Theo báo cáo, chỉ số phát triển SXCN vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng từ tháng 2/2023, tháng sau cao hơn tháng trước. Lũy kế 6 tháng, SXCN đã phục hồi 98,8% so với cùng kỳ năm 2022 (là thời điểm kinh tế bùng nổ sau quyết định kịp thời của Chính phủ mở cửa nền kinh tế vào 3/2022).
Tuy nhiên, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước - là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 - 2023.
Trong 6 tháng đầu năm, còn 15 địa phương có chỉ số SXCN giảm. Một số địa phương có chỉ số phát triển SXCN tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm. Các địa phương có chỉ số SXCN giảm so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Nam giảm 32,2%; Bắc Ninh giảm 18,5%; Vĩnh Long giảm 16,2%...
Nhiều ngành quan trọng thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2023 giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 7,8%; sản xuất giấy, sản phẩm từ giấy giảm 7,5%; sản xuất trang phục và sản xuất xe có động cơ cùng giảm 6,8%; sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính cùng giảm 4,6%; sản xuất sản phẩm từ khoán phi kim loại giảm 3,3%...
Ngoài ra, các ngành sản xuất kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; nhóm ngành sản xuất xe có động cơ, phương tiện vận tải khác và nhóm ngành chế biến gỗ, sản xuất giường, tủ, bàn ghế có mức giảm liên tục trong mấy tháng gần đây cũng khiến cho tình hình SXCN của Việt Nam 6 tháng đầu năm không khả quan.
Nhận định về nguyên nhân suy giảm SXCN, Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp (DN) còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm. Giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của DN trong nước.
Các DN công nghiệp, đặc biệt là DN xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường do chi phí đầu vào nguyên, vật liệu, chi phí sản xuất, logistics, lãi vay mặc dù đang giảm dần nhưng còn ở mức cao. Các thị trường xuất khẩu chính thắt chặt chính sách tiền tệ gây bất lợi cho giá xuất khẩu của Việt Nam và gia tăng cạnh tranh từ việc Trung Quốc đã mở cửa trở lại trong thời gian gần đây. Một số DN đã phải cắt giảm nhân công do sản lượng và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm.
Việc thực thi Chương trình phục hồi kinh tế và triển khai các gói hỗ trợ cho DN vẫn còn chưa kịp thời ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của khu vực DN, đặc biệt DN sản xuất.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cho rằng, công tác ứng phó với các cú sốc bên ngoài đôi lúc còn bị động, chưa linh hoạt; công tác đánh giá, dự báo tình hình, nghiên cứu, đề xuất chính sách trong một số trường hợp còn bị động, đôi lúc còn chưa theo kịp thực tiễn trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới, đặc biệt là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh Nga - Ucraina tiếp tục phức tạp; việc điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô của các quốc gia diễn biến khó đoán định đã có những ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư, sản xuất, thị trường và chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Tuy thế, Bộ Công Thương cho rằng, do đã dự báo được các khó khăn trong 6 tháng cuối năm nên Bộ đã có kế hoạch, đề xuất cụ thể với mục tiêu “chỉ số SXCN có thể đạt mức tăng khoảng 8 - 9% trong năm 2023” như Chính phủ giao.