Khai xuân với những phong tục truyền thống còn mãi với thời gian

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tết Nguyên đán là ngày lễ cổ truyền lớn nhất và cũng là ngày quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt. Cũng vì vậy nên nhắc đến Tết Nguyên đán là nhắc đến những phong tục truyền thống đã được gìn giữ và lưu truyền qua bao thế hệ. Trong số đó, có một phong tục đặc sắc gồm chuỗi hoạt động mang ý nghĩa tốt lành diễn ra vào những ngày đầu năm mới, được gọi chung là khai xuân.
Khai bút đầu xuân là phong tục thể hiện sự hiếu học của người Việt. (Ảnh trong bài: PV)
Khai bút đầu xuân là phong tục thể hiện sự hiếu học của người Việt. (Ảnh trong bài: PV)

Khai xuân là một thuật ngữ trong văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc Á Đông, bao gồm cả Việt Nam. Với ý nghĩa mở cửa xuân, khai xuân tức là bắt đầu một năm mới với những lễ hội, nghi lễ và hoạt động tràn đầy niềm vui. Khai xuân thường diễn ra vào những ngày đầu tiên của năm mới và được tổ chức trên khắp các quốc gia có văn hóa truyền thống này. Tuy vậy, mỗi vùng miền, dân tộc, quốc gia lại có những phong tục truyền thống riêng trong dịp khai xuân, tùy thuộc vào văn hóa và tín ngưỡng đặc trưng của từng nơi.

Tại Việt Nam, khai xuân có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, không chỉ đơn thuần là một phong tục mà còn là một phần quan trọng trong cấu trúc văn hóa dân tộc, gắn liền với nhiều hoạt động tốt đẹp. Đã thành thông lệ, vào những ngày đầu năm mới, trên khắp mọi miền Tổ quốc, người người, nhà nhà nô nức khai xuân với những hoạt động, phong tục đậm nét văn hóa. Những hoạt động này không chỉ giữ gìn giá trị truyền thống mà còn là dịp để gắn kết cộng đồng, thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ và là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn.

Đầu năm đi lễ cầu may

Một trong những hoạt động thường diễn ra trong dịp khai xuân là đi lễ đầu năm, đây là phong tục luôn được người Việt trân trọng, gìn giữ và phát huy suốt bao đời nay. Trong tâm thức người Việt, Tết không chỉ mang ý nghĩa của việc tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới, mà còn mang đậm nét tâm linh, tín ngưỡng. Do đó, ngoài tục lệ cúng gia tiên, khi xưa người dân thường chọn khoảnh khắc đầu tiên của năm mới để đi chùa lễ Phật hoặc đến đền, miếu, phủ gửi gắm những ước vọng của bản thân như cầu an, cầu tài, cầu lộc vào cõi thiêng.

Phong tục này từng được cụ Nguyễn Văn Huyên nói rất kỹ trong cuốn “Hội hè lễ Tết người Việt” rằng đêm giao thừa đón năm mới được đánh dấu bằng những “cuộc đi lễ đền chùa”. Cụ thể là “Ai cũng lấy làm vui thích và tự thấy mình có bổn phận phải ra đình và đến các đền chùa. Chẳng đêm nào thú vị và đẹp như đêm ấy. Đúng là một điều vui thích hiếm có khi được thức đêm đó ngoài trời. Ở tất cả các đền chùa này, nghi ngút đèn hương, mọi người, cả già lẫn trẻ đến dâng lên chư Phật cùng những thần linh khác những lời cầu nguyện đầu tiên. Ta có cảm tưởng sống một cuộc sống thật thanh bình, sâu lắng giữa đám đông sùng mộ, giản dị và thành tâm”.

Ngày nay, phong tục đi lễ đầu năm vẫn giữ được giá trị nguyên vẹn trong không khí Tết hiện đại. Minh chứng rõ nét nhất là khoảnh khắc ngay sau giờ phút giao thừa, khi năm cũ khép lại và năm mới bắt đầu, rất nhiều gia đình tổ chức đi lễ. Thời điểm đó, những sân chùa, sân đình bỗng trở nên đông đúc, người già, người trẻ chắp tay niệm Phật, gửi gắm những lời cầu nguyện. Có người cầu tài, cầu lộc, cầu duyên, có người mong sức khỏe, bình an cho bản thân và gia đình. Cũng có những người đến chùa chỉ để tìm kiếm sự an yên, tạm gác lại những bộn bề, lo toan của cuộc sống.

Ngay sau Tết Nguyên đán cũng là khoảng thời gian các lễ hội truyền thống được tổ chức rộn ràng khắp các vùng miền trên cả nước. Có những lễ hội kéo dài một tuần, nhưng cũng có lễ hội diễn ra suốt một tháng hoặc thậm chí đến tận tháng Ba âm lịch. Cũng chính vì thế, nguyên tháng Giêng người dân từ khắp nơi nô nức đi đền chùa, tham gia lễ hội như một cách hòa mình vào không khí du xuân. Phan Kế Bính viết trong “Việt Nam phong tục” đã từng mô tả: “Suốt một tháng Giêng, già trẻ, trai gái, kẻ chợ nhà quê, quần điều áo thắm, kẻ thì lễ bái chùa này, miếu nọ, người thì du ngoạn cảnh nọ, cảnh kia, chỗ thì thi hoa thủy tiên, chỗ thì thi hoa đăng, chỗ thì hội hè hát xướng”.

