QTV - Ðảo Quan Lạn là trung tâm thương mại quốc tế sầm uất và quan trọng nhất của Việt Nam vào thế kỷ 11. Đảo Quan Lạn chính là món quà mà tạo hóa ban tặng cho Quảng Ninh với những bãi biển thơ mộng mang đầy nét hoang sơ, với những ngọn núi trùng trùng điệp điệp, và đặc biệt là một bãi “mồi” sá sùng rộng mênh mông đã giúp vực dậy nền kinh tế của cả khu vực biển đảo này.
“Săn đuổi” loài vật kì bí
Bãi đào sá sùng rộng khoảng 400ha, hầu như lúc nào cũng có tới hàng chục người cùng nhau trên cuộc hành trình “săn đuổi” loài vật kì bí trông như những con giun đất này. Công việc "săn" sá sùng đã đem lại cho những người dân nơi đây nguồn thu nhập “kha khá” khoảng 250.000 đ/ngày. Bà Châu Thị Tư tại thôn Đoài, xã Quan Lạn cho biết : Bà làm nghề “đào mồi” đã gần 50 năm, công việc này đã nuôi sống cả gia đình. Bà Tư còn cho biết có người đào giỏi, thu nhập có ngày hơn 1 triệu đồng.
Xây nhà tầng, sắm xe, tàu … từ sá sùng
Chị Nguyễn Thị Chỉ tại thôn Tân Phong, xã Quan Lạn hiện đang là chủ một đại lý thu mua, chế biến sá sùng cho biết : Mỗi ngày chị ra tận nơi đào sá sùng thu mua khoảng 40 kg với giá 150.000 đ/kg để về chế biến. Khi qua chế biến, sá sùng có giá trị kinh tế rất cao. Tết năm ngoái, mỗi cân sá sùng giá tới 2,5 triệu/kg, Tết năm nay chị còn cho rằng giá phải lên 2,7 triệu/kg.
|
Chế biến sá sùng |
Anh Trương Quang Khoái tại thôn Đoài, xã Quan Lạn cũng là chủ một đại lý thu mua, chế biến sá sùng cho biết : Sá sùng đã giải quyết rất nhiều việc làm cho bà con, từ trẻ đến già ai ai cũng có thể làm. Người làm nghề này đã có người xây được nhà tầng, sắm xe, tàu, … để phục vụ khách du lịch.
Ông Nguyễn Văn Toàn – Chủ tịch Hội nông dân xã Quan Lạn cho biết : xã đã có chủ trương phát triền nghề “đào mồi" sá sùng để phục vụ không những cho người dân trên đảo mà còn cho khách du lịch. Ngoài lấy mồi, xã đảo Quan Lạn còn có thế mạnh về nuôi trồng thủy hải sản. Đặc biệt là nuôi bào ngư và cầu gai đang được nghiên cứu để phát triển.
Thế Huy