Vào một ngày gần cuối năm, người dân ở thôn 2, xã Quảng Châu, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên giật mình bởi tiếng kêu thất thanh ngoài khu vực đường bê tông. Tới gần, họ không tin vào mắt mình khi thấy ông Phạm Thanh Mùi (SN 1946, là người ở thôn) nằm bất động, với nhiều vết thương ở đầu. Được đưa đi cấp cứu nhưng ông Mùi đã tử vong…Cuộc sống khốn khó Chiều 14-2-2011, nhiệt độ xuống thấp xấp xỉ 100C, trong cái rét như cắt vào da thịt, cậu bé Phạm Văn Tuyên (SN 2001, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học cơ sở Quảng Châu, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên), con nạn nhân Phạm Thanh Mùi vẫn áo cộc tay, quần lửng, mặt mũi lấm lem, chuẩn bị bữa cơm chiều cho người mẹ mắc chứng bệnh tâm thần. Mâm cơm chiều héo hắt, trong ngôi nhà lụp sụp chưa kịp trát vôi, với hai mẹ con côi cút.
Người mẹ của cậu bé, bà Bùi Thị Thuận (SN 1954) thì cứ ngơ ngác, thỉnh thoảng lại cười hềnh hệch. Tuyên bảo rằng: “Mẹ em bây giờ chẳng biết gì đâu. Từ ngày bố em bị ông hàng xóm sát hại, bệnh của mẹ em ngày càng trầm trọng. Chẳng chịu ăn uống, mà suốt ngày nói lảm nhảm”. Tôi đang trò chuyện với cậu bé thì bà Hoàng Thị Tô (bác ruột của cậu bé) xuất hiện. Sau khi giới thiệu, biết có phóng viên về tìm hiểu sự việc, bà Tô cho biết: “Từ hôm bố nó mất, tôi phải chạy đi chạy lại xem học hành của cháu nó ra sao với lại để ý xem hai mẹ con nó ăn uống thế nào. Rõ khổ! Cuộc sống của mẹ con nó chỉ phụ thuộc vào đồng lương hưu ít ỏi của cha, vậy mà chỉ vì nghi ngờ bố nó vẽ bậy lên tường mà người ta nỡ ra tay sát hại ông ấy một cách dã man. Giờ bố nó không còn, hai mẹ con bơ vơ, không biết bấu víu vào đâu”. Theo lời bà Tô, sau khi phục viên, ông Phạm Thanh Mùi đã làm lái tàu cho một đơn vị ở Hải Phòng. Năm 1974, ông kết hôn với bà Thuận, là người cùng thôn. Nhưng do đặc thù công việc phải xa nhà, tiền kiếm được cũng chẳng là bao nên mọi gánh vác việc nhà đều một tay bà Thuận lo liệu. Bà Thuận đẻ sòn sòn ba đứa con trai mà nhà cửa lại không có, con cái nheo nhóc, đói khổ. Thương con, gia đình nhà ngoại đã cho bà Thuận một miếng đất dựng lều cho bốn mẹ con ở tạm. Ông Mùi cứ đi sông, đi biển biền biệt, năm thì mười họa ông ấy mới về. Ba đứa con lớn lên như cây hoang dại trong rừng, cơm ăn còn chẳng đủ no huống chi nói gì đến chuyện học hành. Nên cả ba thằng, chẳng ai vượt qua cái ngưỡng lớp 10, rồi chúng lang thang nay đây mai đó, tự kiếm miếng cơm của thiên hạ nuôi thân. Cuộc sống khó khăn là thế, vậy mà năm 1993, bà Thuận bất ngờ đổ bệnh, co giật, rồi nói năng lảm nhảm. Lên bệnh viện tỉnh khám thì các bác sỹ cho biết bà Thuận bị mắc chứng “tâm thần phân liệt”. Thương vợ, ông Mùi đã xin về hưu “non” để tiện chăm sóc. Được ít năm, thì những đứa con của ông Mùi cũng lần lượt đi làm ăn xa. Do không có trình độ, nên chúng kiếm đủ miếng cơm cho mình đã là may lắm rồi. Mọi sinh hoạt của bà Thuận đều phải dựa vào chồng. Nhưng cuộc đời oái oăm thay, năm 2001, thấy bà Thuận có triệu chứng khác, bụng to ra, tưởng bà phát bệnh nên gia đình lại