Sau 10 năm thực hiện quy hoạch chung, TP Hà Nội đã đạt được những gì?

(PLVN) - Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đến nay, Sau 10 năm thực hiện Hà Nội đã đạt được những thành tựu đáng kể về các chỉ tiêu theo như Quyết định đề ra.
Ảnh minh họa từ internet.

Quyết định Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh theo hướng liên kết vùng, quốc gia, quốc tế. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.

Quyết định cũng đưa ra mong muốn để Hà Nội sẽ là Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trung tâm đầu não chính trị, hành chính của cả nước, đô thị loại đặc biệt; là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Về mục tiêu của Quyết định, dự báo dân số đến năm 2020, khoảng 7,3 - 7,9 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 58 - 60%. Trên thực tế, tính đến tháng 7/2021, dân số Hà Nội đạt hơn 8,3 triệu người. Theo ước tính, dân số Thủ đô mỗi năm tăng trung bình 160.000. Dự tính đến năm 2030, dân số Hà Nội sẽ đạt khoảng 9,0 - 9,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 65 - 68% và đến năm 2050, dân số tối đa khoảng 10,8 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70 - 80%.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, tổng diện tích đất xây dựng đô thị và nông thôn khoảng 128.900 ha. Trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 73.000 ha (chiếm khoảng 21,8% diện tích tự nhiên), chỉ tiêu khoảng 160 m2/người, bao gồm: Đất dân dụng khoảng 34.200 ha, chỉ tiêu khoảng 70 - 75 m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 38.800 ha. Đến năm 2030, tổng diện tích đất xây dựng đô thị và nông thôn khoảng 159.600 ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 94.700 ha (chiếm khoảng 28,3% diện tích tự nhiên), chỉ tiêu khoảng 150 m2/người, bao gồm đất dân dụng khoảng 48.100 ha, chỉ tiêu khoảng 80 m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 46.600 ha.

Trên thực tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời kỳ 2011-2020 diện tích đất đô thị tăng 385,65 nghìn ha, tập trung nhiều tại vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 122,74 nghìn ha; vùng Trung du miền núi phía Bắc 102,69 nghìn ha; vùng Đông Nam bộ 71,33 nghìn ha; vùng Tây Nguyên tăng 49,39 nghìn ha,...

Theo tính toán, bình quân đất đô thị của cả nước là 530 m2/người nhưng có sự chênh lệch lớn giữa các vùng. Ví dụ như Tây Nguyên là 1.137 m2/người, Trung du và miền núi phía Bắc là 1.136 m2/người, Đồng bằng sông Cửu Long là 720 m2/người, trong khi ở Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 689 m2/người, Đồng bằng sông Hồng là 422 m2/người và Đông Nam Bộ chỉ 197 m2/người.

Theo cổng thông tin điện tử Chỉnh phủ, Hà Nội đang vươn mình từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một thành phố hiện đại, xứng tầm là Thủ đô và có vị thế trong khu vực và thế giới. Trong những năm qua công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, đặc biệt là hệ thống hạ tầng đô thị, phát triển nhà ở, đóng vai trò quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế xã hội mà còn góp phần xây dựng bộ mặt TP. Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại.

Thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tính đến tháng 9/2020, TP. Hà Nội đã phê duyệt 59/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng (tỷ lệ phủ kín quy hoạch đạt 83%); 216 đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị với tổng diện tích khoảng 14.116,3 ha.

Bên cạnh đó, Thành phố đã và đang xây dựng 35 quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị. Có 326/356/382 xã hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng xã (điều chỉnh quy hoạch Nông thôn mới). Chất lượng quy hoạch ngày càng được nâng lên, cơ bản bám sát yêu cầu và nhiệm vụ phát triển của Thủ đô với xu hướng ngày càng được cải thiện, khang trang hơn, hiện đại hơn.

Để tiến gần hơn nữa các mục tiêu đã đề ra, Hà Nội xác định xây dựng Quy hoạch phát triển TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo Luật Quy hoạch năm 2017); rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để Hà Nội sớm trở thành đô thị hoạt động hiệu quả, bền vững, có tính cạnh tranh cao so với trong nước và khu vực.

Hàng loạt quy hoạch quan trọng sẽ được hoàn thành như quy hoạch phân khu, quy hoạch hai bên bờ sông Hồng; quy hoạch không gian ngầm; khớp nối đồng bộ quy hoạch khu vực nông thôn và khu vực đô thị; xây dựng các quy chế, quy định quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các khu vực hành lang xanh, vành đai xanh. Ðối với khu vực đô thị trung tâm, sẽ tăng cường lập thiết kế đô thị, cải tạo, chỉnh trang và quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, chú trọng các tuyến đường cải tạo, mở rộng theo quy hoạch…

Không gian đô thị được định hướng mở rộng về nhiều hướng, với việc xây dựng các khu đô thị hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật như The Manor, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh, Gamuda, Ciputra, Vinhome Riverside, RoyalCity, TimesCity… tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô phát triển.

Đáng chú ý, vào tháng 5/2020, Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc (đô thị vệ tinh lớn nhất trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với bản quy hoạch này, Hoà Lạc trong tương lai không xa sẽ trở thành nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước, trung tâm đại học quốc gia và cao đẳng dạy nghề, trung tâm y tế, khám chữa bệnh. Đây cũng sẽ là đô thị sinh thái - nghỉ dưỡng, khoa học - công nghệ theo hướng phát triển đô thị xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng tại phía Tây Hà Nội.

Cùng với đó, cụ thể hóa Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hàng loạt công trình, dự án trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngoài nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô, các cây cầu như Nhật Tân, sắp tới là cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo… còn trở thành điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan khu vực.

Nhiều tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp, Đại lộ Thăng Long, Vành đai 3, Vành đai 2 trên cao, Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nút giao thông Thanh Xuân, nút giao thông Trung Hòa, nút giao trung tâm quận Long Biên… Tất cả các công trình đều có quy mô lớn, hiện đại tạo dấu ấn của một đô thị bề thế, nhân lên niềm tự hào của người dân Thủ đô và cả nước với bạn bè thế giới.

Chia sẻ về kết quả thực hiện quy hoạch thành phố trong thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho hay, Thành phố đã rất chú trọng công tác lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch. Nhờ vậy, đến nay tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung trên địa bàn TP. Hà Nội đạt 100% khu vực cần lập (32/32 đồ án), quy hoạch phân khu đạt 80% (27/35 đồ án).

Thành phố đã hoàn thành phê duyệt thêm 88 đồ án quy hoạch chi tiết với tổng diện tích khoảng 4.386,2 ha; 80 hồ sơ chỉ giới các tuyến đường quan trọng... Chất lượng quy hoạch dần được nâng cao, cơ bản bám sát hơn thực tế và các yêu cầu phát triển đô thị, tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan Thủ đô văn minh, hiện đại, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử.

Đọc thêm