Lễ hội Xuân Ất Tỵ - Đi an bình, dự văn minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lễ hội Xuân không chỉ là dịp vui chơi mà còn là cơ hội để lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống và xây dựng hình ảnh cộng đồng văn minh, đoàn kết. Để tổ chức Lễ hội Xuân Tết Nguyên đán năm 2025 an toàn và văn minh, nhiều địa phương đã có phương án quản lý đổi mới tích cực.
Tại Chùa Hương, các thuyền, đò được đánh số và sơn toàn bộ màu xanh, lái đò được cấp thẻ và vận chuyển khách theo thứ tự. (Ảnh: Bảo Châu)
Tại Chùa Hương, các thuyền, đò được đánh số và sơn toàn bộ màu xanh, lái đò được cấp thẻ và vận chuyển khách theo thứ tự. (Ảnh: Bảo Châu)

Kiên quyết xử lý những vi phạm

Lễ hội Chùa Hương với chủ đề “Điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt” đón du khách từ ngày 31/01 - 01/5/2025. Lễ hội năm nay cũng đánh dấu cột mốc quan trọng khi Khu di tích quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn (Chùa Hương) được trao quyết định công nhận là khu du lịch cấp thành phố. Ban Tổ chức triển khai chiến dịch “Du lịch xanh”, hạn chế rác thải nhựa và tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, năm 2025 đánh dấu việc ứng dụng vé điện tử và bản đồ số để hỗ trợ du khách. Các dịch vụ đặt vé trước giúp giảm thời gian chờ đợi và cải thiện chất lượng dịch vụ.

Lễ hội năm nay tập trung vào việc cải thiện dịch vụ, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Các tuyến đường dẫn vào khu vực được cải thiện, tăng cường phương tiện vận chuyển công cộng để giảm ùn tắc. Ông Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm 2025 cho biết: “Chúng tôi kiên quyết xử lý những vi phạm không chấp hành quy định của Ban Tổ chức lễ hội”. Thuyền đò được sơn toàn bộ màu xanh, được đánh số, lắp ghế, giỏ đựng rác, áo phao, ô che mưa nắng. Lái đò được cấp thẻ và vận chuyển khách theo thứ tự. HTX thực hiện việc điều hành vận chuyển khách đi thuyền, đò theo thời gian quy định xuất bến tại bến ngoài để đảm bảo an toàn cho du khách. Tùy từng đò, thuyền to nhỏ, HTX điều phối số lượng khách cho phù hợp.

Về vấn đề một số khách thập phương không mặc áo phao đi đò, thuyền trên suối Yến, đại diện Ban Tổ chức cho hay, 3.800 - 4.500 thuyền đò đủ tiêu chuẩn phục vụ khách như: Thuyền đò được sơn toàn bộ màu xanh, được đánh số, lắp đủ ghế, có áo phao, thiết bị nổi, wifi, ô che… dành cho tất cả các du khách. Suối Yến có mức nước chỉ sâu dưới 1,4m nên khá an toàn với du khách. Bởi vậy, một số du khách không mặc áo phao để tận hưởng sự thoải mái khi ngắm cảnh, chiêm bái đất Phật. Được biết, hàng chục năm nay, chùa Hương chưa từng xảy ra vụ tai nạn ngã, đuối nước, đắm thuyền đò.

Tại Hội thảo khoa học “Lễ hội Phết Hiền Quan - Nhận thức, giá trị và giải pháp quản lý, tổ chức”, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL) Lương Đức Thắng cho rằng, thời gian qua, lễ hội Phết Hiền Quan có nội dung diễn ra chưa đúng với truyền thống của lễ hội, đặc biệt là phần tranh phết, dẫn đến bị nhìn nhận tiêu cực, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng đây là một lễ hội có nhiều yếu tố phản cảm, bạo lực. Ông Lương Đức Thắng lưu ý, sau sáu năm không tổ chức phần tranh phết, nếu muốn tổ chức trở lại, cần hoàn thiện Đề án đổi mới công tác quản lý, tổ chức lễ hội Phết Hiền Quan. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội này cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh, tuân thủ đúng các quy định pháp luật, loại bỏ các yếu tố, hành vi không đúng với giá trị truyền thống. Trong đó, chú trọng các nội dung như chuyển đổi hình thức tranh phết sang hướng thực hành nghi lễ đánh phết; hạn chế số lượng người tham gia đánh phết; quy định rõ trách nhiệm của Ban Tổ chức, người tham gia thực hành nghi lễ đánh phết, người tham gia hội để tránh hiện tượng tranh cướp, giẫm đạp lên nhau dẫn tới ẩu đả mất kiểm soát.

Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Ất Tỵ năm 2025 với thời gian quản lý lễ hội từ ngày 29/1 đến ngày 27/2; thời gian tổ chức lễ hội từ ngày 8 đến 13/2. UBND thành phố Nam Định và Ban Tổ chức Lễ hội Khai ấn Đền Trần đã thành lập các Tiểu ban và phân công nhiệm vụ cụ thể đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ… trước, trong và sau lễ hội; trong đó, chú trọng đảm bảo an ninh, an toàn trong thời gian diễn ra Lễ Khai ấn (đêm 14 tháng Giêng) và thời điểm phát tờ ấn cho khách thập phương.

Để bảo đảm lễ hội Gióng Đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) năm 2025 diễn ra an toàn, văn minh, ông Tống Giang Phúc, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn cho biết, Ban Tổ chức lễ hội và chính quyền địa phương sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát không để các cơ sở dịch vụ sử dụng loa công suất lớn; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, kinh doanh không lành mạnh như: tổ chức trò chơi mang tính bạo lực, cờ bạc trá hình. Các hàng quán phục vụ ăn uống phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường. Ngoài ra, Ban Tổ chức lễ hội và chính quyền địa phương sẽ tổ chức trông giữ phương tiện cho du khách theo quy định; bố trí sắp xếp hàng quán ngăn nắp; Các hàng quán, dịch vụ phải niêm yết công khai giá, không để xảy ra tình trạng ép giá với du khách; nghiêm cấm việc nâng giá, bán hàng rong, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Trong phạm vi khu vực I của di tích, không bố trí hàng quán.

Sẽ hạn chế các hoạt động mê tín dị đoan

Bộ VH,TT&DL đã có Công văn số 5672/BVHTTDL-VP về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Ất Tỵ 2025.

Rước kiệu tại Lễ hội Gióng Đền Sóc. (Ảnh: Hoàng Lân)

Rước kiệu tại Lễ hội Gióng Đền Sóc. (Ảnh: Hoàng Lân)

Trong Công văn, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chủ động tham mưu, triển khai tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang đậm dấu ấn, góp phần khơi dậy niềm tự hào, bản sắc văn hóa truyền thống dịp Tết cổ truyền của dân tộc, gắn với việc thúc đẩy, thu hút khách du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực theo dõi, quản lý; chỉ đạo, phối hợp tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, bảo đảm Nhân dân được đón Tết vui tươi, đầm ấm, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Đặc biệt, các cơ quan, tổ chức bị nghiêm cấm sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công hoặc các nguồn lực công trái quy định để phục vụ cho hoạt động lễ hội. Việc tổ chức bắn pháo hoa, nếu có, phải căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo tiết kiệm và không gây lãng phí. Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động lễ hội, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, hoặc vi phạm quy định về tài chính.

Các địa phương cần tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng gắn với các hoạt động vui xuân, đón Tết, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tin tưởng, tự hào trong toàn xã hội; phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp dịp Tết đến, Xuân về của dân tộc Việt Nam; Tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, Nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội; về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm bảo vệ môi trường; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội: kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội; đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí.

Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, kinh doanh dịch vụ văn hóa, quảng cáo trong dịp Tết Nguyên đán đảm bảo vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương. Các địa phương cũng mong muốn người dân, du khách nâng cao nhận thức, ý thức về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tham gia lễ hội.

Kế hoạch số 12/KH-UBND của TP Hà Nội nêu rõ việc tổ chức lễ hội phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an ninh, trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư...

TP Hà Nội sẽ kiểm tra đột xuất công tác quản lý và tổ chức lễ hội, xử lý kịp thời những sai phạm tiêu cực trong hoạt động tổ chức lễ hội, vi phạm Luật Di sản văn hóa, xâm hại di tích và ảnh hưởng đến các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng để lễ hội phát triển lành mạnh, đúng hướng. Hà Nội cũng công bố số điện thoại đường dây nóng 0965404557 để tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân và du khách.

Đọc thêm