Sát hạch đạo đức và từ chức

Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đang đứng trước khó khăn khi Thủ tướng chờ được chính thức bổ nhiệm, ông Kim Tae-ho, ngày 29-8 đã đề nghị từ chức trong lúc có những chỉ trích, ngờ vực về sự thanh liêm và đạo đức của ông. Động thái này được đưa ra chỉ 3 tuần sau khi ông được Tổng thống Lee Myung-bak bổ nhiệm. 

Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đang đứng trước khó khăn khi Thủ tướng chờ được chính thức bổ nhiệm, ông Kim Tae-ho, ngày 29-8 đã đề nghị từ chức trong lúc có những chỉ trích, ngờ vực về sự thanh liêm và đạo đức của ông. Động thái này được đưa ra chỉ 3 tuần sau khi ông được Tổng thống Lee Myung-bak bổ nhiệm. 

Mô tả ảnh.

Ông Kim Tae-ho xin lỗi người dân sau khi phát biểu từ chối đề cử. Ảnh: Yonhap

Kỳ vọng của người đứng đầu Nhà Xanh khi thực hiện cuộc cải tổ nội các quy mô lớn nhất, trong đó có việc bổ nhiệm tân Thủ tướng và thay 7 Bộ trưởng, đã không mang lại hiệu quả như mong muốn. Bổ nhiệm ông Kim Tae-ho thay thế vị trí ông Chung Un Chan - người từ chức vào cuối tháng 7 vừa qua, Tổng thống Lee Myung-bak mong muốn cứu vãn cho Đảng Đại dân tộc (GNP) sau khi đảng này thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương. Yonhap còn cho biết, 2 ứng viên nội các ở Bộ Kinh tế và Bộ Văn hóa là Lee Jae-hoon và Shin Jae-min cũng thông báo ý định từ chức. Không những ông Kim Tae-ho mà cả 2 ứng viên này cũng vấp phải những chỉ trích về đạo đức và vi phạm luật pháp. 

Chính cuộc sát hạch đạo đức từ ngày 23 đến 25-8 trước khi được phê chuẩn chính thức đã phanh phui những rối rắm của ứng viên Thủ tướng. Những cáo buộc về nhân cách của ông trong thời gian làm tỉnh trưởng tỉnh Nam Gyeongsang, phía Đông Nam Hàn Quốc, dồn tới tấp ngay đúng vào kỳ sát hạch này. Chẳng hạn như, ông bị cáo buộc báo cáo sai mức thu nhập, sử dụng trái phép các khoản vay ngân hàng cho các chiến dịch vận động tranh cử, nhận hối lộ của cựu Chủ tịch Tổ hợp công nghiệp sản xuất giày Park Yeon-cha. Các nghị sĩ còn chỉ trích vợ của ông Kim Tae-ho đã sử dụng nhân viên chính quyền địa phương và xe công vào các mục đích cá nhân. Rồi bất đồng giữa GNP và các đảng đối lập vì những cáo buộc này càng được nới rộng thêm.

“Tôi xin lỗi vì với những vấn đề của riêng mình, tôi đã gây ra những rắc rối cho tất cả mọi người. Tôi từ chức với ý nghĩ rằng, tôi không nên là trở ngại cho Tổng thống Lee Myung-bak trên con đường thực hiện chính sách đối nội”, ông Kim Tae-ho khẳng định khi phát biểu trên truyền hình quốc gia. Vị chính khách này cũng thừa nhận những thiếu sót của mình và một trong những lý do mà ông Kim Tae-ho đưa ra là không thể trở thành Thủ tướng khi thiếu sự tin tưởng của người dân.

Một Thủ tướng “trong sạch và trẻ trung” như hãng tin Yonhap từng mô tả về ông Kim Tae-ho không thành hiện thực. Hàn Quốc không có ngay vị Thủ tướng vừa bước sang tuổi 48 - Thủ tướng trẻ nhất ở xứ sở kim chi này trong 40 năm qua như dự kiến. Việc thúc đẩy mối liên hệ của Chính phủ Lee Myung-bak với các chính quyền địa phương và thế hệ trẻ hơn khi lựa chọn ông Kim Tae-ho vào vị trí Thủ tướng cũng không đạt mục đích tuy ở Hàn Quốc, vị trí Thủ tướng chỉ mang tính truyền thống với vai trò hành chính nhiều hơn. Mọi khó khăn và thách thức lúc này lại dồn cho Tổng thống Lee Myung-bak khi Đảng Dân chủ (DP) đối lập đang yêu cầu các ứng viên nội các khác cũng từ chức, trong đó có ông Cho Hyung-ho đang chờ được bổ nhiệm làm Giám đốc cảnh sát quốc gia.

VĨNH AN

Đọc thêm