Săn mây trên mặt đất
4h30p sáng, chiếc xe Ford 16 chỗ lăn bánh từ Hà Nội, vượt hàng trăm cây số đến với vùng đất có biển, có núi, có sân bay... chở theo những háo hức khám phá vùng đất mới mang tên Bình Liêu - nơi được mệnh danh là thiên đường cỏ lau - điểm săn "mây trên mặt đất".
|
Những km cao tốc ngút tầm mắt đưa chúng tôi đến với Quảng Ninh - vùng đất hào sảng của thiên nhiên với những màu xanh ngăn ngắt của trời, của biển, của núi rừng... Dù cho đường lên cột mốc 1297/4 không dễ đi bởi những khúc cua gấp, lúc lên dốc, rồi lại rà phanh xuống dốc. Với tôi thì những khúc cua này vẫn chưa nhằm nhò gì so với các cung đường trên Tây Bắc, nhưng nó cũng đủ khiến các cô gái trong xe phải say...
Bình Liêu là một huyện miền núi phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, có đường biên giới giáp với Trung Quốc. Bình Liêu cách Hà Nội khoảng 270km.
|
Những khúc cua gấp trên đường lên cột mốc 1297/4 |
Cột mốc 1297/4 (phân định biên giới Việt Nam – Trung Quốc) thực ra thuộc địa phận xã Bắc Xa, huyện Đình Lập (Lạng Sơn) giáp xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu. Và để chinh phục cột mốc 1297/4 từ lối đi Bình Liêu thì dễ dàng hơn cả, đó là những người bạn dẫn đường kể vậy.
Thời điểm cuối tháng 10, đầu tháng 11 là mùa đẹp nhất ở Bình Liêu, để khám phá, tận hưởng những bông lau tuyệt đẹp và trải dài ngút tầm mắt. Ai đó ví, những bông cỏ lau ở Bình Liêu chẳng khác gì những đám mây bồng bềnh trên mặt đất.
Qua trạm gác của Đồn biên phòng Bắc Xa là tới cột mốc 1297, những đồi lau trắng muốt dần hiện lên trước mắt. Đó cũng là lúc chúng tôi nhận ra mình sắp tới được đích đến.
|
Xuất phát từ 4h30p sáng, vượt hàng trăm km, đoàn chúng tôi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ Quảng Ninh. |
“Đặt chân lên đến cột mốc 1297/4, tha hồ hít hà không khí trong lành, hướng tầm mắt về những dãy núi trải dài vô tận. Núi rừng nơi đây có vẻ đẹp vô cùng kỳ vĩ và nên thơ. Những triền lau trắng dài vô tận, tựa mây bay”, chị Vũ Thuận (Hà Nội) chia sẻ.
Chị Bùi Thị Thúy - nhân viên một công ty chuyên tổ chức tour khám phá Bình Liêu, cho biết: "Đến Bình Liêu vào thời điểm này, du khách cần có lịch trình phù hợp hoặc lựa chọn du lịch theo tour. Nếu đi theo tour, du khách có thể hạn chế được rủi ro bị lạc đường do mất sóng. Chắc chắn có chỗ ngủ mà không phải ngủ ở xe hay ngủ nhờ nhà dân. Không chỉ vậy, khi đi theo tour, sẽ có hướng dẫn viên du lịch đi cùng, thường là người bản địa. Những người này biết các điểm check-in vắng vẻ, cảnh đẹp”.
|
Những triền lau trắng dài vô tận, tựa mây bay khiến du khách nao lòng. |
Sau khi chinh phục cột mốc 1297, chúng tôi tiếp tục di chuyển tới điểm ăn trưa và chuẩn bị chinh phục cột mốc 1305 – nơi được mệnh danh là “sống lưng khủng long” ở Quảng Ninh.
Từ đây, cung đường tuần tra biên giới mở ra đẹp như tranh với những rừng thông bạt ngàn xanh ngắt, núi non trập trùng phía xa xa.
Cột mốc 1305 được coi là mốc biên giới cao nhất của tỉnh Quảng Ninh, một nơi không dễ chinh phục. Bởi lẽ, phải vượt qua khoảng 2.000 bậc thang với độ dài gần 2km, với nhiều đoạn dốc đứng, cheo leo. Chính sự kỳ vỹ này, tạo nên một khung cảnh không đâu nơi đâu có được, ngoài Bình Liêu!
|
Vượt qua được cửa ải "sống khủng long", du khách sẽ đặt chân đến cột mốc 1305. Cột mốc biên giới cao nhất của tỉnh Quảng Ninh. |
Tuy nhiên, nếu ai mắc chứng sợ độ cao thì có lẽ không nên thử sức hoặc cố chinh phục cùng đường này.
