Theo số liệu thống kế, hiện gói 30.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng thương mại cam kết cho vay hết và thậm chí là vượt quá mức giới hạn. Tính đến 10/5, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 34.826 tỷ đồng. Theo báo cáo nhanh của các ngân hàng, đến 20/5, số tiền đã giải ngân cho khách hàng cá nhân là 21.667 tỷ đồng. Điều này cho thấy nhu cầu mua, sử dụng NƠXH của người dân là khá lớn.
Gói 30.000 tỷ được đưa ra vào đầu năm 2013, giữa lúc thị trường bất động sản đang ở đáy của cuộc khủng hoảng kéo dài từ giữa năm 2011. Tuy nhiên, sau 3 năm, gói tín dụng này liên tục phải điều chỉnh từ điều kiện, đối tượng vay vốn, lãi suất cho đến các thủ tục xác nhận...
|
Nhu cầu mua nhà ở xã hôị của người dân vẫn còn khá lớn |
Anh Nguyễn Văn Huệ - Nhân viên văn phòng cho biết: " Tôi rất mong muốn, Chính phủ sẽ tiếp tục đưa ra những chính sách về nhà ở xã hội như gói 30.000 tỷ. Tạo điều kiện thuận lợi cho những người có thu nhập thấp như tôi có thể được mua nhà. Bởi nếu không có sự hỗ trợ vốn vay ưu đãi thì gia đình tôi rất khó để có thể mua được nhà tại Hà Nội".
Cùng quan điểm trên, anh Trần Đình Lâm - giáo viên chia sẻ:" Hiện tại, gia đình tôi đang phải thuê nhà ở Hà Nội. Nếu như trong thời gian tới Chính phủ tiếp tục hỗ trợ người dân có thu nhập thấp trong việc mua nhà ở xã hội thì gia đình tôi sẽ nộp hồ sơ để có thể mua được một căn nhà tại Hà Nội.
Ông Vũ Kim Giang, Tổng Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Hải Phát cho rằng, hiện tại, hướng dẫn chi tiết về tín dụng cho khách hàng mua nhà ở xã hội chưa có, dẫn đến khó khăn rất lớn cho các chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội và ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng.
Sau khi các ngân hàng thương mại tạm dừng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1013/QĐ-TTg (ngày 6/6/2016) chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) về cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%. Tuy nhiên, quyết định này chỉ áp dụng cho các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016.
Trước đó, theo ông Giang, khi có thông tin về sản phẩm nhà ở xã hội The Vesta (quận Hà Đông, Hà Nội) chuẩn bị mở bán, gần 1.000 khách hàng đã nộp đơn đăng ký mua. Sau khi có thông tin ngân hàng thương mại dừng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, nhiều khách hàng rút đơn đăng ký. Nhưng với doanh nghiệp, không thể vì vậy mà dừng dự án.
Trên thực tế, không phải chủ đầu tư nào cũng đủ khả năng “gồng gánh” dự án của mình trước những biến động của thị trường và thay đổi của chính sách.
|
Sau gói 30.000 tỷ: Người mua nhà, chủ đầu tư trông chờ gói vay mới |
“Để tạo điều kiện phát triển nhà ở xã hội, Nhà nước cần có chiến lược dài hạn và rõ ràng về việc hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, để khách hàng có nhu cầu mua nhà và chủ đầu tư dự án yên tâm đầu tư, kinh doanh”, ông Giang kiến nghị.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đồng ý về mặt nguyên tắc với đề nghị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giải ngân gói 30.000 tỷ đồng với các hợp đồng ký trước 31-3-2016, thế nhưng những trường hợp phải giải ngân trong thời điểm hiện nay vẫn bị các ngân hàng thông báo phải trả lãi suất thỏa thuận, thay vì lãi suất 5%/năm. Lý do được các ngân hàng đưa ra là chờ hướng dẫn của NHNN về thời điểm áp dụng.
Nhìn chung, nhu cầu sử dụng nhà ở xã hội của người dân còn khá lớn, nhiều dự án nhà ở xã hội hiện vẫn còn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Do đó, việc người dân cũng như chủ đầu tư những dự án bất động sản này đang mong ngóng thêm một gói vay ưu đãi như gói 30.000 tỷ để có thể giải quyết được vấn đề an sinh xã hội của đông đảo người dân có thu nhập thấp cũng như tránh lãng phí cho những dự án đang dần hoàn thiện có nguy cơ bị bỏ không do khách hàng không đủ điều kiện về kinh tế để tiếp cận.