Sản phẩm văn hóa ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia: Cần bổ sung quy định pháp lý để ngăn chặn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngành Văn hóa gần đây đã phát hiện, xử lý nhiều sản phẩm văn hóa gây ảnh hưởng đến an ninh chủ quyền quốc gia. Không ít ý kiến cho rằng, cần có thêm các hướng dẫn, bổ sung các quy định pháp lý để ngăn chặn những sản phẩm văn hóa như vậy.
Ảnh minh họa: Những thông tin xuyên tạc về chủ quyền và lịch sử của Việt Nam cần phải nghiêm túc loại trừ. Nguồn: Vietnamplus
Ảnh minh họa: Những thông tin xuyên tạc về chủ quyền và lịch sử của Việt Nam cần phải nghiêm túc loại trừ. Nguồn: Vietnamplus

Thành lập “Tổ sàng lọc” phim trên mạng

Thời gian qua, Bộ VH,TT&DL đã kiểm tra nội dung, phân loại, hiển thị kết quả phân loại nhiều bộ phim ảnh hưởng đến an ninh văn hóa, chủ quyền quốc gia Việt Nam. Trong các năm từ 2019 đến nay, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT), Bộ TT&TT phát hiện nhiều vi phạm về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam xuất hiện trong bộ phim được cung cấp trên các nền tảng trực tuyến.

Tháng 4/2024, cử tri Thành phố Hà Nội có kiến nghị, đề nghị nâng cao trách nhiệm, kiểm duyệt kỹ lưỡng trong việc tổ chức thẩm định và cấp phép phim nước ngoài được chiếu trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội mà gây ảnh hưởng đến an ninh văn hóa, an ninh chủ quyền quốc gia.

Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Điện ảnh: “Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim. Trường hợp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ VH,TT&DL hoặc cơ quan được Bộ VH,TT&DL ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng theo trình tự, thủ tục quy định”.

Điều 12 Nghị định số 131/2022 quy định về điều kiện thực hiện phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng, theo đó, chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng chỉ được phổ biến phim có giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng theo đúng quy định của pháp luật. Đối với phim chưa được cấp giấy phép phân loại phim, phải được phân loại theo quy định hoặc phải được các chủ thể đủ điều kiện tự phân loại trước khi phổ biến. Chủ thể phổ biến phim phải thực hiện thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim đến Bộ VH,TT&DL trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng.

“Theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Luật Điện ảnh, Bộ VH,TT&DL tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện việc kiểm tra nội dung phim, phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Theo Bộ trưởng, để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên, lãnh đạo Bộ đã ban hành Quyết định số 923/QĐ-BVHTTDL ngày 11/4/2023 về việc thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Một trong các nhiệm vụ thường xuyên của tổ là thực hiện kiểm tra nội dung phim, phân loại phim, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng.

Bộ VH,TT&DL cho biết sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, kết hợp với việc thẩm định, cấp Giấy phép phân loại phim theo đúng quy định của pháp luật; duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, hậu kiểm nội dung, kết quả phân loại phim, hiển thị cảnh báo, đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đề cao tinh thần cảnh giác, chủ động phát hiện

Liên quan đến việc kiểm duyệt phim trên không gian mạng, tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ VH,TT&DL vào ngày 11/4/2024, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành lý giải, vì nhân lực mỏng, chỉ có 10 cán bộ kiêm nhiệm việc kiểm tra, chia thành hai ca mỗi ngày, xem khoảng 5 bộ phim trong một ca, nên thường xuyên bị quá tải. Trước đây, Cục Điện ảnh từng đề xuất quy chế khen thưởng 200.000 đồng cho những người phát hiện phim vi phạm về chủ quyền biển đảo, nhưng không được thông qua. Lãnh đạo ngành Điện ảnh cũng mong khán giả có ý thức tự kiểm duyệt, lên tiếng khi phát hiện sai phạm.

Trên truyền thông, Luật sư Trương Quốc Hòe - Đoàn Luật sư Hà Nội đưa ra ý kiến, chủ quyền của đất nước là thiêng liêng, những thông tin xuyên tạc về chủ quyền và lịch sử của Việt Nam cần phải nghiêm túc loại trừ. Thế hệ người Việt Nam phải được giáo dục lịch sử, hiểu rõ quyền chủ quyền, quyền lãnh thổ của Việt Nam, mọi thông tin liên quan đến chủ quyền phải được kiểm duyệt. Do vậy, để tránh những trường hợp trên, thiết nghĩ chúng ta cũng cần có những quy định cụ thể về vấn đề kiểm duyệt nội dung cũng như cần thiết có những chế tài thật nghiêm khắc đối với những sai phạm tương tự.

Vấn đề cấp bách đặt ra, các cơ quan chức năng cần có một cơ chế giám sát đặc biệt khi thẩm định các sản phẩm có xuất xứ nước ngoài. Đã đến lúc, cần có thêm các hướng dẫn, bổ sung các quy định pháp lý để ngăn chặn tái diễn các hành vi vi phạm chủ quyền quốc gia như trên. Các ngành chức năng cần tăng cường biện pháp nghiệp vụ để sàng lọc những hành vi vi phạm tinh vi này.

Bên cạnh các giải pháp ngăn chặn của các Bộ, ban, ngành, người dân cũng cần chủ động rà soát thông tin và tính năng của những sản phẩm văn hóa, tránh tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến an ninh và chủ quyền quốc gia. Có thể nói, tinh thần cảnh giác, sự vững vàng trong tư tưởng, lập trường để không lơ là trong “mặt trận không tiếng súng” để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ, quốc gia mà cha ông ta đã bao năm gìn giữ là luôn cần thiết.