Đây là chia sẻ của các đại biểu đến từ cấp ủy, chính quyền các cấp và chính những người dân đang được thụ hưởng chính sách tại Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng của Tỉnh Quảng Nam.
Thắp lửa từ mỗi người dân
Đông Giang - huyện miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam - có hơn 25 nghìn người, chủ yếu là 02 dân tộc Cơ Tu và người Kinh, sinh sống. Việc thay đổi nhận thức cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về vai trò của tín dụng chính sách xã hội có thể thấy rõ qua sự chủ động của huyện trong việc cân đối vốn ngân sách, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng hàng năm huyện chuyển trên 1 tỷ đồng để lập quỹ cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách ủy thác qua NHCSXH. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ cơ sở vật chất cho Phòng giao dịch NHCSXH có điều kiện hoạt động tốt hơn...
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường phát biểu tại Hội nghị. |
Ban Thường vụ Huyện ủy luôn quan tâm, thường xuyên lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các hội, đoàn thể từ huyện đến thôn phải xem hoạt động tín dụng ưu đãi của NHCSXH là nguồn lực Nhà nước quan trọng để hỗ trợ, hướng dẫn giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, tạo việc làm, tạo nguồn thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Cộng hưởng thêm hiệu quả việc sử dụng vốn của NHCSXH, Huyện đã ban hành nhiều Nghị quyết định hướng phát triển kinh tế như Đề án trồng chuối, trồng rừng gỗ lớn, mô hình lúa keo, chè dây, trồng mây dưới tán rừng đem lại hiệu quả; nhất là mô hình lúa keo đem lại hiệu quả kinh tế cao, cây keo nguyên liệu đã trở thành cây chủ lực giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Chia sẻ tại Hội nghị, Lãnh đạo Huyện ủy Đông Giang cho biết: “Từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, Chỉ thị 48-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ huyện đến thôn để thực hiện tín dụng chính sách giúp bà con hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm thay đổi nhận thức của đồng bào miền núi, bớt đi sự trông chờ ỷ lại vào Nhà nước”.
Anh Nguyễn Văn Lượng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My - chia sẻ câu chuyện của mình. |
Hiệu ứng của việc tập trung tuyên truyền vận động thực hiện Chỉ thị số 40 xuống tận thôn, xóm để các tầng lớp nhân dân nắm bắt và có nhận thức đúng về tầm quan trọng của hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã cộng hưởng lên những sức mạnh, giá trị mới. Ngay cả đỉnh núi cao Ngọc Linh thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My - nơi có 99% là đồng bào DTTS, chủ yếu người Ca dong - cũng không thiếu hơi ấm của Chỉ thị số 40. Vay 25 triệu đồng từ NHCSXH huyện Nam Trà My từ 10 năm trước để đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh, năm 2014, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Nguyễn Văn Lượng thôn 2, không chỉ trả hết nợ cho NHCSXH, thoát nghèo mà từ đó gia đình có cái ăn, cái mặc, con em được đi học.
Được bà con tin tưởng bầu là Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, ông rất tích cực tuyên truyền khuyến khích bà con cùng vay vốn trồng sâm và thành lập nhóm hộ trồng sâm. Vừa tận tình tạo điều kiện cho bà con có đủ điều kiện tiếp cận vốn, ông còn hướng dẫn bà con cách chăm sóc và căn dặn bà con không được phá rừng, hộ nào làm tốt cuối năm ông còn thưởng 200 cây sâm con giống. Số cây con được thưởng hiện nay đã lên đến hai chục ngàn cây. Nhờ cách quản lý riêng này mà đến nay đã có 32 hộ dân trong tổ đã thoát nghèo bền vững, nhiều hộ có cái ăn, cái mặc, có tiền gửi tại NHCSXH huyện hàng tỷ đồng.
Lan tỏa giá trị một chính sách nhân văn
Những câu chuyện chia sẻ tại Hội nghị đã cho thấy Chỉ thị đã thật sự đi vào cuộc sống và đã tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Một trong những nội dung qua trọng của Chỉ thị số 40 là chuyển vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn của các địa phương đã được tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả. Trong 05 năm qua, kể từ khi ban hành Chỉ thị, UBND cấp tỉnh, cấp huyện đã bổ sung nguồn vốn từ ngân sách ủy thác cho NHCSXH tỉnh để cho vay số tiền 163 tỷ đồng, bình quân mỗi năm bổ sung gần 33 tỷ đồng, tăng gấp 05 lần so với trước khi có Chỉ thị, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương sang NHCSXH trên địa bàn đến 30/6/2019 là 238 tỷ đồng, chiếm 5,35% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại NHCSXH.
Các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong 05 năm vinh dự nhận Giấy khen của Tổng Giám đốc NHCSXH. |
Điều đó thể hiện sự quan tâm, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động chính sách xã hội. Tỉnh cũng xây dựng cơ chế chính sách riêng đặc thù của tỉnh ủy thác qua NHCSXH như cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn chính sách hỗ trợ người lao động tỉnh Quảng Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2019 - 2021.
Nhìn lại 05 năm triển khai Chỉ thị số 40, đã có 193.207 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, hơn 54 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo điều kiện cho 21.928 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, tạo việc làm cho 11.948 lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm, 284 lao động tham gia xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài, xây dựng, cải tạo 90.191 công trình nước sạch vệ sinh; xây dựng 2.851 ngôi nhà ở cho hộ nghèo và đối tượng chính sách;... Đặc biệt, vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 12,1% năm 2014 xuống 7,57% đến 30/6/2019, tỷ lệ hộ cận nghèo từ 9,15% năm 2014 xuống 3,32% đến 30/6/2019, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua.
Hiện tỉnh Quảng Nam đã và đang triển khai thực hiện 17 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt 4.483 tỷ đồng, trên 133 ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh đã giảm từ 0,3% (cuối năm 2014) xuống còn 0,14%/tổng dư nợ tại thời điểm ngày 30/6/2019, trong đó nợ quá hạn chỉ chiếm 0,05%. Những thành quả đạt được là nền tảng để Quảng Nam tiếp tục giương cao ngọn cờ thi đua triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 40 nhằm tối ưu hóa công cụ tài chính hữu hiệu trong thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn - tín dụng chính sách.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh, tỉnh xác định nhiệm vụ chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đặt ra các mục tiêu cụ thể cho từng đơn vị. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung nâng cao tinh thần trách nhiệm và chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo, quản lý, củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại địa phương của thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; phối hợp giữa các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của NHCSXH, giúp người vay vốn sử dụng vốn có hiệu quả.
Các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong 05 năm vinh dự nhận Giấy khen của Tổng Giám đốc NHCSXH. |
Về phía tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết sẽ tiếp tục bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Việc hỗ trợ các đối tượng chính sách sẽ giảm dần cho không chuyển sang cơ chế hỗ trợ vốn có thu lãi với lãi suất ưu đãi nhằm nâng cao trách nhiệm của người sử dụng vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, thực hiện tốt chủ trương “cho cần câu, không cho xâu cá” nhằm thúc đẩy ý chí vươn lên của người dân.
Cảm nhận từng hiệu ứng của vốn tín dụng chính sách đang chuyển dịch trong đời sống người dân Quảng Nam, cũng như cùng Lãnh đạo địa phương phân tích các điểm mạnh yếu của dòng chảy tín dụng chính sách trên địa bàn, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đề nghị tỉnh Quảng Nam quan tâm hơn nữa đến nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, nhằm tăng cường nguồn vốn tín dụng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Đồng thời, chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể cần phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, nông, lâm, ngư nghiệp và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.