Có thể thấy, từ xưa đến nay, người Việt tin rằng, đi lễ đầu năm không đơn thuần chỉ để ước nguyện, mà còn là dịp để con người tìm về chốn tâm linh, buông bỏ những nhọc nhằn đời thường, đồng thời tận hưởng khoảnh khắc du xuân, vãn cảnh. Phong tục đi lễ đầu năm vì thế trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt. Dù cuộc sống ngày càng hiện đại và phát triển, phong tục văn hóa tín ngưỡng này vẫn luôn được trân trọng và gìn giữ như một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người Việt.

Đầu năm đi lễ chính là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người Việt.

Đầu năm đi lễ chính là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người Việt.

Nét đẹp khai bút đầu xuân

Ngoài phong tục đi lễ đầu năm, dịp khai xuân còn gắn liền với nhiều tập tục ý nghĩa, được coi là thuần phong mỹ tục của dân tộc. Trong số đó, tục khai bút đầu xuân nổi bật như một nét đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần trọng học, trọng tri thức của người Việt mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Theo sử sách, nguồn gốc của tục khai bút đầu xuân gắn liền với hình ảnh thầy giáo Chu Văn An (1292 - 1370), một bậc hiền tài dưới thời nhà Trần. Ông đỗ Thái học sinh nhưng không làm quan mà mà về quê gắn bó với công việc đèn sách. Sau này, khi triều đình suy thoái, ông cáo quan, về ẩn cư tại núi Phượng Hoàng, tiếp tục dạy học và truyền bá tri thức.

Sau này, ông được Vua Trần Minh Tông mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy học cho thái tử và phò giúp vua. Đến thời Vua Trần Dụ Tông, triều đình rối ren, ông khuyên can vua và dâng “thất trảm sớ” nhưng đều bất thành. Ông cáo quan về núi Phượng Hoàng ở ẩn, tiếp tục dạy học và truyền bá tri thức. Tương truyền, mỗi khi học trò về thăm, thầy Chu Văn An thường tự tay viết tặng họ một chữ để khích lệ, thể hiện lòng tin yêu và sự kỳ vọng. Từ đó, tục khai bút dần lan rộng trong giới học sĩ, trở thành biểu tượng cho truyền thống “tôn sư trọng đạo” và tinh thần hiếu học.

Ngoài ra, người Việt cũng quan niệm cây bút là công cụ gắn bó giữa đời sống trí tuệ và tâm hồn. Điều này một lần nữa khẳng định khai bút không chỉ đơn thuần là một phong tục, mà còn mang ý nghĩa tôn vinh tri thức và khơi dậy quyết tâm học tập, rèn luyện của mỗi người. Với niềm tin tri thức là cánh cửa mở ra thành công và thịnh vượng, phong tục khai bút đầu xuân không chỉ tượng trưng cho sự khởi đầu một sự nghiệp, sự học mà gửi gắm ước vọng về một năm mới hanh thông, hạnh phúc và đạt nhiều thành tựu.

Thời xưa, tục khai bút thường chỉ được thực hiện bởi các ông đồ, nhà nho hay người trí thức. Sau thời khắc giao thừa hoặc vào mồng 1 Tết, họ đốt lư trầm, dùng bút mới, mài mực tàu và viết lên giấy hoa tiêu hoặc hồng điều. Có người chỉ viết ngày, tháng để tượng trưng, có người sáng tác cả một bài văn hoặc bày tỏ tâm nguyện qua từng nét chữ. Cũng có những ông đồ hay nho sĩ khi khai bút lại thường viết câu đối hoặc một chữ đẹp để treo trong nhà vào dịp Tết.

Ngày nay, phong tục khai bút đã trở nên phổ biến và gần gũi hơn. Không chỉ các học giả, nhà văn hay nhà thơ, học sinh, sinh viên và cả những người bình thường cũng chọn khai bút đầu xuân để đánh dấu khởi đầu năm mới. Người thì viết lời chúc, giải một bài toán hay làm một đề văn, người lại khai bút bằng công việc hằng ngày của mình. Đặc biệt, hình ảnh các ông đồ miệt mài cho chữ ngày xuân trên phố phường xuất hiện vào những ngày đầu năm là minh chứng cho thấy phong tục khai bút vẫn chưa phai nhạt.

Có thể thấy, dẫu hình thức và nội dung phong tục khai bút đã phần nào đổi thay nhưng giá trị truyền thống vẫn được lưu giữ, như một lời nhắc nhở về sự nỗ lực và kỳ vọng vào những thành công mới trong năm. Dù không còn là một nghi lễ bắt buộc trong ngày Tết nhưng khai bút vẫn được trân trọng, là biểu tượng cho truyền thống hiếu học và tinh thần “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh các hoạt động như đi lễ đầu năm, khai bút, còn có nhiều phong tục khai xuân ý nghĩa khác như hái lộc, trồng cây, xin nước đầu năm,... Mỗi ngành nghề cũng có nghi thức riêng như khai bếp, khai máy, khai phím,… tất cả đều hướng đến hy vọng về một năm an lành, thuận lợi. Đây cũng là dịp các cơ quan, doanh nghiệp hay nhà máy tổ chức lễ khai trương để khởi đầu năm mới đầy thuận lợi.

Theo thời gian, không thể phủ nhận rằng Tết ngày nay đã có nhiều đổi thay. Dẫu vậy, những phong tục truyền thống trước, trong và sau Tết cổ truyền vẫn luôn là biểu tượng sinh động, phong phú và đặc sắc nhất của văn hoá Tết, góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đọc thêm