Sau đại dịch, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chọn viết về... hậu tận thế

(PLVN) - Trong tác phẩm "Hong tay khói lạnh" - tập tản văn mới nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn đất Mũi viết về những giả tưởng sau tận thế.
Tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa ra mắt

Tập tản văn Hong tay khói lạnh của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa được nhà xuất bản Trẻ cho ra mắt. Sau hai năm đầy biến động của đại dịch COVID-19, nhà văn đất Mũi đã viết về thân phận con người, đặt trong bối cảnh hậu tận thế, khi trái đất "không còn sự sống, không màu xanh, chỉ bụi xám chì phủ lớp đất bạc như muối hầm".

Trong bối cảnh "hậu tận thế", nhà văn Nguyễn Ngọc Tư miêu tả một thành phố đang chìm.

Tập tản văn gồm hai phần: phần một Giả tưởng sau tận thế với 7 bài viết: Nắng gọi ngoài kia, Không bay, Đá xanh, Cúi đầu không bóng, Hoàng hôn của than vãn, Hỏi vào đêm, Lời của ban sơ. Mỗi bài viết là một câu chuyện giả lập, nhưng kết nối với nhau bởi nơi chốn và nỗi cô độc trong tinh thần của con người.

Phần hai Hong tay khói lạnh với 21 bài, kể những câu chuyện về con người, có lúc là những chi tiết tưởng chừng rất đời thường nhưng qua sự quan sát, miêu tả và thể hiện trên trang viết của nhà văn lại là điều đáng suy ngẫm. Nắng nghịch mùa, Phương ngữ, Việc nhà, Nguy hiểm đàn bà, Bỏ đi, Vào chỗ... là những câu chuyện như vậy.

Có nhiều bài viết rất ngắn nhưng có sức nặng. Bạn đọc đã quen Nguyễn Ngọc Tư có thể nhận ra được giọng điệu, văn phong không lẫn vào đâu được của chị, nhưng có lẽ sẽ là một cách tiếp cận và tiếp nhận mới đối với Hong tay khói lạnh.

Trong tập tản văn Sài Gòn chọn nhớ những điều thương (đã được phát hành trước đó), nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng tham gia viết một tản văn về COVID-19: Từ điển riêng, mùa hè 2021. Bài viết gọi tên những từ mục đã "biến mất" khỏi nhu cầu của ngày thường như "biển, rạp chiếu phim, du lịch, kỳ nghỉ, nhà sách...", thay vào đó là những từ ngữ mới chỉ có trong mùa dịch: "cách ly, giãn cách, giới nghiêm, phong tỏa"...

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng đã tái ký tác quyền với nhà xuất bản Trẻ sáu tựa sách: Cánh đồng bất tận, Gáy người thì lạnh, Giao thừa, Khói trời lộng lẫy, Sông và Yêu người ngóng núi.