Sản phẩm phòng, chống Covid-19 trên thị trường: Cẩn thận không “tiền mất, tật mang”

(PLVN) - Trong khi người dân lo lắng tìm cách, phòng chống dịch Covid-19 thì những sáng chế như buồng khử khuẩn, mũ chống Covid-19… xuất hiện. Nhiều cơ sở kinh doanh, cá nhân đã mua các sản phẩm này để sử dụng, thậm chí chấp nhận giá cao. Tuy nhiên, tính an toàn của các vật dụng này cần phải được thẩm định, đánh giá để không ảnh hưởng sức khỏe…
Bộ Y tế khuyến cáo không dùng buồng khử khuẩn, phòng áp lực âm phòng chống Covid-19.
Bộ Y tế khuyến cáo không dùng buồng khử khuẩn, phòng áp lực âm phòng chống Covid-19.

Không lạm dụng buồng kháng khuẩn, buồng áp lực âm

Tại Hà Nội, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thiết kế, chế tạo thành công buồng khử khuẩn toàn thân sử dụng nước muối ion và buồng khử khuẩn nhiệt ozon.

Tại TP HCM, buồng khử khuẩn là sản phẩm chung tay của Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ - Thành Đoàn TP HCM cùng các chuyên gia của trường Đại học Bách khoa TP HCM nghiên cứu cũng đã thu hút được sự quan tâm. 

Trước những thông tin về buồng khử khuẩn toàn thân có tác dụng phòng chống Covid-19 các chủ nhà hàng, các đơn vị kinh doanh nhanh chóng đặt mua với mong muốn giữ an toàn cho khách hàng, hạn chế sự lây lan phát sinh mầm bệnh và đương nhiên cũng một phần là tạo được lòng tin của khách hàng, để lôi kéo khách hàng đến cơ sở của mình. Và điều đáng nói là khi đơn vị nghiên cứu, sản xuất tạm ngừng tiếp nhận vì vượt quá năng lực thực hiện thì nhiều doanh nghiệp đã tự sản xuất sản phẩm này.

Thế nhưng mới đây, như PLVN đã thông tin, Bộ Y tế khuyến cáo không dùng buồng khử khuẩn, phòng áp lực âm phòng chống Covid-19. Cụ thể, Cục Quản lý môi trường y tế đã có văn bản cho biết đây là sáng kiến về các giải pháp hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế cũng đã nhận được đề xuất nghiên cứu về buồng khử khuẩn toàn thân di động.

Tuy nhiên, đề xuất chưa được hội đồng khoa học cấp bộ thông qua do chưa đủ tài liệu minh chứng và cần được đánh giá về hiệu quả diệt virus và an toàn đối với người sử dụng. Trong thời gian Bộ Y tế xem xét, đánh giá, Bộ Y tế khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên sử dụng để đảm bảo an toàn. 

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng khuyến cáo phòng áp lực âm là một phương pháp cách ly được sử dụng trong các bệnh viện để ngăn chặn sự lây nhiễm chéo, không phải dùng để điều trị bệnh. Phòng áp lực âm có cấu tạo gồm 2 phòng là phòng đệm và phòng điều trị. Không khí từ bên ngoài sẽ đi qua phòng đệm vào phòng điều trị.

Trong phòng điều trị có hệ thống đẩy không khí qua bộ lọc không khí hiệu suất cao (HEPA), sau đó bơm ra ngoài. Không khí bơm ra ngoài không chứa virus vì virus đã được giữ lại tại bộ lọc. Vì vậy, phòng áp lực âm chỉ làm giảm lượng virus có trong không khí mà không có khả năng diệt virus.

Mũ chống dịch không thay thế được khẩu trang

Trước đó, một sản phẩm cũng “làm mưa làm gió” trên thị trường mùa dịch Covid-19 là mũ chống dịch. Đây thực chất là mũ vải bình thường, phần vành mũ được gắn thêm một tấm nhựa trong suốt có thể che toàn bộ khuôn mặt của người đội. Theo ghi nhận, trên thị trường hiện nay có loại cho trẻ em và người lớn với nhiều mẫu mã đa dạng, giá cả dao động từ 90.000 – 400.000 đồng/chiếc.

