Sắp mở lại phiên xử vụ 'cố ý gây thương tích' tại Đắk R’lấp (Đắk Nông): Cần làm rõ một số tình tiết quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dự kiến ngày 16/7/2024, TAND huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) sẽ mở lại phiên sơ thẩm vụ án “cố ý gây thương tích” sau nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Cả 4 bị cáo đều kêu oan. (Ảnh: Bắc Linh)
Cả 4 bị cáo đều kêu oan. (Ảnh: Bắc Linh)

Vụ án nhiều lần trả hồ sơ

Như Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) đã phản ánh, ngày 5/3/2024, TAND huyện Đắk R’lấp đã mở phiên xử vụ cố ý gây thương tích theo cáo trạng 13/CT-VKS-ĐL ngày 2/2/2024 của VKSND huyện và Kết luận điều tra (KLĐT) số 60 ngày 20/9/2023 của Cơ quan CSĐT - Công an huyện.

Bốn bị cáo Lê Công Hùng, Nguyễn Hoàn Vũ (còn gọi Vũ Mập), Tạ Bùi Trọng Hiếu (cùng SN 2004) và Lê Anh Hoàng (SN 2001, cùng ngụ xã Đắk Ru) bị truy tố về tội cố ý gây thương tích theo điểm d khoản 4 Điều 134 BLHS.

Bị hại trong vụ án là P.Đ.D.Th (SN 2008) và N.Đ.T (SN 2008, cùng ngụ xã Quảng Tín).

Theo cáo trạng, khoảng 20h ngày 29/12/2022, Th chạy xe máy chở T đến thôn 6, xã Đắk Ru. Lúc về thì xe hết xăng, Th điện thoại cho người bạn đến phụ đưa xe đi đổ xăng. Trong lúc chờ bạn tới, Th và T dắt xe qua lại trước quán cà phê.

Lúc này, Hùng cùng Hoàng có mặt tại quán cà phê. Do Hùng chơi game bằng điện thoại lớn tiếng, giữa nhóm Th, T mâu thuẫn với Hùng, nhưng không xảy ra xô xát. Đến khoảng 21h30, nhóm bạn của Th đi xe máy đến. Th nói với người bạn rằng Hùng khiêu khích mình. Cả nhóm điều khiển xe nẹt pô trước quán, một người nói: “Chặt (…) tụi nó đi”.Nhóm của Th đẩy xe đi đổ xăng xong, rồi quay về thì gặp nhóm của Hùng, Vũ Mập, Hoàng, Hiếu đi ngược lại. Hùng đem theo con dao. Hùng nhảy khỏi xe do Vũ Mập chở, chạy lại định nói chuyện thì Th và T bỏ đi.

Theo cơ quan tố tụng, Hùng khua dao vào mông T (trong khi Hùng thì khai trúng pô xe - NV), gây thương tích 2%. Còn Th điều khiển xe gắn máy do hoảng sợ nên lạc tay lái và lách một nhân viên trạm thu phí nên tông vào barie bằng sắt (loại dùng để đóng làn, còn gọi là barie thủ công). Cả Th và T té ngay tại trạm thu phí Cai Chanh (tỉnh Đắk Nông). Th bị thương tích 83%.

Tại phiên xử ngày 5/3, do thiếu nhiều người làm chứng, và một số tình tiết chưa được làm rõ, nên toà tạm dừng đến 11/3.

Trong phiên xử ngày 11/3, toà tiếp tục hoãn xử đến ngày 28/3 do thiếu người làm chứng và chưa xác định được ai điều khiển xe lúc bị té.

Phiên toà vào ngày 28/3 tiếp tục hoãn đến ngày 24/4/2024 mới xử lại. HĐXX chấp nhận đề nghị của Luật sư (LS) Nguyễn Hồng Cơ (Đoàn LS TPHCM, người bào chữa cho 4 bị cáo) trả hồ sơ cho VKSND huyện điều tra một số tình tiết chưa rõ, trong đó có tình tiết một số vật chứng quan trọng là chiếc xe bị hại điều khiển khi bị ngã và con dao gây án, đều chưa được tìm thấy.

Như vậy, trong vụ án này, toà đã trả hồ sơ cho VKS một lần; VKS trả hồ sơ cho Cơ quan CSĐT 2 lần.

