Sắp diễn ra tọa đàm 'Nghiên cứu khoa học về giải pháp không khói để hỗ trợ quản lý thuốc lá'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 1/8, tại Hà Nội, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tổ chức Tọa đàm “Nghiên cứu khoa học về giải pháp không khói để hỗ trợ quản lý thuốc lá” nhằm mang đến góc nhìn toàn diện về các nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đối với thuốc lá mới cùng kinh nghiệm quốc tế liên quan mặt hàng này.
Tọa đàm sẽ diễn ra vào ngày 01/08 tại Hà Nội.
Tọa đàm sẽ diễn ra vào ngày 01/08 tại Hà Nội.

Tọa đàm có sự góp mặt của đại diện các Bộ, ngành liên quan, bao gồm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; các cơ quan trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tư pháp; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Quốc hội; các chuyên gia y tế của Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện K Trung ương cùng đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Thông qua những trao đổi về các khía cạnh khoa học của thuốc lá mới, Tọa đàm sẽ ghi nhận những đề xuất nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan thuốc lá mới, ngăn chặn nạn buôn lậu để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Các loại thuốc lá mới như thuốc lá làm nóng (TLLN), thuốc lá điện tử (TLĐT) đã hiện diện tại thị trường Việt Nam khoảng một thập kỷ qua. Tuy nhiên, chính sách với các sản phẩm này chưa có sự thống nhất của các Bộ, ngành liên quan.

Mới đây, Bộ Công Thương đã xin tạm hoãn đề xuất thí điểm quản lý TLLN và đợi Bộ Y tế bổ sung các nghiên cứu, đánh giá khoa học toàn diện chính thức, trước khi hoàn thiện Nghị định 67 sửa đổi. Theo đó, Bộ Y tế sẽ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp liên quan TLLN, thuốc lá điện tử (TLĐT) theo Công điện 47/CĐ-TTg của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thông qua những trao đổi về các khía cạnh khoa học, Tọa đàm sẽ ghi nhận những đề xuất nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan thuốc lá mới, ngăn chặn nạn buôn lậu để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Song, tính đến nay, ngoài 3 tiêu chuẩn quốc gia về TLLN do Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) ban hành từ năm 2020, Việt Nam vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học thực nghiệm toàn diện về thuốc lá mới.

Trong khi đó, nhiều tổ chức y tế quốc tế uy tín cùng Chính phủ các nước tiên tiến đã đưa ra những nghiên cứu khoa học về đa dạng khía cạnh của sản phẩm này, bao gồm báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Bộ Y tế Nhật Bản, Anh quốc, Liên minh châu Âu… Các nghiên cứu này đưa ra góc nhìn TLLN là sản phẩm thuốc lá, đưa ra nhận định về hàm lượng các chất gây hại trong khí hơi của sản phẩm này so với khói của thuốc lá điếu.

Câu hỏi đặt ra là, trong lúc chờ đợi hoàn thiện nghiên cứu khoa học trong nước, việc tham khảo, công nhận những kết quả nghiên cứu quốc tế hiện hữu để nhanh chóng đưa ra phương án nào tối ưu, nhất là trong bối cảnh vấn nạn buôn lậu thuốc lá mới ngày càng leo thang và nhắm đến giới trẻ, tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe cho người dùng?

Để sớm giải quyết vấn đề trên, Toạ đàm sẽ là nơi để các cơ quan ban, ngành và các chuyên gia cùng đưa ra giải pháp thiết thực nhằm cùng nhau thảo luận có ứng xử phù hợp với TLLN, TLĐT. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam thể hiện năng lực về kiểm soát mọi loại sản phẩm thuốc lá hiện diện trên thị trường, góp phần củng cố thành tựu phòng, chống tác hại thuốc lá của quốc gia.

Tiếp nối nỗ lực tuyên truyền phòng chống tác hại của khói thuốc từ năm 2020-2023, Tọa đàm lần này của Báo Pháp luật Việt Nam được kỳ vọng sẽ thêm cơ sở nhằm giải đáp những quan ngại của cộng đồng đối với các vấn đề liên quan thuốc lá mới.

Mọi thông tin chi tiết của Tọa đàm được cập nhật liên tục trên Báo Pháp luật Việt Nam. Mời quý độc giả theo dõi và đón xem.

Đọc thêm