Sáng nay, 23/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Quy định hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là nội dung được nhiều đại biểu góp ý, tranh luận.
Lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trình Quốc hội trước đó đã đưa ra hai phương án về quy định hưởng BHXH một lần.
Dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang) phân tích, phương án 1 sẽ không đảm bảo sự công bằng giữa những người lao động (NLĐ) tham gia BHXH trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực.
Bởi, một trong những lý do chính khiến NLĐ rút HBXH một lần trong thời gian qua là để bù đắp những khó khăn về mặt kinh tế như cần tiền để lo cho cuộc sống trước mắt hoặc có nguồn lực để phát triển kinh tế gia đình.
Theo đại biểu, quy định như phương án 1 dễ dẫn tới nguy cơ sẽ không động viên được NLĐ trẻ, NLĐ mới tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện, trong bối cảnh tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất cao (68,5%), tích lũy từ tiền lương và thu nhập của NLĐ còn rất thấp nên việc rút BHXH một lần trong nhiều trường hợp là nguồn tài chính vô cùng cần thiết để NLĐ duy trì, bảo đảm được phần nào cuộc sống trước mắt của họ.
Như vậy, vô hình trung sẽ không tạo động lực để NLĐ trẻ, lao động mới tham gia BHXH, không thực hiện được nguyên tắc công bằng, bình đẳng của BHXH trong quan điểm xây dựng luật, khiến cho mục tiêu, ý nghĩa của chính sách về BHXH không đạt được như Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu tại phiên họp. |
Theo đại biểu, với phương án 2, NLĐ vẫn có thể rút BHXH một lần như điều kiện hiện nay, nhưng mức rút chỉ là 50% trên tổng tích lũy của họ trước đó là không hợp lý vì số tiền người sử dụng lao động đóng BHXH cho NLĐ cũng là tiền của NLĐ (theo quy định tại khoản 3 Điều 168 của Bộ luật Lao động).
Bên cạnh đó, việc chỉ chi trả 50% và giữ lại 50% chưa phải là phương án tốt hỗ trợ cho NLĐ khi họ phải đương đầu với những khó khăn trước mắt của cuộc sống.
Phương án này cũng sẽ tạo ra sự khác biệt khá lớn về số tiền hưởng BHXH một lần của những NLĐ hưởng BHXH một lần trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực.
Do đó, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp, có xem xét dưới góc độ giới, để có được một phương án thấu đáo, đáp ứng được quyền lợi thực chất và nguyện vọng của NLĐ về việc hưởng BHXH một lần.
“Tôi ủng hộ phương án NLĐ được rút BHXH một lần và được rút một mức thỏa đáng nhất có thể được. Bên cạnh đó, đề nghị có các hình thức hỗ trợ song song như tín dụng, vốn vay ưu đãi cho NLĐ kèm theo công tác vận động, truyền thông để thay đổi nhận thức, hành vi giúp mọi người nhận diện được lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH, từ đó tự nguyện cam kết thực hiện”, đại biểu nêu quan điểm.
Cũng tranh luận tại phiên họp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đồng tình với phương án 1. Dẫn chứng số liệu về tỷ lệ lao động mất việc làm tăng lên theo từng năm, đại biểu cho biết, 3 năm qua, NLĐ bị tổn thương rất nặng nề, họ vừa mất người thân do đại dịch Covid-19, sau đó bị mất việc làm do hợp đồng, đơn hàng của các doanh nghiệp bị cắt giảm nên NLĐ hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.
Do vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục kéo dài chính sách của Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhưng thay đổi nội dung và hỗ trợ cho Ngân hàng chính sách xã hội để tăng khoản cho vay với lãi suất thấp cho người yếu thế để giúp họ vượt qua khó khăn.
Loại bỏ hoàn toàn quy định về rút BHXH một lần là chưa thực sự phù hợp
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho hay, rút BHXH một lần là thực trạng vô cùng day dứt hiện nay, gây tác động tiêu cực đến đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của người dân.
Theo đại biểu, nếu không có những quy định triệt để, rất khó có thể dần xoá bỏ tình trạng rút BHXH một lần. Nhưng đặt trong bối cảnh đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, việc loại bỏ hoàn toàn quy định về rút bảo hiểm BHXH từ khi luật mới có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) là chưa thực sự phù hợp.
Để hạn chế tình trạng này, đại biểu cho rằng các quy định cần siết chặt theo 2 khía cạnh; đó là trao quyền lựa chọn cho NLĐ bằng cách tăng tính hấp dẫn, ưu đãi của các chế độ BHXH để giữ chân NLĐ trong hệ thống BHXH; và quy định chặt chẽ các điều kiện hưởng để hạn chế tối đa rút BHXH một lần. Từ việc hạn chế, siết chặt bằng các quy định sau đó mới có thể tiến tới lộ trình bỏ hoàn toàn chế định rút BHXH một lần.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng cần tiếp tục lấy ý kiến từ các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp về nội dung này, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những phương án, lộ trình phù hợp nhất để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, góp phần đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người dân.
Cũng tranh luận về vấn đề rút BHXH một lần, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) nêu quan điểm, Nhà nước làm luật thì nên đặt mình vào cương vị của NLĐ.
Với tinh thần đó, đại biểu cho rằng, các nội dung cơ bản của Nghị quyết 93 năm 2015 cần được tiếp tục gìn giữ nhưng cần gia cố thêm những chính sách để giữ chân NLĐ, quan điểm là Nhà nước chỉ nên giữ chân NLĐ bằng các lợi ích chứ không nên đặt ra bằng các hạn chế.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh đề xuất giải pháp theo hướng cho phép NLĐ rút BHXH một lần nhưng cần có phương án trung gian. Theo đó, khi NLĐ có nhu cầu rút BHXH một lần, trước mắt sẽ được dùng sổ bảo hiểm, xác định được số tiền rút một lần chuyển sang cơ quan Ngân hàng Chính sách thì sẽ được rút số tiền đó từ ngân hàng. Chi phí đó thì NLĐ chịu mức lãi suất chính sách dưới 5%/năm. Khi nào NLĐ quay trở lại thì sẽ phải đóng bổ sung số lãi đó và tiếp tục được tham gia BHXH.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng, giải pháp trung gian cùng với các chính sách khác sẽ hấp dẫn được NLĐ bằng các lợi ích chứ không nên giữ chân NLĐ tham gia BHXH bằng các hạn chế.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, để đưa ra phương án BHXH một lần cần hướng tới hai tới mục tiêu cơ bản. Thứ nhất là đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia BHXH vẫn có quyền được rút BHXH. Thứ hai là phải phấn đấu để giữ chân NLĐ trong hệ thống đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo cho người dân khi về già có lương hưu, đảm bảo cuộc sống.
“Hiện tại chúng ta khó có thể đưa ra một phương án tối ưu, phương án chỉ có ưu điểm mà sẽ đi theo phương án tiếp tục đề xuất, hoặc chọn phương án nhiều ưu điểm hơn. Qua thảo luận và ý kiến của NLĐ, tổ chức lao động vừa qua góp ý và đặc biệt là ý kiến thảo luận của Quốc hội hôm nay, chúng tôi cho rằng việc điều chỉnh hưởng BHXH một lần sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng là NLĐ có quyền vấn đề này nhưng không phân biệt người đóng trước hay đóng sau sau khi luật có hiệu lực”, Bộ trưởng nói.
Về quy định hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án.
- Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm NLĐ khác nhau:
+ Nhóm 1: Đối với NLĐ đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.
+ Nhóm 2: Đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận BHXH một lần (chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).
- Phương án 2: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH".