối, tôm khô, bánh chưng, lạp xưởng, rượu vang, là những loại thực phẩm ngon ngày Tết, nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng nếu lạm dụng, một số người dễ bị phát bệnh tiểu đường, huyết áp và tim mạch.

QTV - Thịt kho, dưa muối, tôm khô, bánh chưng, lạp xưởng, rượu vang, là những loại thực phẩm ngon ngày Tết, nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng nếu lạm dụng, một số người dễ bị phát bệnh tiểu đường, huyết áp và tim mạch.

"Không có loại thức ăn nào bị cấm dùng, nhưng trong ngày Tết, khi mà các loại thức ăn đồng 'tề tựu' thì việc dùng vừa mức, biết lắng nghe cơ thể mình để lựa chọn những loại thức ăn phù hợp là cần thiết", bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM khuyên nhủ.

Thịt kho Tàu là món ăn mà hầu hết các gia đình ở miền Nam dùng trong ngày Tết. Ảnh minh họa: nauanngon.

Tránh bữa ăn quá nhiều đạm. Theo bác sĩ Diệp, do thói quen ăn uống ngày Tết, món ăn có nước lèo như măng nấu giò, khổ qua dồn thịt hầm, xương hầm chân giò, thịt kho hột vịt, giò lợn, tôm khô củ kiệu là những món có thể gây bệnh đối với một số người.

Thức ăn có quá nhiều đạm nếu bị lạm dụng sẽ là nguyên nhân dẫn đến bệnh Gout, đặc biệt, với những người đã mắc bệnh loại thức ăn này sẽ làm bệnh nặng hơn, uống thuốc không có tác dụng, điều trị không hiệu quả.

"Ngoài bệnh Gout, bữa ăn nhiều đạm còn làm tăng nguy cơ loãng xương bởi không như mọi người vẫn nghĩ ăn nhiều thịt sữa sẽ có canxi, thực tế, nếu quá thừa đạm, quá trình hấp thu canxi sẽ giảm. Và đây là nguyên nhân dẫn đến loãng xương", bác sĩ Diệp nói.

Loại thực phẩm thứ hai cần tránh dùng nhiều là nhóm có nhiều muối. Cụ thể là dưa cà muối, mắm cá các loại, khô, thực phẩm chế biến sẵn như vịt quay, heo quay, giò chả...

Những món ăn này nếu lạm dụng có thể gây tăng huyết áp, tai biến hoặc các bệnh lý tim mạch đối với những người có yếu tố nguy cơ như người trên 40 tuổi, trong gia đình có người bị tăng huyết áp, thừa cân béo phì, đái tháo đường, người có lối sống tĩnh tại ít hoạt động. Ăn nhiều thức ăn chứa nhiều muối lâu dài ngoài các bệnh đã nêu còn là nguy cơ dẫn đến chứng suy thận, loãng xương, ung thư.

Nhu cầu tiêu thụ trung bình của mỗi người là 2.400 mg, tức tương đương 1 muỗng cà phê muối hoặc 4 muỗng canh nước mắm. "Chính vì thế, người dùng nên cân chỉnh bằng cách nếu trong bữa ăn đã có món mặn thì nên ăn kèm món nhạt như cá kho kèm rau luộc. Thực đơn thừa muối là thực đơn có cả món xào, món canh, món chiên, món kho", bác sĩ Diệp nói.

Nhóm thứ ba cần lưu ý là các loại thức ăn như kiệu ngâm chua, dưa chua, dưa giá, dưa non muối, dưa còn xanh do muối chưa tới. Món ăn này dùng cùng với bánh chưng, thịt kho ngày Tết giúp ngon miệng, chuyển hóa đạm nhanh, giảm đầy bụng. Tuy nhiên nếu ăn quá nhiều cũng có thể gây thừa muối và làm rối loạn chuyển hóa. Đó là chưa kể đến quá trình chế biến không đảm bảo vệ sinh có thể dẫn đến ngộ độc cấp.

Lạp xưởng, bánh chưng, mứt cũng là những loại thức ăn cũng được giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM khuyên không nên dùng quá nhiều, đặc biệt là nhóm người thừa cân, tiểu đường vì dễ gây tăng cân, tăng lượng đường trong máu.

"Nhiều người tưởng bánh chưng kém năng lượng nên ngày Tết dùng thường xuyên mà không biết đây là suy nghĩ sai lầm. Theo tính toán, chỉ một miếng bánh chưng nằm vừa cái bát thì năng lượng đã bằng 3 bát cơm. Điều này hoàn toàn không có lợi cho người bị tiểu đường và người đang muốn giảm cân", bà Diệp nói.

Ngoài việc "ăn" chuyên gia dinh dưỡng cũng cảnh báo mọi người nên cẩn trọng trong chuyện uống. Quá nhiều rượu bia hiển nhiên không có lợi, tuy nhiên dùng quá nhiều rượu vang, thứ thức uống mà nhiều người vẫn cho rằng có lợi cho tim mạch cũng không tốt.

"Rượu vang duy nhất được nghiên cứu có lợi đối với sức khỏe là vang đỏ làm từ nho đỏ. Tuy nhiên phải dùng đều đặn mỗi ngày trong thời gian dài và mỗi ngày không quá 50 ml", bác sĩ Diệp nói.

Theo VnExpress

Đọc thêm