Sản xuất CN-TTCN Nghĩa Hưng tăng trưởng cao

Đến hết tháng 8-2010, giá trị sản xuất CN-TTCN huyện Nghĩa Hưng đạt 181,061 tỷ đồng, đạt 65,13% kế hoạch, tăng 17,6% so cùng kỳ. Đạt được kết quả trên, huyện Nghĩa Hưng đã chú trọng phát triển sản xuất CN-TTCN tại các CCN, các làng nghề, phát huy nghề truyền thống và nhân cấy nghề mới.
Sản xuất hàng hoá mỹ nghệ xuất khẩu ở doanh nghiệp Ánh Tuý, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng).
Ảnh: Dương Đức
Đến hết tháng 8-2010, giá trị sản xuất CN-TTCN huyện Nghĩa Hưng đạt 181,061 tỷ đồng, đạt 65,13% kế hoạch, tăng 17,6% so cùng kỳ. Đạt được kết quả trên, huyện Nghĩa Hưng đã chú trọng phát triển sản xuất CN-TTCN tại các CCN, các làng nghề, phát huy nghề truyền thống và nhân cấy nghề mới.

Từ đầu năm đến nay, CCN Nghĩa Sơn hoạt động tốt, tạo việc làm cho khoảng 1000 lao động. Các doanh nghiệp trong CCN tập trung đầu tư các thiết bị công nghệ hiện đại, sản xuất các mặt hàng truyền thống với nhiều mẫu mã, đa dạng, được khách hàng ưa chuộng. Nhà máy sản xuất két bạc Thành Đồng (Cty cổ phần đầu tư và xây dựng Nam Thanh) luôn chú trọng đến chất lượng, cải tiến mẫu mã, giảm chi phí trong sản xuất, giá cả hợp lý nên hàng sản xuất ra đều tiêu thụ hết. Từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi tháng nhà máy đạt doanh thu 1 tỷ đồng, bảo đảm việc làm cho gần 30 lao động, với thu nhập trên dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng. Cty cổ phần cơ khí và thương mại Nam Hà chuyên sản xuất các mặt hàng tôn mỹ nghệ xuất khẩu từ tôn mỏng tráng kẽm và Inox có chất lượng cao, kiểu dáng đẹp xuất đi các nước Pháp, Hà Lan, Đức, Nhật, Mỹ… Cty từng bước mở rộng các lĩnh vực có nhiều lợi thế như xây dựng nhà xưởng công nghiệp kết cấu thép và trang trí nội, ngoại thất. Cty bảo đảm việc làm cho khoảng 100 lao động với thu nhập từ 1,5 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng, 8 tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất tăng 15% so cùng kỳ. Các doanh nghiệp khác trong CCN Nghĩa Sơn như Cty may Nghĩa Hưng, doanh nghiệp tư nhân Phú Khánh… vẫn ổn định sản xuất.

Bên cạnh đó, Nghĩa Hưng luôn chú trọng phát triển làng nghề, nghề truyền thống và du nhập nghề mới. 8 tháng năm 2010, giá trị sản xuất CN-TTCN từ hộ gia đình đạt trên 150 tỷ đồng. Huyện có 2 doanh nghiệp may, 1 cơ sở sản xuất hàng may xuất khẩu và nhiều tổ hợp, hộ gia đình gia công hàng may mặc nên 8 tháng đầu năm đạt giá trị trên 28 tỷ đồng, tăng 32% so cùng kỳ. Nghề dệt chiếu và sản phẩm từ cói trước đây chỉ tập trung ở xã Nghĩa Sơn và xã Nghĩa Trung đã được nhân rộng ra các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phú, thị trấn Rạng Đông… Nguồn vốn đầu tư làm nghề dệt chiếu không cần nhiều, người lao động tận dụng thời gian, nhiều độ tuổi cùng tham gia, lại có các đại lý cung ứng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm nên sản xuất ngày càng ổn định. Các sản phẩm từ tre nứa mây được sản xuất nhiều ở các xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Trung, Nghĩa Châu, thị trấn Quỹ Nhất. Thị trấn Quỹ Nhất có trên 300 hộ làm nghề mây tre đan, nhiều hộ có 2-3 lao động tham gia, thu nhập bình quân mỗi ngày 25-30 nghìn đồng/người. Đan nón là nghề truyền thống của xã Nghĩa Châu nay nghề đã mở ra ở một số xã lân cận. 8 tháng đầu năm, toàn huyện sản xuất gần 5 triệu chiếc nón. Giá trị sản xuất của ngành hàng tre, nứa, lá trong 8 tháng đạt 44 tỷ đồng, tăng 21% so cùng kỳ. Nghề mộc trong 8 tháng có giá trị tăng cao nhất so cùng kỳ, đạt 36%; nghề được nhân rộng ở nhiều xã trong huyện. Nghề chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống là lợi thế của huyện, phát triển mạnh ở các xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Hải, Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc, Nghĩa Minh…, giá trị sản xuất 8 tháng đạt trên 29 tỷ đồng. Xã Nghĩa Lâm có gần 100 hộ sản xuất miến gạo, tạo việc làm cho trên 200 lao động, mỗi năm sản xuất gần 300 tấn miến gạo, doanh thu đạt trên 3,2 tỷ đồng. Xã có gần 30 hộ sản xuất miến dong, mỗi năm sản xuất trên 250 tấn, doanh thu khoảng 4,2 tỷ đồng. Sản phẩm miến dong được tiêu thụ tại các địa phương trong tỉnh và xuất đi các tỉnh Thanh Hoá, Ninh Bình, Hà Nam… Ngành sản xuất phương tiện vận tải thuỷ vẫn giữ ổn định, 8 tháng đạt giá trị gần 26 tỷ đồng với các loại tàu thuỷ có tải trọng nhỏ 200-500 tấn phục vụ vận tải đường sông, chuyên chở vật liệu xây dựng.

Sản xuất vật liệu xây dựng là thế mạnh của huyện. Trên địa bàn huyện có 5 doanh nghiệp sản xuất gạch Tuynel, 1 doanh nghiệp sản xuất gạch sạch và nhiều cơ sở sản xuất gạch đất nung, sản lượng 8 tháng đạt trên 121 triệu viên, tạo việc làm cho gần 550 lao động với thu nhập ổn định từ 1,8 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Để thực hiện mục tiêu giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2010 đạt 278 tỷ đồng, thời gian tới huyện Nghĩa Hưng tăng cường kiểm tra, đôn đốc và làm tốt công tác tuyên truyền chính sách khuyến khích phát triển CN-TTCN; động viên, giúp đỡ các doanh nghiệp, các hộ gia đình đầu tư phát triển ngành nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động; huyện tiếp tục thực hiện cơ chế thông thoáng, kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất; có kế hoạch để mở rộng CCN lên 10-15 ha, tạo mặt bằng cho phát triển sản xuất./.

Trần Hữu Quyết

Đọc thêm