Cần làm rõ một số tình tiết quan trọng

Trước ngày tòa mở lại phiên xử dự kiến ngày 16/7/2024, hồ sơ cho thấy một số tình tiết mà HĐXX yêu cầu làm rõ, nhưng vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Thứ nhất, là xác minh chiếc xe máy mà bị hại điều khiển. Theo lời khai của chủ xe, thì đó là xe Susuki Sport sản xuất khoảng năm 1997 - 1998. Sau khi sự việc xảy ra khoảng 1 tuần, chủ xe đưa xe về nhà nhưng tang vật này không bị tạm giữ. Sau đó chiếc xe “biến mất”, hiện vẫn chưa tìm thấy. “Không loại trừ tình huống đây là chiếc xe “độ chế”, xe gian, nên chiếc xe này đã bị ai đó cắt sắt vụn “thủ tiêu””, LS Cơ nhận định.

Do chưa tìm thấy chiếc xe tang vật, nên CQĐT đã ít nhất 3 lần thực nghiệm bằng xe khác (xe Dream, và Susuki Sport đời cao hơn). Tuy nhiên, LS Cơ cho rằng việc thực nghiệm bằng xe khác là không thể đúng với bản chất vụ án, vì chiếc xe tang vật có thể đã được độ chế, thay đổi kết cấu, thay đổi máy móc để nhỏ gọn hơn, mạnh hơn.

Thứ hai, là việc xác minh ai là người điều khiển chiếc xe, nạn nhân T hay nạn nhân Th? Phía hai bị hại T và Th, cho rằng Th là người cầm lái. Tuy nhiên, cả 4 bị cáo đều cho rằng T mới là người cầm lái. Người làm chứng là nhân viên trạm thu phí cũng nói người cầm lái là T.

Về phía Th, do thương tật nặng nên nay không thể thực nghiệm hiện trường. Tuy nhiên các lần thực nghiệm, CQĐT cũng không yêu cầu T thực nghiệm; mà lại nhờ người khác thực nghiệm thay.

Các đoạn clip tại hiện trường thu được mờ, giám định không xác định được ai là người điều khiển xe.

Thứ ba, con dao gây án cũng chưa được tìm thấy, dù bị cáo Hùng khai sau khi sự việc xảy ra, đã ném con dao tại bãi cỏ gần trạm thu phí. Bị cáo Hùng mô tả là dao mũi quắm. Theo LS Cơ, theo cơ chế hình thành vết thương do dao quắm gây ra, thì thương tích phải có vết lõm do mũi dao bổ vào. Trong khi thương tích của bị hại T lại là vết thương phẳng.

Việc chưa tìm thấy chiếc xe và con dao, còn dẫn đến thực tế không có chứng cứ để làm rõ lời khai của bị cáo Hùng là khua dao trúng pô xe máy, chứ không trúng mông bị hại T.

Tại các phiên xử trước đây, chiếc xe trong vụ án được cơ quan tố tụng cho biết đã “không tìm thấy”. Con dao gây án cũng chưa thu được. “Chứng cứ là vấn đề quan trọng nhất trong mọi vụ án. Hiện trường vụ án dẫn đến thương tích 83% mà chưa thể thực nghiệm khách quan chính xác do chiếc xe đã mất và con dao không tìm thấy, một phần nguyên nhân vì cơ quan tố tụng không kịp thời tìm kiếm tạm giữ vật chứng, khiến chưa thể làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án; nên cần áp dụng nguyên tắc suy đoán có lợi cho các bị cáo”, LS Cơ nói.

Trước đó, theo KLĐT và cáo trạng, nhân chứng là mẹ con bà chủ quán cà phê khai thấy bị cáo Hùng rủ 3 đồng phạm đi đánh lộn. Tuy nhiên, 4 bị cáo không đồng ý với quan điểm trên, mà cho rằng trên đường đi thì tình cờ gặp Th và T chạy ngược lại; Hùng kêu dừng nói chuyện không được nên mới khua dao trúng pô xe. Về phía Vũ Mập, Hoàng, Hiếu cho rằng không đem theo hung khí gì, không hò hét, không tác động gì đến thân thể của Th và T.

Đọc thêm