Sản lượng xuất khẩu đá quý, kim loại quý của Việt Nam ngày càng “khiêm tốn”

(PLO) - Theo tin từ Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu các mặt hàng đá quý, kim loại quý 8 tháng năm 2016 của Việt Nam đạt 698 triệu USD, giảm khá nhiều so với con số dao động khoảng 3 tỉ USD của những năm 2011.
Sản lượng xuất khẩu đá quý, kim loại quý của Việt Nam ngày càng “khiêm tốn”

Các sản phẩm nữ trang Việt có mặt ở 14 quốc gia trên thế giới, những thị trường xuất khẩu chủ yếu là Thụy Sĩ, Mỹ, Nhật, Pháp, Hàn Quốc, còn khu vực Asean thì Việt Nam hầu như bỏ ngỏ và khó có thể cạnh tranh nổi.

Theo TS. Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho rằng: Sở dĩ có sự sụt giảm lớn như vậy về sản lượng xuất khẩu và doanh thu đạt được, là do một số nguyên nhân có thể kể đến như sau:

Thuế xuất khẩu 2% cản trở đường vào nước bạn. 

So với một số quốc gia khác trong khu vực Asean có thế mạnh xuất khẩu nữ trang như Thái Lan, Indonesia... những nước này được hỗ trợ về thuế xuất khẩu bằng 0%. Trong khi Việt Nam, thuế xuất khẩu đối với sản phẩm có hàm lượng vàng từ 95% trở lên bị áp mức tăng từ 0% lên 2% (áp dụng từ năm 2015 đến nay). 

Do đó, khi tham gia vào sân chơi chung của khu vực trong đó có thị trường Việt Nam, được đối xử ngang bằng với hàng sản xuất trong nước thì với các mẫu sản phẩm cùng loại, chiếm ưu thế hơn về mẫu mã, các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức, nữ trang nước ngoài sẽ nhanh chóng tiếp cận được thị trường nội địa. Trong khi ở chiều ngược lại, với mức thuế suất thuế xuất khẩu bị áp mức 2%, doanh nghiệp Việt rất khó xuất khẩu được nữ trang, mỹ nghệ vào nước bạn, chứ chưa nói đến lợi thế cạnh tranh thì thâm nhập vào thị trường nước khác. 

Trong khi kim ngạch xuất khẩu nữ trang của VN còn khiêm tốn thì các thị trường khác đẩy mạnh xuất khẩu khá mạnh. Thái Lan xuất khẩu nữ trang hằng năm ở vào khoảng 3 tỉ USD. Dù không nhiều như hàng Trung Quốc, các sản phẩm Thái Lan đã bắt đầu xâm nhập vào thị trường Việt. Ngay tại các hội chợ nữ trang tổ chức trong nước, các doanh nghiệp Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông… tham gia để tìm hiểu thị trường, quảng bá sản phẩm, cũng như tìm đối tác kinh doanh.

Thị trường nguyên liệu nhập khẩu không ổn định

Một điểm yếu khác mà các doanh nghiệp nữ trang Việt phải đối mặt, đó là thị trường nguyên liệu. Theo Bà Cao Thị Ngọc Dung chia sẻ doanh nghiệp nữ trang Việt yếu hơn nước bạn khi nguồn nguyên liệu vàng sản xuất hiện nay chưa được nhập khẩu, mua trôi nổi ngoài thị trường nên nguồn hàng không ổn định. 

Trong khi đó, năng lực tài chính của các doanh nghiệp nước ngoài khá mạnh mạnh, còn Việt Nam dù có số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nữ trang lên đến 10.000 nhưng doanh nghiệp có tiềm năng tài chính chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thêm vào đó, các doanh nghiệp nước ngoài có nhiều “chiêu trò” trong khuyến mãi và có kinh nghiệm mở rộng mạng lưới cũng như mô hình kinh doanh của họ sẽ gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp Việt”, ông Tín nói.

Trong nhiều văn bản gửi lên các cơ quan hữu quan, Hiệp hội Kinh doanh vàng VN đã có kiến nghị về việc giảm thuế xuất khẩu xuống 0% như những năm trước 2015 để khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ, góp phần tái tạo ngoại tệ, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu hỗ trợ cho việc xuất khẩu nữ trang trong sân chơi mới./.

Đọc thêm