Sân bay Đà Nẵng “cất cánh”

Ra đời từ đầu thập niên 1930 cùng với sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Đà Nẵng có một bề dày đáng trân trọng trong lịch sử hàng không Việt Nam. Thời chiến tranh, tần suất hoạt động tại sân bay Đà Nẵng có lúc đạt mức rất cao, trở thành một trong hai sân bay “bận rộn nhất thế giới” lúc ấy.

LTS: Ra đời từ đầu thập niên 1930 cùng với sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Đà Nẵng có một bề dày đáng trân trọng trong lịch sử hàng không Việt Nam. Thời chiến tranh, tần suất hoạt động tại sân bay Đà Nẵng có lúc đạt mức rất cao, trở thành một trong hai sân bay “bận rộn nhất thế giới” lúc ấy. Sau quãng thời gian tạm lắng dịu cùng với sự sa sút của nền kinh tế đất nước; đường hướng đổi mới, hội nhập quốc tế đã cho phép sân bay Đà Nẵng phục hồi những giá trị tiềm tàng, phát huy ưu thế không dễ có của một thành phố sở hữu cùng lúc hai cảng quốc tế: cảng biển và cảng hàng không. Sân bay Đà Nẵng đang cất cánh bay cao và vươn xa, góp phần rất lớn vào sự phát triển và hội nhập của thành phố Đà Nẵng, khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước với quốc tế.

Mô tả ảnh.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh và Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh ký kết biên bản ghi nhớ tại hội thảo về đường bay Đà Nẵng-Nhật Bản. (ngày 8-5-2009)

Nằm trong số các nước Châu Á hiếm hoi sớm tiếp cận máy bay phương Tây, nên khi Tân Sơn Nhất được chọn để xây dựng sân bay vào năm 1930, sân bay Tourane (Đà Nẵng) cũng nhanh chóng được thiết lập ngay sau đó.

Sân bay Tourane được xây dựng từ một phần đất thuộc làng Nghi An, tổng Phước Tường, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.(1) Vào năm 1935, ở đây đã có phòng liên lạc điện đài, kho xăng dầu cùng các phụ tùng cơ bản để sửa chữa, thay thế; (2) năm 1939, có thêm các nhà kho, phòng làm việc, nhà ga, chỗ ở cho hành khách.(3)

Từ sân bay dân dụng, đến năm 1940, khi chiếm đóng Đông Dương, Nhật Bản sử dụng sân bay Tourane làm một căn cứ quân sự của Tập đoàn Không quân 3 ở mặt trận khu vực Đông Nam Á.
Sau 1945, sân bay Tourane bị Pháp sử dụng thường xuyên trong cuộc chiến tranh Đông Dương (1946-1954). Quy mô và cường độ chiến tranh càng tăng lên, sân bay Tourane càng thể hiện vai trò quan trọng trong ý đồ chiến lược của Pháp và Hoa Kỳ. Những năm 1953-1954, sân bay Tourane được mở rộng nhằm thiết lập một đường băng đổ nhựa đường, dài 7.800 foot (2.400m) theo tiêu chuẩn NATO.

 Nhiều loại máy bay chiến thuật và chiến lược của Hoa Kỳ hỗ trợ tác chiến cho quân đội Pháp đã liên tục đến sân bay Tourane trong năm 1954, như máy bay chiến đấu AU-1 Corsair, máy bay vận tải C-124, máy bay ném bom hạng nặng B-26s.

Từ tháng 7-1955, sân bay Tourane được Pháp bàn giao cho Quốc gia Việt Nam, và chuyển đổi qua mục đích dân sự. Từ 1957, sân bay Tourane được gọi là sân bay Đà Nẵng, chuyên cung cấp và hỗ trợ hậu cần cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa; đến 1959, gọi là Căn cứ Không quân Đà Nẵng. Những năm 1962-1963, sau khi tiếp tục được mở rộng về phía nam, cơ sở này đạt đến diện tích 2.350 mẫu Anh (950ha), có một đường băng dài 10.000 foot (3.048m) rải bê-tông nhựa với tấm lót bê-tông song song với đường lăn, và một sân bay trực thăng.

Từ tháng 2-1965 trở đi, lực lượng Hoa Kỳ đổ bộ, sân bay Đà Nẵng trở thành căn cứ hoạt động chung. Đồng thời, sân bay Đà Nẵng còn bốc dỡ hàng cho các máy bay khổng lồ C-141s, C-5 và các cầu hàng không quân sự, là nhà ga dân dụng trong nước, nên rất nhộn nhịp.

Giai đoạn 1965-1972, nhiều phi đội của Không lực Hoa Kỳ duy trì hoạt động tại sân bay Đà Nẵng, với đủ loại máy bay tiêm kích, ném bom, vận tải, trinh sát. Các đơn vị Không quân Hoa Kỳ ở Hàn Quốc và Sư đoàn 1 Không quân của Việt Nam Cộng hòa cũng trú đóng tại đây.

