Hội làng mở giữa mùa xuân...

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau Tết Nguyên đán, nước ta sẽ bước vào không khí hội hè. Từ thôn, xóm, làng cho đến xã, huyện, tỉnh… lễ hội diễn ra liên tục. Một đời sống tinh thần phong phú, nhưng cũng chứa đựng nhiều hệ lụy khó bỏ - nhận định này đã được nhiều nhà văn hóa phản ánh qua các cuốn sách.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn:ST)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn:ST)

Mùa của tình yêu

Trong cuốn Việt Nam phong tục, cụ Phan Kế Bính đã liệt kê phần hội sau lễ của dân làng. Cụ đã tính từ các trò chơi, hát múa, thi đấu thể thao, cho đến cờ bạc… có đến gần 30 tiết mục, từ hát tuồng, hát quan họ, múa bông cho đến cờ người, đánh vật, bơi, chọi gà, chọi trâu, chọi chim, thả chim, thả diều, chơi đu, leo cột, bịt mắt bắt dê, trò cờ bạc như tổ tôm, xóc đĩa, tam cúc…

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn quốc có hơn 7.900 lễ hội, trong đó lễ hội dân gian nhiều nhất với trên 7.000, chiếm trên 88,3%, theo sau là lễ hội tôn giáo.

Hội làng, xã đa dạng từ tâm linh, tín ngưỡng, thờ cúng, vui chơi hay hát múa hay khai tâm tình ái, mang tính phồn thực, hướng tới sự sinh sôi, nảy nở, âm dương hòa hợp. Có thể nói lễ hội mùa xuân cũng là mùa của ái tính, trai gái hẹn hò, tìm kiếm nhau.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên trong cuốn “Sinh hoạt của người Việt” đã viết: “Trong các lễ hội mùa xuân và mùa thu, ta thấy những cuộc vui một vài gọi là đu đôi, bắt chạch, bịt mắt bắt dê. Những trò chơi này diễn ra nơi công cộng. Ai cũng chơi được. Người ta chơi từng cặp. Một người đàn ông bao giờ cũng đối với một người đàn bà, thường thường đây là những người còn độc thân”.

Ông Nguyễn Văn Huyên cho rằng những trò chơi này là tàn dư của những nghi lễ khai tâm tình dục phức tạp hơn: “Nói đại khái là một chặng đường tiến tới hôn nhân. Mặt khác nếu chúng ta xem xét giải thưởng của những cuộc thi và trò vui đó, ta thấy chúng gồm những đồ vật nằm trong số những đồ cưới: quạt, những vật người ta cho cô dâu, trà, những quan tiền đồng, tiền là tất cả những gì cần để nộp cheo cho làng và làm thành đồ sính lễ trao cho nhà gái”.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn:ST).

Ảnh minh hoạ. (Nguồn:ST).

Chúng ta đọc trong ca dao xưa thấy trai gái yêu nhau đôi khi còn tặng nhau đồ trang sức và thắt lưng. Anh chàng người yêu cũng nhờ cô gái vá quần áo cho mình. Anh còn đề nghị cắt cỏ giúp cô gái, đổ đầy thúng của cô, hái quả với cô.

Quan hệ nam, nữ nơi thôn dã dường như chỉ chờ mùa lễ hội đến để bùng nổ, khát khao tìm kiếm bản năng tuổi trẻ yêu đương. Họ công khai vui chơi giữa cộng đồng trong say sưa mà không e ngại. Nhà nghiên cứu Phạm Quỳnh trong bài nói chuyện về người “Nông dân Bắc Kỳ” cho biết: “Theo truyền thống làng là có một phong tục kỳ lạ: lễ hội kéo dài nhiều ngày. Đêm cuối cùng trước khi kết thúc, đàn ông, đàn bà, thanh niên nam nữ tập hợp tất cả trong đình và đến một lúc nhất định, tất cả đèn nến đều tắt… Thứ “hội hề trác táng” theo nghi lễ này là do thần ra lệnh, được truyền thống chuẩn y và phải thực hiện vì sự phồn vinh của làng và sức khỏe của dân”.

Như vậy, hội của làng quá sức phong phú, đa dạng, mỗi làng có mỗi trò khác nhau. Sau hương khói trầm mặc, linh thiêng, người dân tha hồ bay nhảy, bùng nổ, khát khao. Những con người rụt rè ngày nào quen với đồng áng đã biến mất, họ trở thành những người bạo dạn, say sưa thể hiện bản thân nơi chốn đông người. Tất cả đều muốn bừng sáng, sặc sỡ, vượt lên đối thủ để chinh phục được người mình thích. Nó giống như chuyện thần thoại, truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh nước dần, núi chuyển vì một người phụ nữ đẹp.