“Hôm nay là một ngày rất may mắn với tôi, khi buổi sáng thì trọn vẹn khám phá rừng lau trắng, mà không phải chen chúc. Buổi chiều được ngắm hoàng hôn trên “sống lưng khủng long”. Tôi nghe nhiều người từng đi về kể lại, không phải ai cũng bắt được khoảnh khắc hoàng hôn đâu, vì có những ngày chỉ có vệt nắng thôi”, chị Phương Thuý (Vĩnh Phúc) chia sẻ.
|
Chiều biên giới, cảnh hoàng hôn đẹp đến nao lòng. |
Phải nói rằng, nếu không có sức khoẻ, cùng sự kiên trì thì không ai có thể chinh phục nổi “sống lưng khủng long” trên đường hướng tới cột mốc 1305. Tôi, có những lúc đã cảm thấy chùn chân, đầu gối mỏi nhừ vì phải vượt qua các bậc thang.
Nhưng hình ảnh của những bông lau trắng lấp lánh trong ánh chiều hoàng hôn, đã khiến tôi quyết tâm chinh phục.
Du lịch không "chặt chém"
17h30 chiều, trời đã chuyển tối, chúng tôi xuống núi trong sự hoan hỉ và hạnh phúc bởi trải nghiệm đáng nhớ trên cột mốc 1305, rồi ngắm hoàng hôn trên “sống lưng khủng long”. Trạm dừng chân 1305 tối om, vì không có điện lưới, chỉ có ánh đèn xe ô tô hắt về phía núi.
Khi bác tài và chúng tôi còn ngơ ngác chọn lựa cung đường để di chuyển về thị trấn Bình Liêu ăn tối và nghỉ ngơi, thì vài người dân bản địa đã tận tình, chỉ từng lối đi, rồi ngã rẽ để đoàn “đi đến nơi về tới chốn”. Một cử chỉ rất nhỏ, nhưng lại lấy được thịnh tình của khách du lịch.
|
Một hành động khiến cho tôi thêm tin tưởng rằng, du lịch Quảng Ninh sẽ đón được 19 triệu khách du lịch trong năm 2024, nếu như ai cũng hành động có tâm như những người dân đang khai thác du lịch ở Bình Liêu nói riêng và Quảng Ninh nói chung.
Chị Cao Lan (Vĩnh Phúc) - Một du khách chia sẻ: “Dừng chân tại điểm nghỉ dưới chân núi để chinh phục cột mốc 1305, tôi khá bất ngờ khi quầy bán đồ ăn bán đúng giá. Không nói thách, không vì ngày cuối tuần du lịch mà tranh thủ “cá kiếm”. Tôi cho rằng, mỗi người dân làm du lịch ở Quảng Ninh họ hiểu sâu sắc được vấn đề này, họ muốn giữ khách và khách du lịch sẽ quay lại, chứ không phải “đến một lần rồi đi mãi”.
Gần 19h, Thị trấn Bình Liêu không nhộn nhịp, sầm uất như ở Móng Cái, hay Hạ Long, Cẩm Phả… mà bình lặng vô cùng. Thị trấn miền biên viễn “nhộn nhịp” trong vài tuần cuối tháng 10, đầu tháng 11 rồi trở lại như những gì vốn có.
|
Hệ thống lưu trú tại Thị trấn Bình Liêu hiện không đáp ứng đủ nhu cầu của khách du lịch. |
Chính vì vậy, hệ thống lưu trú cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Muốn chinh phục 2 cột mốc 1297 và 1305 để ngắm thiên đường hoa cỏ lau, thì bạn phải lên kế hoạch trước cả tháng. Nhưng đôi khi, sự chuẩn bị ấy cũng “không gặp may” nếu các đơn vị lữ hành họ đã đặt kín tất cả các nhà nghỉ, khách sạn, homestay, hoặc nhà dân dư phòng.
Để thu hút du khách, hiện huyện Bình Liêu tiếp tục định hướng phát triển một số sản phẩm du lịch mới trên địa bàn như: Sản phẩm dịch vụ lưu trú homestay mô hình nhà đất nện truyền thống (thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn); sản phẩm du lịch đi bộ trải nghiệm đường rừng (khu vực các thôn Sông Moóc, Khe Tiền thuộc xã Đồng Văn) và sản phẩm du lịch chèo thuyền kayak (trên sông Tiên Yên đoạn qua huyện Bình Liêu, từ xã Đồng Tâm tới xã Vô Ngại)…
|
Chào tạm biệt vùng đất biên viễn đáng nhớ với những kỷ niệm đẹp, những con người thân thiện, hiếu khách và bình dị. Ảnh Trương Anh Ngọc. |
Được biết, tỉnh Quảng Ninh đang quyết tâm thực hiện mục tiêu đón 19 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, hiện các sở, ngành, địa phương liên quan đã và đang triển khai các giải pháp xúc tiến, quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch các tháng cuối năm, xây dựng các sản phẩm mới mùa thu Đông để thu hút du khách.
Người Quảng Ninh thẳng thắn, hiếu khách, thân thiện - cùng sự ưu đãi của tự nhiên, điều này đã làm nên thương hiệu của du lịch Quảng Ninh.