Để thực hiện thành công mục tiêu sáp nhập thôn, tổ dân phố (TDP), Vĩnh Phúc chỉ đạo các cấp, ngành, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc. Trên toàn tỉnh có 200 thôn, TDP thuộc diện bắt buộc phải sáp nhập và 74 thôn, TDP thuộc diện khuyến khích sáp nhập.
Bà Nguyễn Thị Cảnh, thôn Chám, xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên cho biết, việc sáp nhập giữa thôn Chám và thôn Xứ, đổi tên thành thôn Chám cũng không ảnh hưởng tới đời sống của người dân, ngược lại, việc sáp nhập góp phần đưa phong trào của thôn phát triển mạnh hơn. Người dân có thể khai thác sử dụng chung nhà văn hóa thôn Xứ (cũ) để làm nơi luyện tập thể dục thể thao hàng ngày.
Căn cứ vào thông tư của Bộ Nội vụ, văn bản, kế hoạch, nghị quyết của tỉnh, các thôn, TDP có số hộ gia đình đạt dưới 50% so với điều kiện về quy mô số hộ gia đình đối với thôn, TDP theo quy định phải thực hiện sáp nhập.
Từ 1.379 thôn, TDP, Vĩnh Phúc thực hiện sáp nhập 274 thôn, TDP để thành lập 131 thôn, TDP (giảm được 143 thôn, TDP), đổi tên 21 thôn, TDP. Sau khi sáp nhập, toàn tỉnh còn 1.236 thôn, TDP. Điều đáng ghi nhận là việc sáp nhập thôn, TDP nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân địa phương.
Nhận được sự đồng thuận của người dân, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên sáp nhập từ 18 thôn, xuống còn 10 thôn. Đến nay, các thôn đã kiện toàn xong các chức danh cán bộ thôn và đi vào hoạt động hiệu quả.
Thực tế như tại thôn Quảng Khai, xã Thiện Kế, sau khi thực hiện sáp nhập giữa 2 thôn Rừng Cuông và thôn Quảng Khai, đổi tên thành thôn Quảng Khai, đến nay, thôn có 259 hộ dân.
Việc sáp nhập thôn không chỉ góp phần tạo mối quan hệ đoàn kết giữa các hộ dân mà khi số hộ dân trong thôn tăng gấp đôi đồng nghĩa với việc các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao thời gian qua đã thu hút thêm đông đảo quần chúng nhân tham gia.
Đồng thời, công tác lãnh đạo ở chi bộ, các hoạt động của tổ chức chính trị, đoàn thể cũng hoạt động mạnh mẽ, mang lại hiệu quả cao hơn.
Bí thư Chi bộ thôn Quảng Khai Nguyễn Văn Lịch cho biết: Sau khi sáp nhập thôn, TDP, toàn tỉnh giảm được 700 cán bộ hoạt động không chuyên trách của thôn, TDP, tiết kiệm hơn 1,3 tỷ đồng cho ngân sá ch nhà nước/tháng. Không chỉ giảm bộ máy cồng kềnh, từ nguồn kinh phí tiết kiệm trả lương cho đội ngũ cán bộ hoạt động không chuyên trách ở thôn, TDP sẽ giúp các địa phương có thêm nguồn ngân sách để đầu tư hạ tầng, cũng như nâng cao nguồn nhân lực, đời sống cán bộ thôn, TDP.
Theo Chủ tịch UBND xã Văn Quán, huyện Lập Thạch Vũ Viết Văn, sau khi xã sáp nhập từ 16 thôn xuống còn 8 thôn, các thôn hoạt động hiệu quả rõ rệt. Bộ máy tinh gọn, đội ngũ cán bộ ở các thôn nâng cao tinh thần, trách nhiệm; hoạt động phong trào ở các khối đoàn thể phát triển sôi nổi; nghị quyết ở chi bộ thôn mang tính khả thi, đi vào đời sống hơn.
Trước đây, khi chưa sáp nhập, thôn Sa Phùng và thôn Sa Sơn, xã Văn Quán chỉ có hơn 100 hộ dân, việc tập hợp được quần chúng nhân dân tham gia các phong trào, hoạt động ở các thôn cũng gặp nhiều khó khăn do dân số ít. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập 2 thôn Sa Phùng và Sa Sơn, đổi tên là Sơn Phùng, số hộ dân của thôn là 236 hộ, dân cư đông, hoạt động phong trào của thôn mạnh lên.
Theo đánh giá của Sở Nội vụ, việc sáp nhập thôn, TDP là bước đi quan trọng, các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu đã nêu cao được vai trò, trách nhiệm, gương mẫu. Nhờ đó, tỉnh sớm tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong các cấp ủy, chính quyền và nhân dân.
Thực tiễn, việc sáp nhập thôn, TDP không chỉ tạo được sự đồng thuận cao của người dân mà bước đầu bộ máy ở các thôn, TDP cũng đi vào hoạt động có hiệu quả, hiệu lực hơn. Từ đó, việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước được thôn, TDP triển khai kịp thời, hiệu quả; góp phần ổn định, nâng cao đời sống của người dân địa phương./.