Tư duy thực tế về khoa học trong nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tại Tọa đàm "Nghiên cứu khoa học: Đổi mới tư duy, sáng tạo để bứt phá" do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 57/NQ-TW về đầu tư, thúc đẩy khoa học và công nghệ (KH&CN); ý kiến của lãnh đạo ngành Nông nghiệp được đánh giá rất thú vị, thiết thực.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Tại Tọa đàm, lãnh đạo một viện nghiên cứu ngành Nông nghiệp đề xuất xem xét trao nhiều quyền hơn để các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính có thể chủ động trong triển khai các dự án nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Các cơ quan, tổ chức cần mở rộng hợp tác công - tư, tạo ra sự liên kết mạnh mẽ giữa các DN và tổ chức nghiên cứu. Đại diện một viện nghiên cứu khác cũng trong ngành Nông nghiệp thì xác định một số nội dung trọng tâm tới đây sẽ thực hiện như tăng cường giải pháp khai thác nguồn lực đầu tư; thay đổi năng lực quản trị và tập trung quản trị các sản phẩm khoa học công nghệ để bảo đảm chất lượng và khả năng ứng dụng của các sản phẩm nghiên cứu trong thực tiễn.

Tuy nhiên, số liệu công bố tại hội thảo cho thấy từ trước tới nay, nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp vẫn còn một số hạn chế. Tỉ lệ chế biến nông sản ở Việt Nam còn thấp, chỉ khoảng 12%; trong khi thiệt hại sau thu hoạch lại rất cao, đặc biệt trong ngành trồng rau quả và thủy sản (từ 20 - 30%). Đại diện của Vụ KH&CN thuộc Bộ cho biết hiện nay, ngành thủy sản còn thiếu nguồn lực tham gia nghiên cứu khoa học trình độ cao, chưa được đào tạo bài bản, chưa gắn liền với nghiên cứu cơ bản. Vì vậy, thời gian tới, các nhà khoa học và cơ quan nghiên cứu KH&CN cần thay đổi tư duy, liên kết hợp tác cùng phát triển. Bên cạnh đó, xây dựng các nhóm nghiên cứu sâu, phát triển thương hiệu cho các nhóm nghiên cứu.

Tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có những quan điểm rất rõ ràng, rất thực tế, đó là một nghiên cứu hay công nghệ dù phức tạp “cao siêu” đến đâu cũng chỉ có giá trị khi nó được ứng dụng vào thực tế, khi nó giúp người nông dân trồng được cây, nuôi được con và nâng cao đời sống người sản xuất. Bộ trưởng Nông nghiệp cũng thúc giục đội ngũ nhà khoa học nông nghiệp cần tích cực "ra ruộng, về làng" hơn nữa, về với bà con nông dân để cùng lan tỏa giá trị sâu rộng của KH&CN khắp làng quê, nông thôn. Chỉ khi các nhà khoa học, nhà nghiên cứu được đào tạo, trui rèn bài bản, thực tế thì mới có thể giúp việc canh tác, sản xuất, thương mại trong nông nghiệp đạt hiệu quả cao nhất.

Quan điểm nêu trên của Bộ trưởng Nông nghiệp được dư luận đánh giá rất cao. Đặc biệt với ngành Nông nghiệp và với người nông dân, nghiên cứu khoa học phải để áp dụng ứng dụng giúp ích cho cuộc sống, chứ không phải nghiên cứu chỉ trên lý thuyết rồi khóa trong ngăn tủ.

Đọc thêm