Sân bay Đà Nẵng có tần suất hoạt động cao nhất thế giới, nếu so với các sân bay có một đường băng duy nhất. Vào những năm 1965-1966, những ngày cao điểm có đến 1.500 lượt máy bay hạ/cất cánh (chưa tính máy bay trực thăng). Năm 1966, khi một đường băng song song được xây dựng bổ sung, sân bay Đà Nẵng cùng với sân bay Tân Sơn Nhất được ví là “bận rộn nhất thế giới”. Năm 1968, trung bình số lượng máy bay có cánh lên/xuống vượt quá 55.000 lượt/tháng. Tính chung với trực thăng, con số gần 67.000 lượt/tháng.(4) Để giảm tải và tránh tắc nghẽn đường hàng không, Hoa Kỳ triển khai củng cố sân bay Phú Bài ở Huế và xây dựng thêm một sân bay có đường bay ngắn ở Chu Lai từ tháng 5-1965. (5)

Sân bay Đà Nẵng phù hợp nhất cho các trường hợp hạ cánh khẩn cấp trong các phi vụ không kích miền Bắc từ Thái Lan, từ các tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông, và máy bay của không quân miền Nam Việt Nam. Không quân Hoa Kỳ sau đó rút dần khỏi Đà Nẵng; đến 30-6-1972, xem như kết thúc sự hiện diện.

Sau các chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và Trị Thiên-Huế, thành phố Đà Nẵng bị uy hiếp toàn diện, nên ngày 28-3-1975, Sư đoàn I Không quân của Việt Nam Cộng hòa di tản về Phù Cát và Phan Rang, sân bay Đà Nẵng bị bỏ trống và rơi vào tay Quân giải phóng miền Nam sáng ngày 29-3-1975.

Qua thời gian dài nỗ lực phục hồi và phát triển, từ năm 2006, sân bay Đà Nẵng trở thành một trong ba cảng hàng không của Việt Nam có cửa khẩu quốc tế, có hai đường băng cất/hạ cánh dài 10.000 foot (3.048m), được trang bị hệ thống đèn tín hiệu, các hệ thống phụ trợ dẫn đường và hạ cánh chính xác (ILS, DVOR\DME, NDB), các hệ thống radar sơ cấp, thứ cấp hiện đại, các hệ thống quan trắc và phát tin dự báo khí tượng tiên tiến, hệ thống thường trực cứu hộ khẩn, các hệ thống phục vụ sân đỗ hiện đại; có khả năng tiếp nhận các loại máy bay thương mại cỡ lớn, hiện đại cất/hạ cánh trong mọi điều kiện thời tiết như Boeing 777, 767s, 747 và các loại Airbus 340, 330, 320s, Antonov 124…

Năm 2006, lần đầu tiên sân bay Đà Nẵng đạt đến số lượng hành khách luân chuyển 1 triệu người/năm, trong đó có 40.000 lượt khách quốc tế. Đến 2007, lượng khách luân chuyển ở Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng tăng lên khoảng 1.450.000 lượt hành khách/năm, xếp thứ ba sau sân bay Tân Sơn Nhất (11 triệu khách), sân bay Nội Bài (6 triệu khách), trên sân bay Phú Bài ở Huế (800.000 khách) và sân bay Cam Ranh (500.000 khách); trong tổng số hành khách luân chuyển tại các sân bay Việt Nam là 20 triệu người. (6)

Nhiều hãng hàng không trong nước và quốc tế đã hoạt động ở Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Hiện nay, có các hãng China Southern Airlines, Jetstar Pacific Airlines, SilkAir, TransAsia Airways, Vietnam Airlines đang hoạt động với các tuyến bay đi Quảng Châu, Đài Bắc-Đào Viên, Siêm Riệp, Singapore, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Pleiku.

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đang triển khai xây dựng nhà ga quốc tế mới được thiết kế hiện đại, có khả năng chịu được động đất cấp 7. Khi hoàn thành, toàn bộ hệ thống đủ năng lực đón tiếp 6 triệu khách/năm, tiếp nhận từ 400.000 đến 1 triệu tấn hàng hóa/năm, và đảm nhận vai trò của cảng hàng không trung chuyển trong khu vực. Nhiều đường bay trực tiếp từ Đà Nẵng đến các nước khác sẽ mở ra trong thời gian tới.

Đô thị càng nhộn nhịp, mức sống của xã hội được nâng cao, thì bản đồ hàng không Đà Nẵng càng được nối thêm nhiều đường bay quốc nội, quốc tế. Sân bay Đà Nẵng đã lấy lại phần nào vị thế vốn có của mình trong bề dày lịch sử 80 năm tồn tại (1930-2010); nhưng bằng sự phát triển hòa bình, ổn định và thịnh vượng, chứ không phải bằng chiến tranh.

Đà Nẵng là đô thị giữ vai trò trung tâm kinh tế-xã hội quan trọng của đất nước, là động lực phát triển của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Phát huy ưu thế không dễ có của một thành phố sở hữu cùng lúc hai cảng quốc tế: cảng biển và cảng hàng không, sân bay Đà Nẵng đang cất cánh bay cao và vươn xa, góp phần rất lớn vào sự phát triển và hội nhập của thành phố Đà Nẵng, khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước với quốc tế.

Nguyễn Quang Trung Tiến


(1) Nay các tổ dân phố 10, 11, 12, 13, 14A, 14B, 15, 16 thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng là đất làng Nghi An xưa còn lại.
(2) Capitaine P. Paquier, de l’Armée de l’Air, “Terrains d’aviation en Indochine”, La Revue du Pacifique, Janvier 1936, pp. 261-271.
(3) Nguồn: Budget général du Gouvernement Général, exercice 1939, dépenses.
(4) Nguồn: www.en.wikipedia.org.
(5) Jack Shulimson and Major Charles M. Johnson, US Marines in Vietnam the landing and the buildup 1965, Washington D.C., Library of Congress Card No. 78-600120, 1978, p. 30-31.
(6) Nguồn: www.absoluteastronomy.com.

Đọc thêm