Sắp có máy bay siêu thanh với tốc độ lên tới 5.000 km/h

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một công ty công nghệ hàng không tại Bắc Kinh, Trung Quốc, đang thu hút sự chú ý toàn cầu với tham vọng chế tạo máy bay siêu thanh có tốc độ lên tới 5.000 km/h. Đây là bước đột phá hứa hẹn cách mạng hóa ngành vận tải hàng không liên lục địa, rút ngắn thời gian bay xuống chỉ còn vài giờ.
Cuantianhou sẽ nhanh hơn máy bay phản lực thông thường gần gấp 5 lần. (Ảnh: China Daily)
Cuantianhou sẽ nhanh hơn máy bay phản lực thông thường gần gấp 5 lần. (Ảnh: China Daily)

Trung Quốc đang chứng minh năng lực vượt trội trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật thông qua những thành tựu như chế tạo tên lửa lớn, vệ tinh tiên tiến và máy bay không người lái mạnh mẽ.

Một doanh nghiệp tư nhân tại nước này tiếp tục đẩy xa giới hạn với tham vọng phát triển máy bay siêu thanh dưới quỹ đạo, mang lại khả năng rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa các châu lục.

Công ty Lingkong Tianxing Technology, có trụ sở tại Bắc Kinh, đã công bố vào ngày 20/1 tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, rằng họ đang nghiên cứu và phát triển mẫu máy bay siêu thanh thế hệ mới. Theo kế hoạch, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của mẫu máy bay này sẽ diễn ra vào năm 2026.

Kỹ sư trưởng của công ty Deng Fan cho biết, nguyên mẫu máy bay mang tên Cuantianhou (Tôn Thiên Hầu) sẽ có chiều dài 7 mét và nặng 1,5 tấn. Thiết kế khí động học tiên tiến của nó giúp giảm lực cản không khí và tăng hiệu quả bay.

Máy bay sẽ được trang bị động cơ Ramrotor Detonation, một công nghệ đột phá kết hợp giữa động cơ đốt quay, máy nén rotor và động cơ phản lực ramjet. Hệ thống động cơ này, mang tên Jindou-400S, đang được nghiên cứu tại công ty. Với chiều dài chỉ 1,9 mét và nặng 100 kg, động cơ có khả năng tạo lực đẩy tối thiểu 4.000 newton, giúp máy bay đạt tốc độ tối đa Mach 4.2, tương đương khoảng 5.000 km/h, nhanh gấp 5 lần so với máy bay phản lực thông thường.

Theo ông Deng, máy bay sẽ được phóng lên độ cao khoảng 20 km bằng một tên lửa mang, sau đó tiếp tục hành trình bay độc lập. Phần lớn chuyến bay sẽ diễn ra trong "không gian gần" — khu vực nằm ở độ cao từ 20 đến 100 km trên mực nước biển, bao gồm tầng bình lưu, trung lưu và nhiệt quyển thấp. Đây là khu vực trên tầm bay của máy bay thương mại nhưng dưới quỹ đạo của vệ tinh.

Mặc dù đạt tốc độ siêu nhanh, hành khách trên máy bay siêu thanh sẽ không bị ảnh hưởng bởi gia tốc, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Dự án này đánh dấu một bước tiến mới trong nỗ lực hồi sinh tham vọng bay siêu thanh, từng được biểu tượng hóa bởi máy bay huyền thoại Concorde.

Concorde, chiếc máy bay chở khách siêu thanh đầu tiên trên thế giới, được chế tạo bởi Anh và Pháp, lần đầu cất cánh năm 1969 và hoạt động thương mại từ năm 1976. Tuy nhiên, Concorde không thể duy trì hoạt động lâu dài do tiếng ồn lớn, chi phí cao, yêu cầu nghiêm ngặt về sân bay và tác động môi trường.

Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, nguyên mẫu máy bay thương mại mang tên Dasheng (Đại Thánh), lấy cảm hứng từ Tôn Ngộ Không trong thần thoại Trung Quốc, sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2030.

Theo ông Deng, Dasheng sẽ cách mạng hóa ngành vận tải hàng không toàn cầu, mang lại khả năng thực hiện các chuyến bay liên lục địa chỉ trong vòng 2-3 giờ, thay vì 10 giờ hoặc lâu hơn như hiện nay.

Đọc thêm