Sân chơi “cổ tích” dành cho trẻ em giữa Kinh kỳ

(PLVN) - Sân chơi là không gian “học tập” toàn diện nhất cho trẻ em. Nơi đó, các em không chỉ được học một cách chủ động về thể chất, cân bằng tâm lý, giao tiếp… mà còn là không gian sáng tạo, các em có thêm hiểu biết về văn hóa truyền thống. Dựa trên những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, lịch sử, những sân chơi “cổ tích” đã xuất hiện thu hút nhiều trẻ nhỏ giữa Kinh kỳ.
Sân chơi Thánh Gióng được dựa trên câu chuyện chàng dũng sĩ dùng lũy tre làng chống giặc ngoại xâm. (Tranh minh họa)
Sân chơi Thánh Gióng được dựa trên câu chuyện chàng dũng sĩ dùng lũy tre làng chống giặc ngoại xâm. (Tranh minh họa)

Sân chơi Thánh Gióng - vừa chơi vừa hiểu văn hóa, lịch sử Việt

Sân chơi Thánh Gióng được dựa trên câu chuyện chàng dũng sĩ dùng lũy tre làng chống giặc ngoại xâm nổi tiếng mà bất cứ thế hệ trẻ em nào của Việt Nam cùng đều được biết đến. Hình ảnh về ngựa sắt, dấu chân khổng lồ, lũy tre, núi Sóc được tái hiện trong sân chơi. Đặt tại Vườn Giám, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) vừa là một không gian di sản đặc biệt, vừa là một không gian công cộng xanh mở cửa cho người dân sống xung quanh, sân chơi trở thành một địa điểm không chỉ cho khách du lịch mà còn là nơi cộng đồng và trẻ em có không gian nghỉ ngơi thư giãn, gặp gỡ và xây dựng các kết nối lành mạnh.

Sân chơi Thánh Gióng có quy mô lớn đầu tiên do doanh nghiệp xã hội Nghĩ về sân chơi trong phố (Think Playgrounds) phối hợp với Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thực hiện. Công trình này là một điểm nhấn để Think Playgrounds và các đối tác thúc đẩy nhận thức chung của cộng đồng về tầm quan trọng của không gian chơi được thiết kế độc đáo kết hợp với di sản văn hóa giúp cho đô thị sáng tạo và bền vững hơn.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhấn mạnh: “Với mong muốn đưa di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám từng bước trở thành một trung tâm hoạt động văn hóa, giáo dục, một không gian sáng tạo của Thủ đô, chúng tôi rất vui khi phối hợp với Think playgrounds tổ chức sân chơi Thánh Gióng” tại vườn Giám của di tích. Đây là sự kết hợp rất thú vị giữa giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, thể hiện sự sáng tạo của Think Playgrounds, hứa hẹn mang lại cho trẻ em những trải nghiệm đặc biệt khi đến tham quan di tích”.

Sân chơi Thánh Gióng tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Sân chơi Thánh Gióng tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, Giám đốc sáng tạo Think Playgrounds cho hay: “Thay vì nhấn mạnh yếu tố chiến tranh, thiết bị sân chơi mô tả lại các dấu vết của một truyền thuyết đẹp về sức mạnh của những người bình thường đứng lên bảo vệ vùng đất mà mình yêu quý. Thông qua những biểu tượng đơn giản thân thiện với trẻ em, chúng tôi muốn sự tích sẽ đi vào những ký ức vui vẻ nhưng vẫn đầy kết nối với truyền thống”.

Trước đó, chuỗi hoạt động “Sĩ tử nhí” được Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám được tổ chức tại khu vực Hồ Văn đã ít nhiều mang đến những trải nghiệm cho thiếu nhi. Đây sân chơi giáo dục trẻ em biết trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống và hoàn thiện nhân cách, kỹ năng sống. Đến với không gian này, thiếu nhi vừa được trải nghiệm truyền thống nhưng cũng được thỏa sức sáng tạo, chơi mà học, từ làm giấy dó, sáng tác truyện, vẽ tranh, học làm gốm đến chế tác điêu khắc, học nấu ăn, thả đèn chữ, tập đi cà kheo… Hay với trò chơi “Lều chõng”, người tham dự có cơ hội thể hiện sự hiểu biết và tìm hiểu thêm về truyền thống khoa bảng, việc học hành, thi cử thời xưa.

Hoạt động tương tác và trải nghiệm còn giúp chương trình giáo dục di sản tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở nên hấp dẫn, thú vị hơn và thu hút được không chỉ trẻ em mà các bậc phụ huynh cũng hào hứng tham gia. Thay vì chỉ chiêm bái tham quan di sản trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nay trẻ em nói riêng, người dân Thủ đô và du khách nói chung có thêm một không gian để tương tác và tìm hiểu lịch sử, văn hóa đậm nét truyền thống nơi đây để thêm tự hào là người con đất Việt, bồi đắp tinh thần yêu dân tộc.