Theo quảng cáo của một số người bán hàng, loại mũ này có tác dụng rất tốt trong việc phòng chống Covid-19 ở thời điểm này. Vì thế, người dân đổ xô nhau đi mua với mong muốn phòng chống sự lây nhiễm của virus.

Thế nhưng theo các chuyên gia y tế, sản phẩm mũ có gắn thêm tấm chắn nhựa bán trên thị trường hiện nay chỉ là công cụ để tăng cường lớp bảo vệ, ngăn chặn giọt bắn tiếp xúc với đường hô hấp. Nói cách khác, sản phẩm này chỉ có tác dụng hỗ trợ, chống giọt bắn chứ không thay thế được khẩu trang.

Virus Corona được cho là có thể tồn tại nhiều giờ trên bề mặt của vật thể, nếu vô tình chạm tay vào khu vực đó, chúng ta có thể mang mầm bệnh theo mình mà không hề hay biết. Do đó, để chặn đứng con đường virus xâm nhập vào cơ thể thông qua miệng, mũi và mắt, việc rửa tay thường xuyên và sạch sẽ là hết sức quan trọng.

Trong các khuyến cáo phòng lây nhiễm virus Corona hiện nay, Bộ Y tế đều khuyên người dân nên rửa tay thật kỹ bằng xà phòng thường xuyên, nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.

Tay chúng ta cầm nắm các đồ dùng chung như tiền, tay nắm cửa, chỗ vịn trên xe, ly tách, chén bát, đũa muỗng, thìa chung ở quán ăn, quán nước... rồi trực tiếp cầm nắm đồ ăn sau đó đưa vào miệng, virus cũng vào miệng theo.

Chính vì những lý do trên người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua và sử dụng các sản phẩm phòng chống dịch. 

Đáng buồn chuyện ý thức chống dịch 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chính thức yêu cầu đóng cửa tất cả các hàng quán trên địa bàn đến ngày 5/4, trừ hàng thiết yếu như xăng dầu, thực phẩm. Tạm dừng các hoạt động kinh doanh, các dịch vụ không cần thiết trên địa bàn như karaoke, massage, nhà hàng, cà phê, giải khát, tiệm trà chanh, trà đá… Hạn chế tối đa tập trung đông người để phòng chống lây lan dịch bệnh Covid-19.

Ngay trong ngày 26/3/2020 rất nhiều cơ sở đã nghiêm túc tuân thủ việc ngừng kinh doanh, thế nhưng cũng không ít cơ sở vẫn tiếp tục hoạt động. Khoảng 20h ngày 26/3 phóng viên ghi nhận tại nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội nhiều quán ăn, quán giải khát vẫn hoạt động náo nhiệt.

Tại một tiệm Trà Chanh trên đường Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa ở thời điểm ghi nhận quán hoạt động nhộn nhịp, khách hàng ngồi tràn ra vỉa hè, cười đùa vui vẻ, không mấy ai để ý đến khoảng cách an toàn hay việc ngừng kinh doanh, hạn chế tụ tập đông người. 

Tại Vũ Phạm Hàm, quán trà sữa trân châu Hạ Long cũng đang tất bật hoạt động, nhiều khách hàng vẫn vô tư đến quán. Cách đó không xa quán cà phê số 83 Nguyễn Khang vẫn mở cửa. Khu vực cây xăng quân đội trên đường Nguyễn Phong Sắc một quán bia vẫn nhộn nhịp phục vụ các bợm nhậu.

Tại cửa hàng trà sữa Phúc Long IPH, trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy ở thời điểm ghi nhận vẫn sáng đèn, nhân viên vẫn phục vụ, còn thượng đế thì vẫn thưởng thức đồ uống.

Một công an phường Yên Hòa cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tuần tra, nhắc nhở, thế nhưng ý thức tự giác của người dân là rất quan trọng để phối hợp phòng chống dịch”. Sự chủ quan với Covid-19 đã khiến nhiều nước ở châu Âu phải nhận kết cục đau xót, thiệt hại lớn về người và kinh tế.

Ở Việt Nam, cả nước đã và đang dành tất cả nguồn lực để dập dịch giữ gìn sức khỏe, tính mạng cho người dân. Thế nên, đừng vì lợi nhuận trước mắt, vì sự ích kỷ bản thân mà đẩy đất nước vào thế khó khăn.

Đọc thêm