Hội hè miên man “rước xách nhiều phiền phí”

Nhà nghiên cứu người Pháp Pierre Gourou khảo sát cho biết, ở Đình Bảng (Bắc Ninh) có đến 80 ngày lễ công cộng hay bán công cộng trong năm. Ông cũng nhìn nhận rằng lễ hội ở vùng châu thổ sông Hồng rất đa dạng mang nhiều màu sắc tâm linh: “Ngoài những hội hè cúng thành hoàng làng, còn phải liệt vào lễ hội công cộng nhiều lễ hội trong năm để cầu thần xua đuổi bệnh tật đem lại bình an cho dân gọi là lễ cầu yên hay kỳ phúc… Những hội hè của nhóm hay của hội nhiều vô kể vì không nhóm nào hay hội nào mà không có những lễ hội riêng, kèm theo cỗ bàn ăn uống: hội của giáp của thôn, của tư văn… Những người già đến 60 tuổi phải làm cỗ mời những người già khác, các bà già cũng có cỗ bàn riêng…”. (trích “Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ - Nghiên cứu địa lý nhân văn”).

Ảnh minh hoạ. (Nguồn:ST).

Ảnh minh hoạ. (Nguồn:ST).

Lễ hội bùng nổ sau Tết, khiến cho cụ Phan Kế Bính viết trong “Việt Nam phong tục” thở than rằng: “Xét cái tục hội hè của ta rước xách nhiều phiền phí, ăn uống rất lôi thôi, chơi bời rất chán chê, thực là hại của mà lại mua lấy cái khó nhọc vào mình”. Ông cũng nói thêm, hội hè là dịp người ta chơi bời, cờ bạc, thanh niên bỏ cả công việc ở nhà đi hội, vậy thì “chẳng những vô ích mà lại cho làng xóm”.

Nhưng theo nhà sử học Trần Quốc Vượng thì, nói đến hội hè, đình đám là nói đến hội xuân, là nghĩ đến mùa xuân: “Có nam có nữ mới nên xuân/Có xôi có oản mới nên phần”. “Xuân là cái đẹp của thuở ban đầu, như mùa xuân là buổi khởi sinh của chu kỳ năm tháng”, nhà sử học Trần Quốc Vượng nhận định.

Hội hè, đình đám là một đặc trưng tinh thần không thể thiếu khi mùa xuân về. Cái Tết mang đến cho người dân nơi thôn dã tinh thần hứng khởi. Họ được nghỉ ngơi, ăn uống no đủ, được vui chơi quên ngày tháng. “Trong các làng mạc, kỳ mục tổ chức hội hè để đền bù cho những tháng ngày vất vả đã qua. Tất cả các trò chơi đều được kỳ mục đặt thành quy chế và giám sát. Người ta chẳng chừa cái gì cho sự ngẫu nhiên. Hơn nữa, đàn ông là kẻ chiếm ưu thế trong các hội xuân. Đàn bà không can dự vào việc tổ chức những hội đó. Đa số các trò chơi đều do đàn ông tổ chức, tất cả đều muốn tỏ ra mình là xuất sắc, dù là ở cuộc chơi cờ, chọi gà; dù là cuộc thả diều, thả bồ câu bay, hay ở hội hoa. Đàn bà chỉ dự các trò chơi này từ xa. Họ lợi dụng hội hè để đi cầu cúng ở các chùa chiền, hay xem bói về hậu vận mình” (trích “Sinh hoạt của người Việt” của Nguyễn Văn Huyên).

Với xứ sở nhiệt đới gió mùa ẩm ướt, người dân họ có toan tính cho mùa vụ để nuôi trồng, cày cấy, theo chu kỳ nhất định. Có làm lụng chăm chỉ, rồi nghỉ ngơi, thu hoạch, vui chơi. Họ theo những mùa trăng, ngày tháng, con nước, kinh nghiệm mưa bão… Ông Trần Quốc Vượng cho rằng sự bùng phát lễ hội dịp mùa xuân hay thu là quãng nghỉ nông nhàn quan trọng của người nông dân:

“Khi công việc nhà nông đã tương đối “nên công hoàn toàn”, ta tạm nghỉ một vài hôm, làm cúng tổ tiên để ăn (có khi ăn uống quá độ) và để chơi (có khi chơi bời thái quá). “Ăn chơi” trong một khoảng thời gian ngắn ngủi thôi, nhưng cũng dễ cực đoan, rồi lại làm lụng “hai sương một nắng”, “dãi gió dầm mưa”... Cái thái quá mà Giáo sư Trần Quốc Vượng nói trên thành ra nhiều cái “tệ nạn, hủ tục” gây lãng phí tiền của và sức khỏe dân chúng, như cụ Phan Kế Bính phê phán ở trên.

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cho rằng: “Để thoát ra khỏi tình trạng mà cụ Phan Kế Bính cảnh báo, cần có sự nỗ lực của cả xã hội. Cần nghiên cứu những biến động mới trong tâm lý xã hội. Cần tìm ra những cách tổ chức mới cho nhu cầu vừa là giải trí, vừa là hướng thượng cho con người. Mọi thứ mệnh lệnh không đủ, đến cả luật pháp nếu có chắc cũng bó tay. Cái mà chúng ta đang thiếu là văn hóa, không phải thứ văn hóa nặng về khoe mẽ và chiều nịnh nhau, mà là thứ văn hóa của trí tuệ”.

Hội hè, đình đám, có khen, có chê cũng là bình thường. Nó vẫn diễn ra, vẫn chứa đựng nhiều ý nghĩa tích cực về nhu cầu của dân làng, thôn xóm. Đó là khi dân làng có tính kết nối, cảm thông, đồng hóa với thần linh và hội hè thâu đêm suốt sáng.

Đọc thêm