Sân chơi Nỏ Thần - “sống” giữa truyền thuyết cùng bài học lịch sử

Lấy ý tưởng từ truyền thuyết nỏ thần vào thời Nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương, Think Playgrounds cũng đã phối hợp với nghệ sĩ thị giác Ưu Đàm, Hội phụ nữ Đông Anh và cộng đồng dân cư tổ 3 thị trấn Đông Anh xây dựng sân chơi Nỏ Thần tại tổ 3, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh. Công trình thuộc dự án “Không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam” do Liên minh Châu Âu và Hội đồng Anh tài trợ, phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện.

Với mong muốn đưa truyền thuyết về Vua An Dương Vương xây thành ốc, và đặc biệt là câu chuyện về chiếc nỏ thần từng được nhà chế tạo binh khí thiên tài Cao Lỗ phát minh năm xưa vào sân chơi, nghệ sĩ Ưu Đàm đã hình thành ý tưởng dựng sân chơi Nỏ thần. Những người đưa ra ý tưởng về sân chơi Nỏ Thần mong muốn những đứa trẻ khi vui chơi tại đây sẽ như được “sống” giữa truyền thuyết cùng bài học lịch sử từ câu chuyện nỏ thần với phương châm “Học mà chơi - Chơi mà học”.

Sân chơi Nỏ thần được thiết kế dựa trên ý tưởng chiếc nỏ thần khổng lồ . Họa sĩ Ưu Đàm chia sẻ: “Khi đến và thăm thành Cổ Loa, tôi mới thấy vùng đất này có nhiều câu chuyện, di tích lịch sử. Lúc đó, tôi nghĩ đến nơi phát minh ra một vũ khí thiên tài của người Việt, cùng với các vòng thành Cổ Loa lúc ẩn, lúc hiện. Chúng tôi muốn đưa những tính chất đó vào sân chơi này”.

Khi thiết kế sân chơi, nghệ sĩ Ưu Đàm đã cố gắng đưa hình ảnh của một chiếc nỏ thần khổng lồ bị phân thành 4 phần, rải quanh sân chơi, ẩn hiện giống hình ảnh của từng đoạn thành Cổ Loa trong hiện tại, kết hợp hình vẽ trên đất để gợi lại câu chuyện về thành Cổ Loa, Mỵ Châu - Trọng Thủy. Các nhà thiết kế hy vọng lịch sử của nhà nước Âu Lạc và những bài học của nó sẽ không bị quên lãng khi trẻ nhỏ vui đùa ở sân chơi Nỏ Thần.

Sân chơi Nỏ thần thu hút các em nhỏ.

Sân chơi Nỏ thần thu hút các em nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Tuấn 66 tuổi, (xã Cổ Loa, Đông Anh) chia sẻ: “Sân chơi Nỏ thần là công trình mang tính giáo dục, bài học lịch sử về truyền thuyết nỏ thần. Đây là hoạt động trải nghiệm hiệu quả nhằm tôn vinh giá trị lịch sử về dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Các em nhỏ khi nô đùa, leo trèo sẽ va chạm vào “móng thần” trên “nỏ thần”, qua đó gợi nhớ về tích xưa chuyện cũ. Các em nhỏ Cổ Loa, sẽ cảm thấy tự hào về sân chơi Nỏ thần, về vùng đất địa linh nhân kiệt nơi chúng sinh ra và lớn lên đã đi vào truyền thuyết. Tôi thường xuyên đưa các cháu của tôi ra đây chơi. Chúng rất hiếu động nên thích vui chơi ở những địa điểm như thế này. Khi vui chơi ở sân chơi Nỏ Thần, các cháu hạn chế chơi điện thoại hoặc xem ti vi. Vì vậy, thể chất, tinh thần, khả năng giao tiếp, hòa đồng của các cháu được cải thiện rõ rệt”. Thu Hòa, 9 tuổi (xã Cổ Loa, Đông Anh) có thể các câu chuyện về truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa với niềm tự hào được sinh ra và lớn lên tại đây.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Giảng viên cao cấp ngành Văn hóa học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cảm nhận: “Trước đây, truyền thuyết, lịch sử thường chỉ được đưa vào chương trình sách giáo khoa và giờ có một sân chơi sáng tạo rất hay và có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, về mức độ hiệu quả của việc truyền tải yếu tố văn hóa, cần phải tiếp tục theo dõi, đầu tư nghiên cứu và rút thêm kinh nghiệm để làm tốt hơn”.

Bà Donna McGowan - Giám đốc Hội đồng Anh khẳng định, sân chơi đáp ứng được mục tiêu của các dự án, tạo nên một không gian có ích để trẻ em có thể vừa chơi, vừa học về lịch sử đất nước. Hoạt động này đã góp phần vào việc thực hiện mục đích của dự án là thúc đẩy biểu đạt nghệ thuật và sáng tạo khắp Việt Nam cũng như mang các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo đến gần hơn với công chúng.

Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds - Chu Kim Đức cho rằng, sự kết hợp với nghệ sĩ đã giúp định hình những giá trị sáng tạo cho sân chơi. Nhờ vậy, các sân chơi không bị lặp đi lặp lại nhàm chán, tẻ nhạt mà biến thành khoảng trời riêng cho các em, thông qua đó các em thu nhận được những kiến thức vô giá về thẩm mỹ, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa.