Tái hiện Trung thu xưa trên phố cổ Hà Nội

(PLVN) - Tết Trung thu truyền thống năm 2023, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các nghệ nhân, thợ thủ công tổ chức chuỗi hoạt động trưng bày, xưởng trải nghiệm tại các điểm di sản trong khu phố cổ Hà Nội và không gian bích họa phố Phùng Hưng.
Phố Hàng Gai bán đồ chơi rằm tháng 8/1926. (Ảnh: Viện Khoa học xã hội Việt Nam)
Phố Hàng Gai bán đồ chơi rằm tháng 8/1926. (Ảnh: Viện Khoa học xã hội Việt Nam)

Trở về Trung thu xưa

Các hoạt động này nhằm giới thiệu văn hoá truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu phố cổ Hà Nội và những nét riêng có của Hà Nội ngàn năm tuổi.

Với nhiều hoạt động trải nghiệm đa dạng, Ban Tổ chức mong muốn góp phần đẩy mạnh hoạt động giáo dục di sản của Thủ đô, nâng cao ý thức bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng; hướng tới hình thành thế hệ công dân hiểu biết về văn hóa di sản và có sức sáng tạo trên nền tảng đó.

Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ Hà Nội - số 50 phố Đào Duy Từ, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước giới thiệu bộ ảnh và tư liệu chủ đề “Trở về Trung thu xưa”… Theo đó, gần 80 tài liệu, tư liệu hình ảnh được trưng bày và sử dụng trong không gian tầng 1 của Trung tâm sẽ đưa công chúng ngược thời gian để tìm hiểu những nghi lễ Tết Trung thu chốn Hoàng cung, không khí rộn ràng tiếng trống, rực rỡ đèn lồng, đèn ông sao, đèn con thỏ… của Tết Trung thu trên phố phường Hà Nội xưa.

Tiếp đó, ngôi Nhà Di sản - Số 87 phố Mã Mây là không gian gia đình Hà Nội đón Tết Trung thu… Đối với người Việt Nam, Tết Trung thu là dịp đoàn viên và có từ ngàn năm nay. Đây là thời gian mặt trăng tròn nhất, sáng nhất, cũng là thời gian thu hoạch xong mùa vụ và người dân bắt đầu tổ chức những lễ hội. Trong đó Lễ hội trăng rằm diễn ra vào ngày 15 của tháng 8 âm lịch hằng năm.

Trong không khí Lễ hội, tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật - 22 Hàng Buồm sẽ có biểu diễn Rối cạn Tế Tiêu của người Mỹ Đức, Hà Nội (20h00 ngày 28/9). Và tại Đình Đồng Lạc - 38 Hàng Đào là không gian Tết Trung thu; giới thiệu, hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống xưa và nay.

Festival Thu Hà Nội năm 2023

Lần đầu tiên, thành phố Hà Nội tổ chức Festival Thu Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Thu Hà Nội - Đến để yêu” diễn ra từ ngày 29/9 đến ngày 1/10 tại Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Lễ hội có quy mô 150 gian hàng chia thành các khu vực thiết kế, bố trí dọc phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thạch và khu vực nhà Bát Giác bao gồm khu vực giới thiệu sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch tiêu biểu và các không gian “Hương sắc mùa Thu”, “Hương vị mùa Thu”, “Quà tặng mùa Thu”, “Vườn ánh sáng”. Lễ hội có sự tham gia của 10 quận, huyện như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Mê Linh, Quốc Oai, Ứng Hòa, Đông Anh, Ba Vì, Gia Lâm... để quảng bá, giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch và các sản phẩm du lịch, các di sản của địa phương. Lễ hội thu hút 14 tỉnh, thành phố tham gia giới thiệu du lịch là Phú Thọ, Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Quảng Bình, Phú Yên, Đồng Nai, An Giang...

Festival Thu Hà Nội năm 2023 là một trong những sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch lớn nhất của thành phố Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023). N.K

Cùng nghệ nhân làm đồ chơi truyền thống

Từ xa xưa, ông cha ta quan niệm trò chơi và đồ chơi không đơn thuần để giải trí mà còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ. Những món đồ chơi trung thu truyền thống Việt Nam như ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, mặt nạ giấy bồi; đèn ông sao, con giống bột… là lời nhắn nhủ, gửi gắm mong muốn của cha ông với thế hệ trẻ về tinh thần hiếu học, khuyến khích sự học, sự sáng tạo.

Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội duy trì phối hợp với các nghệ nhân, thợ thủ công tới từ các làng nghề lân cận Hà Nội giới thiệu và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống tại khu phố cổ nhân dịp Tết Trung thu như hoạt động trải nghiệm làm con giống bột “Lớp học Tò he” vào ngày 25 và 26/9 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ Hà Nội - số 50 Đào Duy Từ. Các bạn nhỏ sẽ được nghệ nhân Đặng Văn Hậu - làng Xuân La, Phú Xuyên, Hà Nội hướng dẫn làm con giống bột.

Ngoài ra còn có trải nghiệm làm đèn ông sao truyền thống “Lồng đèn đón trăng” vào ngày 27/9. Khách mời là nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến - xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội hướng dẫn làm đèn ông sao. Không gian trải nghiệm làm các sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống: mặt nạ bồi, làm và trang trí diều giấy, chơi trò chơi Trí Uẩn vào ngày 29/9. Giới thiệu và hướng dẫn làm bánh trung thu truyền thống vào ngày ngày 23, 24/9 tại Ngôi nhà Di sản - 87 Mã Mây...

Tết Trung thu từ bao đời nay là dịp các gia đình cùng quây quần, vui vẻ sau thời gian lao động vất vả. Tục phá cỗ, trông trăng cũng thể hiện sự quan tâm chăm sóc, giáo dục trẻ em cả về vật chất lẫn tinh thần một cách cụ thể, tinh tế, sinh động và độc đáo của người Việt. Mâm cỗ đêm rằm Trung thu không chỉ để ăn, mâm cỗ này cho mắt ngắm, tai nghe, mũi ngửi để thấy hồn trăng soi vào chiếc bánh nướng, bánh dẻo, nhìn thấy ánh mắt trẻ thơ tràn đầy trong những đồ chơi kỳ thú.

Bởi lẽ đó, Tết Trung thu còn là tết dành cho trẻ em, là dịp các em được vui chơi thỏa thích, được thỏa trí tưởng tượng và sáng tạo của bản thân trong các món đồ chơi đa dạng, giàu ý nghĩa. Không chỉ trẻ nhỏ, mà mỗi người lớn chúng ta cũng “xin một vé về tuổi thơ” đầy náo nức mỗi độ Trung thu về…

Bảo đảm cho trẻ đón Tết Trung thu vui vẻ, an toàn

Là nội dung trọng tâm của Công văn 645/TE-CSTE ngày 19/9/2023 Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH gửi các Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và các tổ chức có liên quan bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp Tết Trung thu năm 2023. Công văn đề cập đến 5 nội dung, bao gồm: Thứ nhất, bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ cho trẻ em khi sử dụng các đồ chơi trung thu chứa các nguyên, vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao (đèn ông sao, đèn lồng có đốt nến, bóng bay sử dụng khí dễ bắt lửa gây cháy nổ...), hạn chế đốt lửa trại, pháo hoa trong các hoạt động phá cỗ trông trăng tại gia đình và các khu vực công cộng. Thứ hai, bảo đảm an toàn phòng, chống các nguy cơ gây tai nạn, thương tích, gây ngộ độc đối với các sản phẩm đồ chơi được cất giữ, lưu thông, mua bán trong dịp Tết Trung thu.

Thứ ba, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống ngộ độc cho trẻ em đối với các loại bánh, kẹo, trái cây, đồ uống và các loại thực phẩm khác được sử dụng trong các hoạt động Tết Trung thu. Thứ tư, bảo đảm an toàn đối với các phương tiện giao thông và các tuyến đường có số lượng lớn trẻ em và người dân tham gia giao thông trong dịp Tết Trung thu. Thứ năm, tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, thanh tra trước và trong khi tổ chức các hoạt động Tết Trung thu để ngăn chặn loại bỏ kịp thời các nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em và người tham gia.

Cục Trẻ em cũng yêu cầu các Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ và tai nạn, thương tích cho trẻ em trong báo cáo hoạt động Tết Trung thu năm 2023. (H.Minh)