Hải sản đã an toàn cả hệ thống tầng đáy
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Xử lý sự cố môi trường biển thì sau 2 năm tích cực triển khai các biện pháp khắc phục thì đến nay hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản bị tổn thương đã bước đầu phục hồi, nhiều loại cá nổi đã xuất hiện trở lại. Hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, sản xuất muối, các khu du lịch biển, bãi tắm của 4 tỉnh miền Trung đã hoạt động trở lại.
Điển hình, trong năm 2016 sản lượng thủy hải sản đánh bắt được ở 4 tỉnh miền Trung đã sụt giảm nghiêm trọng, thế nhưng đến năm 2017 thì sản lượng khai thác hải sản của 4 tỉnh đạt gần 152 nghìn tấn, tăng 23,5% so với năm 2016. Trong đó chỉ riêng tỉnh Quảng Trị đánh bắt được trên 23 nghìn tấn, tăng 50,1%. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2017 của 4 tỉnh đạt gần 50 nghìn tấn, tăng 1,4% so với năm 2016.
Song song với đó, công tác bồi thường thiệt hại cho ngư dân đã được tiến hành khẩn trương. Tính đến ngày 10/5/2018, các tỉnh đã chi trả 6.428,9 tỷ đồng trong tổng số 6.516 tỷ đồng đã được phê duyệt. Đồng thời, Chính phủ đã nhanh chóng có các giải pháp nhằm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân như cho vay vốn, thực hiện các chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế và hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên và hỗ trợ tạo việc làm, dạy nghề cho hàng chục ngàn lượt người dân.
Tại Hội nghị này, Bộ Y tế cũng khẳng định, từ cuối năm 2017, các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với hải sản tại tất cả vùng biển của 4 tỉnh miền Trung đều tương đương với mẫu đối chứng và đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan cũng báo cáo kết quả quá trình giám sát khắc phục hậu quả vi phạm của Cty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh; công tác xác định nguyên nhân gây ra sự cố và sự phục hồi hệ sinh thái; công tác xây dựng định mức bồi thường, kết quả giải ngân, công bố số liệu giải ngân kinh phí do Formosa bồi thường... và lãnh đạo các tỉnh bị ảnh hưởng báo cáo công tác thống kê, chi trả hỗ trợ, bồi thường thiệt hại, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống người dân tại các địa phương.
Nghiên cứu đầu tư hạ tầng nghề cá
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, sự cố vừa qua là sự cố môi trường lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta và trở nên phức tạp hơn khi vừa chưa có tiền lệ, vừa là cơ hội cho các thế lực phản động vin vào chống phá, kích động gây rối làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, môi trường đầu tư của đất nước. Theo Thủ tướng, sau sự vụ này, người dân thông cảm nhau hơn, thương yêu, đoàn kết nhau hơn, tin tưởng chế độ chúng ta hơn và cán bộ cũng trưởng thành hơn.
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm trong công tác xử lý sự cố môi trường biển. Đó là việc chi trả bồi thường vẫn còn chậm so với kế hoạch, xử lý hải sản tồn kho vẫn còn vướng mắc, còn một số trường hợp đơn thư khiếu nại, hay sự phối hợp ở giai đoạn đầu còn bỡ ngỡ, công tác phối hợp cung cấp thông tin cho truyền thông và người dân còn chưa mạch lạc...
Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương hoàn thành dứt điểm việc chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường cho người dân còn tồn đọng; nghiên cứu đầu tư hạ tầng nghề cá, phục hồi, tái sinh hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản, xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường… Và mong muốn sau khi khắc phục sự cố môi trường biển, 4 tỉnh miền Trung sẽ thực sự phát triển, nhất là về kinh tế biển.
Chiều qua (17/5), làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Trị, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về sự phát triển của Quảng Trị với nhiều bước tiến đáng khích lệ. Thủ tướng cũng đánh giá Quảng Trị thực hiện tốt công tác đền bù, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường cũng như khôi phục sản xuất kinh doanh cho người dân.
Cho rằng tỉnh cần phát huy thành quả bước đầu quan trọng để tiến lên, Thủ tướng nêu rõ, Quảng Trị cần tập trung lựa chọn những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để đầu tư, bảo đảm bền vững về môi trường và xã hội với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”. Tiếp tục điều chỉnh, lập lại quy hoạch mới với tầm nhìn xa hơn, không chồng lấn, không chạy theo dự án sẵn có, hướng tới cụm ngành kinh tế, nhất là cụm ngành công nghiệp, dịch vụ, tận dụng hạ tầng chung, tiết kiệm chi phí.
Cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Lãnh đạo tỉnh phải đối thoại thường xuyên, gỡ vướng cho doanh nghiệp, xây dựng nền quản trị vì dân, vì doanh nghiệp. Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong hoạt động chính sách. Thu hút các doanh nghiệp lớn, đối tác kinh tế chiến lược, phát triển mạnh doanh nghiệp trên địa bàn khi số lượng hiện nay còn thấp, có 5.000 doanh nghiệp.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới thành lập trong tiếp cận nguồn lực, đất đai. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, cố gắng tăng trưởng nông nghiệp, thủy sản mỗi năm 5%. Nhanh chóng thúc đẩy để đưa các dự án quan trọng vào hoạt động như cảng biển Mỹ Thủy, điện khí, khu công nghiệp VSIP… Áp dụng chính sách năng lượng mới như điện gió, điện mặt trời. Mở rộng du lịch, dịch vụ, từng tấc đất ven biển cần quản lý, quy hoạch tốt.