Trong báo cáo thường niên công bố ngày 31/7, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đánh giá vai trò ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc trong việc định hình chính sách đối ngoại của nước này là một nguy cơ đối với an ninh trong khu vực.
|
Thủy thủ PLA. Ảnh : Reuters |
Trong Sách trắng quốc phòng 2012, Tokyo cho rằng quan hệ giữa Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) và giới lãnh đạo Đảng Cộng sản đang “ngày càng phức tạp”, mức độ ảnh hưởng của quân đội đến các quyết sách ngoại giao đã thay đổi.
Tokyo quan ngại về sự không rõ ràng về lực lượng chịu trách nhiệm về các chính sách quân sự của Bắc Kinh. Điều này, cùng với sự gia tăng các hoạt động quân sự trên biển của Trung Quốc, đang đặt ra “thách thức an ninh cho khu vực”.
“Tình trạng này đã tạo ra những thách thức trong việc quản lý nguy cơ của Nhật Bản” – báo cáo viết. Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản được công bố trong bối cảnh các sĩ quan cao cấp, cố vấn tình báo và lãnh đạo cơ quan hàng hải Trung Quốc ngày càng lớn tiếng kêu gọi Bắc Kinh cứng rắn trong trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.
Khi đề cập đến những tranh chấp về lãnh thổ có liên quan đến Trung Quốc, trong đó có tranh chấp kéo dài giữa với Nhật Bản trên biển Hoa Đông, Tokyo đã lặp lại quan điểm đã được đưa ra trong báo cáo quốc phòng năm 2011, trong đó hoan nghênh vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc trên trường quốc tế đồng thời lưu ý về những động thái ngày càng hung hăng của Bắc Kinh.
“Trung Quốc đã xử lý các vấn đề tranh chấp liên quan đến Nhật Bản và các nước láng giềng theo cách thức đã bị chỉ trích là mạnh bạo, dấy lên những lo ngại về định hướng tương lai của nước này” – báo cáo viết. Tokyo cũng tiếp tục lưu ý về việc đẩy mạnh xây dựng lực lượng quân sự, đặc biệt là hải quan, với việc chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng khoảng 30 lần trong 24 năm qua.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto cho rằng, nhiều nước trong khu vực đã cảnh giác về vấn đề này. “Không chỉ có Nhật Bản đang cảnh giác mà các nước Đông Á cũng đang quan ngại về cách thức mà Trung Quốc đang hướng tới” – ông Morimoto nói với các phóng viên.
Philippines mời thầu 3 lô dầu khí trên biển Đông Phía Philippines khẳng định các lô dầu khí này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Công ty dầu khí Nido của Australia, Công ty năng lượng Repsol cua Tây Ban Nha, Công ty điện và khí đốt GDF Suez của Pháp và Công ty năng lượng Eni của Italia nằm trong 15 công ty đủ tiêu chuẩn tham gia đấu thầu. |
Nhật Bản dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục việc mở rộng hoạt động trên biển, bao gồm các hành động quân sự và huấn luyện, theo cơ chế thường kỳ trên các vùng biển Hoa Đông, biển Đông và Thái Bình Dương.
“Chúng ta cần phải theo dõi sát sao các hoạt động do thám của họ, như là chuyển động của hạm đội hải quân, tình trạng các căn cứ hoạt động và sự thay đổi trong cách diễn giải những định nghĩa pháp lý có một không hai của họ về các vấn đề như vùng đặc quyền kinh tế” - Sách trắng quốc phòng Nhật viết.
Trong Sách trắng quốc phòng, Tokyo tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đồng minh với Mỹ. “Sự hiện diện của lực lượng Mỹ đồn trú tại Nhật có chức năng ngăn chặn mọi bất trắc trong khu vực và mang lại cảm giác an ninh cho các nước trong khu vực” – Sách trắng viết.
Chính phủ Nhật đề xuất mua quần đảo Senkaku với giá 2 tỉ yen
Trong một diễn biến khác, các nguồn tin thân cận với chủ sở hữu các nhóm đảo thuộc quần đảo Điếu Ngư cho hay, chính phủ của Thủ tướng Yoshihiko Noda đã đề xuất mua một số đảo của quần đảo này với giá 2 tỉ yen. Tuy nhiên, chủ sở hữu nhóm đảo không có ý định chấp thuận đề nghị của chính phủ vì đang muốn xúc tiến đàm phán với Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara.
“Tôi không muốn làm ông Ishihara mất mặt” – chủ sở hữu nhóm đảo nói, mở ra những nghi vấn về khả năng chính phủ của Thủ tướng Noda có thể dọn đường cho việc quốc hữu hóa quần đảo Senkaku.
Chính phủ Nhật Bản muốn quốc hữu hóa các đảo lớn nhất Uotsuri, đảo Kitakojima và đảo Minamikojima của chủ sở hữu trên. Trong khi đó, chính quyền Tokyo đã quyên góp được 1,39 tỷ yen để mua 3 hòn đảo này. Quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát, nhưng Trung Quốc và Đài Loan cũng đòi chủ quyền.
Minh Ngọc (theo Reuters, Kyodo news)