Mới đây hãng vận tải biển Maersk thông báo đã cắt giảm 30% nhiên liệu tiêu thụ trong các tuyến vận tải chính, góp phần làm giảm hiệu ứng nhà kính. Một trong những biện pháp để Maersk giảm nhiên liệu tiêu thụ là sử dụng container Cargoshell.
|
Một container Cargoshell rỗng được xếp gọn trên xe. Ảnh: Columnchrist |
Cargoshell là container vận chuyển bằng nhựa có thể xếp lại do Rene Giesbers, một kỹ sư về thiết bị sưởi ấm người Hà Lan, phát minh ra. Cargoshell được làm bằng một hỗn hợp sợi thuỷ tinh và nhựa, nhẹ hơn 1/4 so với một container tiêu chuẩn. Khi không chứa hàng, Cargoshell có thể được gấp lại, chỉ còn bằng 1/4 so với kích thước nguyên bản. Cargoshell dễ nổi, chống ăn mòn, dễ làm sạch. Sản xuất Cargoshell xanh sạch hơn, chỉ sản sinh lượng CO2 bằng 1/4 lượng CO2 khi sản xuất loại bằng thép.
Cargoshell được cho là sẽ hữu ích trong nhiều trường hợp. Ví dụ hiện nay, các phương tiện vận chuyển hàng hoá từ Trung Quốc sang Mỹ ngày càng nhiều. Khi chuyển hàng xong nhiều tàu thuyền, xe lửa và xe tải phải chở một số container rỗng. Nếu dùng Cargoshell, các container rỗng có thể được dồn gọn, giải phóng nhiều tàu thuyền để tham gia các tuyến vận chuyển khác. Các container được xếp lại thành từng nhóm bốn cái, việc chuyển container lên xuống sẽ nhanh hơn, giảm thời gian tàu lưu đậu tại cảng và không chiếm không gian của các kho hàng.
Ông Giesbers không phải là người đầu tiên phát minh container có thể xếp lại. Những năm đầu thập niên 90, nhiều mô hình đã được thử nghiệm, nhưng không được phổ biến, nguyên nhân chính là quá mất công, sức trong khâu đóng mở container. Nhưng ông Giesbers cho biết Cargoshell có thể dựng lên hoặc xếp lại trong vòng 30 giây mà chỉ cần một người dùng xe tải nâng hỗ trợ. Hiện Cargoshell đang được kiểm tra nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Thế giới có khoảng 26 triệu container, và lượng hàng hoá các container chuyên chở đã tăng từ 13,5 triệu “container tiêu chuẩn 6,1m” từ năm 1980 lên 140 triệu vào năm nay, dự kiến đạt 180 triệu vào năm 2015. Ông Giesbers hy vọng sẽ có một triệu Cargoshells phục vụ trong ngành vận tải vào năm 2020, chiếm 4% thị trường.
Theo The Economist/ Sài Gòn tiếp thị