Trần Cao Vân là một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp tại miền Trung, do Việt Nam Quang Phục Hội chủ xướng. Ông sinh năm Bính Dần (1866) tại làng Tư Phú, tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Ông tên thật là Trần Công Thọ, lúc lớn lên từng học và đi thi lấy tên là Trần Cao Đệ, lúc vào chùa lấy pháp danh là Như Ý, khi ra hoạt động cách mạng đổi tên là Trần Cao Vân, biệt hiệu là Hồng Việt và Chánh Minh, còn có biệt danh là Bạch Sĩ.
Ông lãnh đạo khởi nghĩa cùng Vua Duy Tân và Thái Phiên năm 1916 và có thời gian hoạt động tại Phú Yên (tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Võ Trứ). Cuộc khởi nghĩa Vua Duy Tân bị lộ kế hoạch nên thất bại, ông bị chém cùng với Thái Phiên và một số người khác. Vua Duy Tân thì bị bắt đi lưu đày ở đảo Réunion nằm giữa Ấn Độ Dương, nơi cha là Vua Thành Thái cũng bị lưu đày.
Tên ông hiện tại được đặt cho các đường phố tại nhiều nơi trên cả nước như Hà Nội, thành phố Hạ Long, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình... Tại TP. Hồ Chí Minh, đường Trần Cao Vân là con đường ở khu trung tâm, nối từ hồ Con Rùa đến đường Mạc Đỉnh Chi và một con đường nhỏ tại phường 12, quận Phú Nhuận.
Phương án “Khu di tích lưu niệm chí sĩ Trần Cao Vân” bao gồm các hạng mục: cổng lối vào, nhà tưởng niệm, ao sen, nhà trưng bày và thư viện, cùng cảnh quan công viên, thác nước, đồi cỏ… tạo thành một công viên văn hóa. Ngoài ra còn bố trí một số tượng danh nhân cùng thời, gắn liền với các hoạt động của Cụ trong cuộc khởi nghĩa Võ Trứ và cuộc khởi nghĩa Vua Duy Tân như Tổng trấn Bắc thành Hoàng Diệu, Phan Thành Tài, Trần Công Chương, Lê Đình Dương...
KTS Trần Công Quốc, cháu chí sĩ Trần Cao Vân, tác giả kiêm chủ nhiệm đề án “Khu di tích lưu niệm chí sĩ Trần Cao Vân” cho biết: “Chí sĩ Trần Cao Vân là một nhà cách mạng lớn, đã cống hiến cả cuộc đời mình trong sự nghiệp đấu tranh giành nước và giữ nước của dân tộc. Gương hi sinh của Cụ là cả một giá trị lớn lao về mặt nhân cách, lòng yêu nước và tinh thần tự cường dân tộc. Tấm gương ấy là niềm tự hào và chứa đựng một giá trị giáo dục sâu sắc đối với các thế hệ hôm nay”.
Khu di tích được xây dựng trong khuôn viên với diện tích 1.800m2 tại thôn Phú Đông, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nguồn đất thuộc quỹ dự phòng địa phương dành cho các công trình văn hóa do UBND xã Điện Quang quản lý.
Tổng giá trị công trình gần 3 tỷ đồng (chưa tính giá trị đất). Nguồn vốn để xây dựng khu di tích, 65% được vận động trong dòng họ Trần Công và 35% còn lại được vận động từ các tổ chức chính quyền, đoàn thể, xã hội.
Công trình đã được thi công đến khoảng 70% khối lượng nhà tưởng niệm và Ban tổ chức đang tiếp tục vận động tài chính để hoàn thành khối lượng còn lại nhằm kịp khánh thành trong năm 2017.