Theo quy định tại Điều 2, 8, 33, 75 và 76 Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), không chỉ có cá nhân, mà pháp nhân cũng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS). Đánh giá của UBTVQH, quy định TNHS của pháp nhân vào BLHS là nội dung thay đổi quan trọng trong chính sách hình sự, khẳng định quan điểm của Nhà nước ta trong việc xử lý nghiêm minh các pháp nhân vi phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Quy định này không chỉ bảo đảm sự thống nhất chung của hệ thống pháp luật mà còn nhằm thực thi các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, bảo đảm công bằng giữa pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài và pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Thể hiện quan điểm về vấn đề này, đại diện cho cử tri Tp Đà Nẵng, ĐB Thân Đức Nam - TP Đà Nẵng - nhận định: Quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân trong Bộ luật hình sự là sự cần thiết. Quy định này sẽ là công cụ hữu hiệu để pháp nhân không ngừng giữ gìn uy tín của pháp nhân hoạt động hợp pháp, tôn trọng lợi ích hợp pháp của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Bên cạnh đó cũng để những người đại diện pháp nhân, người quản lý điều hành pháp nhân, nhân viên của pháp nhân nêu cao trách nhiệm đối với pháp nhân nhằm đảo bảo sự tồn tại và phát triển của pháp nhân. Ông cũng đề nghị quy định rõ những pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự là doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu.
ĐB Thân Đức Nam - TP Đà Nẵng - phát biểu góp ý Dự thảo BLHS sửa đổi |
Lấy dẫn chứng từ thực tế việc vi phạm của pháp nhân xuất phát từ thực tiễn trong thời gian qua từ Bắc tới miền Trung, miền Nam, đặc biệt là tình trạng doanh nghiệp xả nước thải gây ô nhiễm môi trường, làm cho nhân dân bất bình và gây hậu quả rất nghiêm trọng…. ĐB Phạm Văn Hà - Nghệ An - cho rằng rất cần thiết phải đưa chế định này vào luật. Tuy nhiên ông đề nghị chỉ nên quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại.
“Việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, đây là lần đầu tiên quy định trong BLHS là đòi hỏi cấp bách của Nhân dân, của Nhà nước trong việc xử lý nghiêm minh các pháp nhân vi phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm trong tình hình mới và đảm bảo công bằng giữa pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài với pháp nhân nước ngoài ở Việt Nam. Điều này rất quan trọng, đòi hỏi sự công bằng giữa pháp nhân Việt Nam và pháp nhân nước ngoài” – ông nói.
ĐB Trần Hồng Hà - Vĩnh Phúc - cũng khẳng định việc bổ sung quy định TNHS của pháp nhân vào BLHS là một trong những nội dung mang tính đột phá, thể hiện sự đổi mới nhận thức trong việc sửa đổi Luật lần này.
“Việc bổ sung quy định TNHS của pháp nhân thời điểm này là cần thiết vì tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện diễn ra phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng gây hậu quả xấu đến môi trường sống của người dân, đồng thời gây mất trật tự an toàn xã hội” – ĐB tỉnh Vĩnh Phúc nêu quan điểm.
Nhận định quy định TNHS của pháp nhân là điểm mới trong quá trình đổi mới tư duy về chính sách hình sự, thể hiện thái độ nghiêm khắc của Nhà nước đối với các hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân, ĐB Tô Văn Tám - Kon Tum - cũng cho rằng đây là yêu cầu trong phòng, chống tội phạm và nguyện vọng khẩn thiết của Nhân dân.
Tuy nhiên, ĐB Tô Văn Tám lưu ý Ban soạn thảo cần tính đến quyền lợi của người lao động khi pháp nhân phải chịu TNHS. “Khi pháp nhân phạm tội, pháp nhân chịu hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì quyền lợi của người lao động sẽ ra sao?. Họ có lỗi không và có phải chịu hậu quả pháp lý với pháp nhân hay không? Tôi cho rằng pháp nhân phạm tội đó là lỗi của pháp nhân chứ người lao động không có lỗi, họ chỉ là người làm công ăn lương cho pháp nhân mà thôi, quyền lợi của họ cần được bảo vệ” – ông nói.
Phát biểu trong nghị trường, ĐB Nguyễn Trung Thu - Long An – khẳng định: “Bổ sung quy định TNHS của pháp nhân vào thời điểm này là cần thiết và đúng lúc. Vì hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện diễn ra phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống yên lành của người dân và gây mất trật tự an toàn xã hội.”
ĐB Nguyễn Trung Thu - Long An- phát biểu góp ý Dự thảo BLHS sửa đổi |
Đồng tình quan điểm bổ sung chế định pháp nhân là chủ thể trong luật Hình sự, nhưng về vấn đề “khoanh vùng” lĩnh vực phải chịu TNHS, Phạm Đức Châu - Quảng Trị, lo lắng nếu quy định pháp nhân chỉ chịu TNHS ở 40 tội danh như dự thảo, là chưa đầy đủ. Ví dụ tội tàng trữ vận chuyển lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá trị giả khác, Điều 209; tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán niêm yết chứng khoán, Điều 213; tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, Điều 215, Điều 216... Đối với những tội này nếu không được quy định pháp nhân phải chịu TNHS là bỏ lọt tội phạm.
ĐB Châu cũng yêu cầu mở rộng đối tượng pháp nhân phải chịu TNHS. Theo ông, nếu quy định pháp nhân là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội nếu phạm tội cũng không bị coi là tội phạm, và không phải chịu trách nhiệm hình sự là trái với nguyên tắc "Mọi pháp nhân phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế".
“Khi chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 thì không có lý do gì để phân biệt như vậy. Tôi đề nghị nếu coi pháp nhân là chủ thể của tội phạm thì phải áp dụng cho mọi pháp nhân”.