Sài Gòn những ngày “tổn thương” và chữa lành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mỗi người một việc, ngày giãn cách, ngày dịch bệnh, công việc và thu nhập ít đi, nhưng có rất nhiều người tất bật hơn, vất vả và hy sinh hơn nhiều. Họ chỉ lặng lẽ làm điều tốt, chỉ âm thầm cống hiến sức lực, đưa bàn tay ra cứu người, chữa lành những tổn thương.
Chung tay hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn trong dịch bệnh. (Ảnh minh họa)
Chung tay hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn trong dịch bệnh. (Ảnh minh họa)

“Vết thương” thành phố

Những ồn ào trên mạng xã hội dường như ngày càng gay gắt, khi người ta liên tục “ném” vào nhau những lời gây tổn thương sâu sắc. Vài ngày trước, dư luận tranh cãi kịch liệt chuyện nên hay không nên khoe ảnh đi chích vaccine ngừa COVID-19.

Với nhiều người, việc đăng thông tin trên là bày tỏ niềm vui góp thêm một viên gạch vào bức tường chống dịch, lan tỏa tinh thần lạc quan và vững tâm cho những người còn e ngại vaccine.

Nhưng lại có luồng thông tin yêu cầu người tiêm vaccine không được đăng ảnh, cho rằng thiếu tế nhị, khoe khoang, gây tổn thương cho những người chưa được tiêm. Không ít người đăng ảnh bị bêu tên, công kích bởi những người phản đối.

Chị Mỹ Phương, một giáo viên tại TP HCM chia sẻ, chị được ưu tiên tiêm để chuẩn bị coi thi, lại có bệnh nền. Sau khi tiêm, chị đăng một bài viết bày tỏ niềm vui thì bất ngờ bị nhiều người chê trách vô tâm, vui trên nỗi khổ của người khác. Nhiều bạn bè, người thân còn nhắn tin bảo chị “hạ” ngay bài viết xuống. Nhiều trường hợp khác cũng chịu sức ép tương tự.

Vấn đề trên còn chưa “hạ nhiệt”, mạng xã hội lại sôi sục câu chuyện đoàn tình nguyện viên y tế trẻ tuổi từ Hải Dương vào chi viện cho TP HCM. Chỉ xuất phát từ một bài viết trên mạng chưa rõ thực hư cho rằng các em tình nguyện viên “yêu sách”, đòi ở khách sạn 5 sao, đòi mặc đồ bảo hộ chuẩn, để người dân phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ với thái độ không hay, nhiều cư dân mạng đã xúm vào “ném đá” các tình nguyện viên.

Hàng loạt bài viết, bài chia sẻ “nhân danh Sài Gòn” với những ngôn ngữ kích động và hằn học: “Sài Gòn không cần”, “mời các bạn về cho”, “tiễn ngay lập tức”, “thích đi Sài Gòn du lịch thì nói”… Đáng buồn là những bài viết, câu chữ gây sát thương ấy lại đến từ cả những người có uy tín, có tầm ảnh hưởng trong xã hội.

Có một nữ bác sĩ đòi “dạy dỗ” các em tình nguyện viên cho “bớt hư hỏng”; nữ MC danh tiếng viết hẳn một bài dài để “đuổi khách”. Câu chuyện vùng miền cũng được đặt ra để kì thị, chê bai, hạ thấp nhau…

Những bàn tay ấm

Ở góc độ khác, có những người cũng nhân danh Sài Gòn bày tỏ niềm áy náy và xấu hổ vì những gì xấu xí đã và đang diễn ra, khoét sâu thêm “vết thương” thành phố. Trên mạng vẫn “ném đá” nhau, còn trong đời sống, người với người vẫn đang tất bật chữa lành những tổn thương do dịch bệnh gây ra.

Các em tình nguyện viên Hải Dương vẫn đang miệt mài khoác lên mình những tấm áo bảo hộ bịt bùng để hỗ trợ lực lượng y tế chống dịch. Tình nguyện viên thành phố vẫn bất chấp nguy hiểm, xung phong lao vào tâm dịch để hỗ trợ cộng đồng. Các y, bác sĩ, lực lượng chống dịch vẫn miệt mài làm nhiệm vụ, chính họ có lẽ không có đủ thời gian lên mạng đọc xem người ta đang nói gì, cãi nhau thế nào.

Không chỉ chữa bệnh, cứu người, có những người thầy thuốc uy tín đã trở thành những “chiến sĩ truyền thông” liên tục cập nhật các thông tin hữu ích về phòng chống dịch, giúp người dân trang bị tốt kiến thức chăm sóc sức khỏe, đẩy lùi tin giả.

Người dân cũng đang tích cực chìa bàn tay ra giúp nhau. Những khu phong tỏa lập cửa hàng 0 đồng, những người ngoài khu phong tỏa đi vận động thực phẩm, thả vào khu phong tỏa. Người đi nấu ăn, người vận động, đi khắp nơi trao gạo, thức ăn cho người nghèo, người lang thang, để không ai bị đói. ATM gạo lại bắt đầu vận hành. Nhiều doanh nghiệp “hiến kế” cho thành phố ứng dụng công nghệ để kiểm soát người cách ly tại nhà, tại khu công nghiệp và sẵn sàng bỏ tiền túi ra để hỗ trợ lắp đặt.

Mỗi người một việc, ngày giãn cách, ngày dịch bệnh, công việc và thu nhập ít đi, nhưng có rất nhiều người tất bật hơn, vất vả và hy sinh hơn nhiều. Họ chỉ lặng lẽ làm điều tốt, chỉ âm thầm cống hiến sức lực, đưa bàn tay ra cứu người, chữa lành những tổn thương.

Đọc thêm