Hằng năm huyện Bình Liêu tổ chức Lễ hội đình Lục Nà theo nghi thức lễ hội truyền thống gồm: phần lễ tổ chức rước sắc phong từ sân đình đi quanh thôn Bản Cáu, trở lại sân đình, gióng trống khai hội và tổ chức lễ tế thần; phần hội với các trò chơi dân gian như: đẩy gậy, đánh quay, kéo co, ném còn; các hoạt động văn nghệ: thi hát then - đàn tính, hát soóng cọ, hát sán cố... Lễ hội đã thu hút đông đảo nhân dân, du khách tham gia lễ hội.
|
Đình Lục Nà là ngôi đình duy nhất, là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu. |
Đình Lục Nà tọa lạc tại xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Hiện, đình Lục Nà là ngôi đình duy nhất, là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.
Tương truyền, xưa kia khi giặc ngoại xâm đến cướp bóc, tàn sát dân làng vô cùng dã man. Có chàng trai tên Hoàng Cần, là người Bình Liêu, đã tập hợp trai tráng trong vùng ngày đêm miệt mài luyện tập võ nghệ, với quyết tâm đánh tan quân giặc, giữ yên bờ cõi quê hương, đất nước. Chỉ với gậy tre trong tay, Hoàng Cần tả xung, hữu đột làm cho quân giặc kinh hồn, bạt vía, chịu thua tháo chạy. Để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn công lao của ông, Nhân dân Bình Liêu đã suy tôn Hoàng Cần là Thành hoàng làng và lập đình thờ ông - Đình Lục Nà.
Trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đình Lục Nà đã ghi đậm dấu ấn lịch sử cách mạng của huyện Bình Liêu. Ngày 20 tháng 11 năm 1945 tại Đình Lục Nà đã diễn ra cuộc mít tinh lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức để tuyên bố thành lập Chính quyền Cách mạng Lâm thời huyện Bình Liêu.
Ngày 18 tháng 01 năm 1946, Uỷ ban Hành chính huyện Bình Liêu (Nay là Uỷ ban nhân dân huyện) chính thức được thành lập tại Đình Lục Nà. Ngày 21 tháng 11 năm 1946 lực lượng Vệ quốc Đoàn huyện Bình Liêu cũng được thành lập tại đây.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 và sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng năm 1954, Đình Lục Nà được sử dụng để mở lớp Bình dân học vụ, sau đó là trường học của xã Lục Hồn, đến năm 1968 trường học cũng bị phá bỏ, ngôi đình cũng chỉ còn trong tâm thức người dân Bình Liêu.
Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp lập hồ sơ lý lịch di tích, địa điểm lịch sử - văn hóa Đình Lục Nà, và ngày 18 tháng 7 năm 2005, đã ban hành Quyết định số 2331/QĐ-UB để xếp hạng địa điểm Đình Lục Nà là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Đáp ứng lòng mong mỏi của Nhân dân các dân tộc huyện nhà, Uỷ ban nhân dân huyện Bình Liêu cũng đã tiến hành tìm hiểu và phục dựng lễ hội Đình Lục Nà từ xuân Bính Tuất năm 2006.
Tháng 6 năm 2009, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu đã khởi công xây dựng lại ngôi Đình tại vị trí vô cùng đắc địa “tả thanh long, hữu bạch hổ”, tên Đình được lấy từ tên Bản Lục Nà, thuộc xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu.
Sau một năm xây dựng, Đình Lục Nà đã được hoàn thành vào đúng tháng 6 năm 2010. Việc xây dựng thành công Đình Lục Nà có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng người Tày ở xã Lục Hồn nói riêng và nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu nói chung góp phần giáo dục các thế hệ mai sau về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
|
Phần hội với các trò chơi dân gian như: đẩy gậy, đánh quay, kéo co, ném còn |