đưa đi khám. Cả nhà giật thót tim khi bác sỹ cho biết bà Thuận đang mang trong mình thai nhi 7 tháng. Đành để đẻ, nhưng may thay, thằng bé (tức cậu bé Tuyên – PV) lớn lên lại khôi ngô, nhanh nhẹn. Nhìn thấy con lớn lên khỏe mạnh, ông bà Thuận lại khỏe ra. Hai ông bà cũng định bụng, giờ có đồng lương hưu của ông Mùi thì sẽ gắng cho Tuyên ăn học bằng bạn bằng bè và kiếm cái nghề nuôi thân.Cần xử lý đúng người, đúng tội Bà Tô kể: Sáng sớm 2-12-2010, gia đình chúng tôi hay tin ông Mùi, em tôi bị người ta đánh ở ngoài đường bê tông (gần trường mẫu giáo của xã Quảng Châu, TP Hưng Yên) vì nghi “viết bậy” lên tường. Khi gia đình chúng tôi chạy ra thì đã thấy em tôi bị người ta khiêng lên cửa trạm y tế xã nhưng vẫn đặt nằm sõng soài ngoài đường bê tông. Trong lúc bối rối, chúng tôi cũng đã nhờ người đưa đi cấp cứu, nhưng ông Mùi đã tử vong.
|
Di ảnh ông Phạm Thanh Mùi |
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Hưng Yên xác định, vào hồi 4g15 ngày 2-12-2010, tại đường bê tông đi qua trường học và UBND xã Quảng Châu, TP Hưng Yên, Dương Văn Ngọc (SN 1976, cùng trú tại thôn 2, xã Quảng Châu) phát hiện thấy ông Phạm Thanh Mùi đang dùng gạch non viết chữ lên tường xây của Trường THCS Quảng Châu. Ngọc cho rằng ông Mùi viết chữ xúc phạm đến tên ông nội và bố của mình nên đã túm cổ áo ông Mùi giữ lại và lấy điện thoại gọi cho anh ruột là Dương Văn Hạ (SN 1975) và bố đẻ là Dương Văn Lý (SN 1943) đến dùng hai tay túm tóc ông Mùi và dúi đầu ông Mùi đập vào thân cây bằng lăng trồng ở lề đường mé ao đình thôn 2. Hậu quả ông Mùi bị thương đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên, nhưng do vết thương tụ máu trong màng cứng nên đã chết. Theo đó, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can ra lệnh bắt tạm giam đối với Dương Văn Lý về tội “Giết người”. Được biết, lúc xảy ra vụ việc, ông Lý đang là một cán bộ của thôn 2, xã Quảng Châu. Tuy nhiên, theo bà Tô thì Dương Văn Lý cũng là người có vóc dáng nhỏ nên không thể một mình ra tay sát hại ông Mùi được mà phải có sự tham gia của 2 người con ông Lý là Dương Văn Ngọc và Dương Văn Hạ. Theo gia đình, sau nhiều lần gửi đơn lên CQĐT thì chỉ nhận được nội dung trả lời rằng, chưa có căn cứ xác định: Dương Văn Ngọc, Dương Văn Hạ đồng phạm với Dương Văn Lý giết hại ông Phạm Thanh Mùi. Bà Hoàng Thị Tô bức xúc: Chỉ vì nghi ngờ ông Phạm Thanh Mùi là người “viết bậy” lên các bức tường trong làng để lăng mạ, chửi bới những người trong gia đình mình, 3 bố con ông Dương Văn Lý đã “quây” đánh ông ấy đến chết, thật là quá coi thường pháp luật!? “Gia đình chỉ mong sao cơ quan điều tra bắt đúng người đúng tội. Không để lọt tội phạm, không thể để hung thủ còn lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và sớm đưa vụ việc ra ánh sáng, trả lại công bằng cho em tôi”. Bà Tô cho biết thêm. Bước chân ra về mà câu nói của bà Tô cứ ám ảnh tôi và những người đồng nghiệp: “Em dâu và đứa cháu nhỏ sẽ ra sao khi một người bị tâm thần và một đứa trẻ còn quá nhỏ…”.
Theo Nguyễn Vũ
Pháp Luật & Xã Hội
Pháp Luật & Xã Hội