Sách online - “món ăn tinh thần” mùa dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thực hiện giãn cách xã hội khiến cho việc tiếp cận sách in của bạn đọc trở nên khó khăn hơn. Trong bối cảnh này, sách nói, sách điện tử... trở thành “món ăn tinh thần” ưa thích của nhiều người.
Sách nói là một trong những hướng đi mới đầy tiềm năng của ngành xuất bản sau dịch.
Sách nói là một trong những hướng đi mới đầy tiềm năng của ngành xuất bản sau dịch.

Mùa dịch, trở về với sách

Người ta đọc sách nhiều hơn trong đại dịch, đó là thống kê được đưa ra bởi nhiều đơn vị tiến hành khảo sát trên thế giới. Báo cáo khảo sát của Global English Editing (công ty xuất bản và hiệu đính trực tuyến hàng đầu tại Mỹ và trên thế giới) cho thấy, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, 35% số người được khảo sát bắt đầu có thói quen tiếp cận sách qua nhiều hình thức: đọc sách giấy, ebook; nghe audio book, podcast.

Đồng thời, trong thời điểm dịch bệnh, giãn cách tại nhiều quốc gia, khi nhiều hiệu sách, nhà sách lớn nhỏ phải đóng cửa thì sự thay đổi về phương tiện đọc cũng được đẩy nhanh hơn. Người dùng thế giới có xu thế ngày càng lựa chọn sách nói, sách điện tử để đọc nhiều. Ở nhiều quốc gia, người ta ghi nhận sự tăng trưởng đáng khích lệ của ngành xuất bản nhờ vào “điểm sáng” là sách kĩ thuật số - tức chủ yếu là sách nói, sách điện tử. Năm 2020, mảng sách kĩ thuật số có doanh thu tăng và việc mở rộng phạm vi tiếp cận đối với các đối tượng chưa từng tiếp cận.

Tại Việt Nam, khi nhiều thành phố, đô thị phải thực hiện giãn cách thì sách kĩ thuật số trở thành một trong những lựa chọn lý tưởng cho việc giải trí và nâng cao kiến thức.

Việc tiếp cận sách kĩ thuật số của người đọc trong nước đã được ghi nhận trong vòng 2 năm trở lại đây và cũng có những tín hiệu “đột biến” vào năm 2020. Tại hội sách trực tuyến tổ chức vào giữa năm 2020, kết quả doanh thu khá bất ngờ khi hầu hết các đơn vị có tiếng trong làng sách như Phương Nam Book, Thái Hà Book, Nhã Nam, Nhà xuất bản Trẻ... công bố doanh thu bán sách online tăng trung bình từ 30% đến 50% so với mọi năm.

Năm nay, chưa thấy các đơn vị làm sách đưa ra kết quả doanh thu, nhưng các khảo sát trước mắt cũng cho thấy, ebook và audio-book được đông đảo bạn đọc ưa chuộng và đặt mua không kém sách giấy.

Mở rộng việc đọc cho trẻ em từ sách nói

Sách điện tử có mặt sớm hơn sách nói trong thị trường làm sách quốc tế. Nhưng tại nhiều nước trên thế giới, sách nói đã vượt cả sách điện tử về mức độ yêu thích lẫn doanh thu.

Ưu thế của sách nói khá nhiều, đến từ việc tiện dụng, không cần phải tiếp xúc với thiết bị điện tử quá lâu. Đồng thời, hiện nay công nghệ làm sách nói phát triển, các giọng đọc ngày một được trau chuốt, truyền cảm, kết hợp với các âm thanh bổ trợ, minh hoạ khiến việc nghe sách càng thêm sinh động, thú vị.

Ở Việt Nam hiện nay, sách nói ngày càng đa dạng và đủ thể loại: sách kĩ năng sống, sách dạy ngoại ngữ, sách về tâm linh, các tản văn, tác phẩm văn học trong và ngoài nước... Giúp người đọc trong nước có thể dễ dàng tiếp cận kho tàng kiến thức thế giới thông qua sách nói.

Sách nói trong nước được phát triển trên nhiều nền tảng: các website chuyên về sách nói, các kênh sách nói trên Youtube, các ứng dụng nghe sách nói miễn phí và trả tiền... Năm qua, một số đơn vị làm sách cũng đã đưa ra những thử nghiệm thu phí với mức giá khá cao cho những tác phẩm sách best - seller, được đầu tư bản sách nói công phu. Kết quả là nhiều người đọc đã chọn sách nói trả phí với chất lượng cao, thay vì các bản “nghe lén” không chuẩn được phát hành lậu trên mạng xã hội. Có thể kể ra trường hợp của hai tập sách “Muôn kiếp nhân sinh” do First News - Trí Việt ấn hành cả sách giấy lẫn sách nói.

Đặc biệt, mùa dịch, giãn cách, sách nói không chỉ trở thành “món ăn tinh thần” cho người lớn, mà còn trở thành cách đọc sách yêu thích của trẻ nhỏ, hoặc cách thức hữu hiệu để các bậc phụ huynh hướng con tiếp cận và yêu thích sách.

Nhiều bậc cha mẹ chia sẻ, thời điểm mùa hè hàng năm thường cho con đi nhà sách, chọn mua sách, năm nay thì không được ra ngoài nên tìm hiểu về sách nói và cho con nghe.

Hầu hết phụ huynh đều hài lòng vì chất giọng đọc diễn cảm, trẻ lại không phải nhìn vào màn hình điện thoại nhiều gây hại mắt. Đặc biệt trẻ cũng tỏ ra rất thích thú bởi loại hình này.

Chị Trịnh Thị Vân Anh, giáo viên, ngụ Thủ Đức, TP HCM chia sẻ, sau một thời gian cho con thử tiếp cận với sách nói, chị đã mua ứng dụng sách nói trả tiền cho con, nhiều loại sách hay hơn, đọc truyền cảm và nhiều hiệu ứng thu hút trẻ hơn. Nhờ có sách nói, con chị từ không quan tâm trở nên thích thú, say mê với việc nghe sách.

Có thể thấy, sau đại dịch, sẽ có nhiều thay đổi trong các lĩnh vực văn hoá, giải trí, trong đó có ngành xuất bản. Bên cạnh những khó khăn, thất thoát gây ra do dịch bệnh, cũng sẽ lộ diện các hướng đi mới, sáng sủa, phù hợp với thời đại. Đó cũng chính là cơ hội cho các nhà làm sách năng động, chịu đầu tư và phát triển cái mới.

Đọc thêm