Sản xuất thủy sản sạch : Lợi ích kép

Thủy sản là sản phẩm có năng lực cạnh tranh cao, là một trong 3 mặt hàng chủ lực của thành phố, nhưng nhiều năm gần đây, tỷ trọng xuất khẩu thủy sản đông lạnh của Đà Nẵng đi các thị trường thế giới tăng không nhiều, do những quy định ngặt nghèo về chất lượng, nguồn gốc...
Đóng gói cá nục đông lạnh tại Công ty TNHH Thái An (KCN Dịch vụ thủy sản Thọ Quang).
Đóng gói cá nục đông lạnh tại Công ty TNHH Thái An (KCN Dịch vụ thủy sản Thọ Quang).

Thủy sản là sản phẩm có năng lực cạnh tranh cao, là một trong 3 mặt hàng chủ lực của thành phố, nhưng nhiều năm gần đây, tỷ trọng xuất khẩu thủy sản đông lạnh của Đà Nẵng đi các thị trường thế giới tăng không nhiều, do những quy định ngặt nghèo về chất lượng, nguồn gốc...

Lợi ích thấy từ sản xuất sạch

Với sự hỗ trợ của Dự án Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (Bộ Công thương), thông qua lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến công thành phố tổ chức, nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực thủy sản tại Đà Nẵng đã được tham gia về áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) trong hoạt động sản xuất, chế biến thủy sản. Theo ông Đinh Thành Phương, Giám đốc Trung tâm Chất lượng nông-lâm-thủy sản vùng 2 (Cục Quản lý chất lượng nông- lâm và thủy sản): Hầu hết các DN Việt Nam đều có tiềm năng giảm tiêu thụ nguyên, nhiên liệu và năng lượng từ 10-50% nếu áp dụng SXSH. Các DN áp dụng SXSH có thể giảm các tổn thất, thất thoát nguyên vật liệu và sản phẩm, do đó có thể đạt năng suất cao hơn với chất lượng sản phẩm ổn định hơn, lợi nhuận gia tăng, tính cạnh tranh được cải thiện.

Chỉ tính riêng trong Chương trình của CPI, năm 2007, CPI đã hỗ trợ cho 11 doanh nghiệp áp dụng SXSH. Nhờ đó, các DN đã tiết kiệm được gần 20 tỷ đồng mỗi năm thông qua việc tiết kiệm gần 130m3 nước, hơn 3 triệu kW giờ điện, hơn 1 ngàn tấn nguyên vật liệu và hơn 1 ngàn tấn than tiêu thụ hằng năm. Đồng thời DN đã giảm thiểu nước thải, bụi than và bụi nguy hại, hóa chất ra môi trường, trong khi thời gian hoàn vốn chưa tới 1 năm. Việc sản xuất sạch được DN ý thức từ lâu vì nó đem lại nguồn lợi ở chỗ tạo được sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, đưa lại giá trị kim ngạch xuất khẩu cao...

Nhưng...

Thực hiện việc áp dụng SXSH tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thông qua kế hoạch hành động của UBND thành phố, nhiều DN đã bắt đầu triển khai. Ông Thái Hội, Giám đốc Công ty TNHH Thái An, đơn vị vừa tham gia khóa tập huấn “Áp dụng sản xuất sạch hơn trong ngành chế biến thủy sản” thừa nhận: “Sản xuất sạch tất nhiên phải thực hiện, nhưng điều kiện không cho phép rất khó để bắt tay vào làm. Mặc dù đơn vị đã chuẩn bị tốt các công đoạn đầu tư cho SXSH như đầu tư máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng, áo quần, tiền lương cho công nhân, tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa sắp xếp được một quy trình vận hành từ đầu vào đến thành phẩm cho hợp lý. Thực sự, trong thời gian qua, mặc dù rất muốn nhưng DN rất lúng túng, không biết bắt đầu từ khâu nào. Do vậy, chúng tôi cần sự tư vấn từ cơ quan chuyên trách hướng dẫn cụ thể để giúp DN bảo đảm vận hành tốt quy trình

kỹ thuật”.

Ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công thành phố cho biết: Đối với những DN thủy sản lớn, vấn đề sản xuất sạch đã được chú ý và triển khai từ khá lâu. Nhưng đối với nhiều DN hoạt động với quy mô vừa và nhỏ hiện nay, mắc nhất vẫn là kinh phí đầu tư để sản xuất sạch. Do vậy, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát những DN tham gia thí điểm SXSH, trên cơ sở đó sẽ hỗ trợ kinh phí để DN áp dụng vào thực tế sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường theo hướng bền vững của ngành Công nghiệp, phù hợp với xu thế hiện nay.

Được biết, trong Chiến lược xuất khẩu (điều chỉnh) của Đà Nẵng đến năm 2010, để tháo gỡ những khó khăn, thành phố đã có nhiều chính sách nâng cấp, mở rộng mặt bằng, hỗ trợ về vốn, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao hàm lượng chế biến thủy sản đạt tiêu chuẩn quốc tế… cho các DN trong lĩnh vực này.

Bài và ảnh: Duyên Anh

Đọc thêm