Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2009, theo đó, kể từ ngày 1-1-2010, học sinh, sinh viên (HSSV) là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, đây là cơ sở pháp lý để chính sách BHYT đối với HSSV ngày càng ổn định và phát triển.
|
Em Huỳnh Văn Tốt (quê Quảng Ngãi) chạy thận nhân tạo theo diện BHYT tại Bệnh viện Đà Nẵng. |
Tại thành phố Đà Nẵng, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, sự phối hợp chặt chẽ giữa BHXH thành phố với các ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Đại học Đà Nẵng... cùng những giải pháp có tính khả thi cao như tổ chức triển khai học tập, quán triệt Luật, tổ chức tuyên truyền vận động, giải thích thông qua các kênh như làm phóng sự, viết bài, đưa tin trên các phương tiện truyền thông, phát hành tờ rơi..., sau hơn một năm thực hiện Luật BHYT, công tác BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng đã đạt được những kết quả khả quan.
BHYT cho đối tượng HSSV, khi triển khai thực hiện đã có những khó khăn nhất định như: Văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện chậm được ban hành, là năm học giao thời giữa BHYT tự nguyện và BHYT bắt buộc... Tuy nhiên, với những quy định có lợi hơn cho HSSV như được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT, quyền lợi khám chữa bệnh được mở rộng hơn trước, được trích chuyển 12% quỹ khám chữa bệnh để làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu... nên trong năm học 2009-2010, đã có trên 180.000 HSSV tham gia BHYT, chiếm 70% số HSSV hiện có, với số thu trên 27 tỷ đồng. 100% trường học trên địa bàn có HSSV tham gia BHYT, trong đó một số trường, HSSV tham gia đạt trên 95%, là điểm sáng trong thực hiện BHYT đối với HSSV như Trường Đại học Đông Á (97,91%), Trường Đại học Kinh tế (97,05%), Trường Cao đẳng Phương Đông (86,46%)...
Để bảo đảm thiết thực quyền lợi cho các em khi tham gia BHYT, BHXH thành phố đã chủ động, kịp thời trích chuyển 12% quỹ KCB cho các trường học theo quy định để làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV. Trong năm học 2009-2010, đã trích chuyển gần 3,3 tỷ đồng cho quỹ KCB ở các trường. Đây là tiền đề quan trọng để các trường thực hiện y tế học đường, giúp các em chăm sóc sức khỏe ngay tại trường học, giúp phụ huynh giải quyết được khó khăn khi con em mình không may bị ốm đau, bệnh tật. Tại các trường đại học đều có phòng y tế, cán bộ y tế, tủ thuốc, giường điều trị; nhiều trường có cả dụng cụ khám, chữa răng, chữa mắt...
Hiện nay, Đà Nẵng có gần 650.000 người tham gia các loại hình BHYT, chiếm 75% dân số (bình quân cả nước là 62%); số đầu thẻ 6 tháng đầu năm 2010 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2009; tính từ tháng 7-2009 đến tháng 7-2010, số đầu thẻ đăng ký mới tăng 27,26% so với cùng kỳ năm trước, chi phí quyết toán khám chữa bệnh BHYT cũng tăng tương ứng là 26,59%. |
Ngoài ra, trong năm học 2009-2010, các cơ sở y tế đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT điều trị ngoại trú cho trên 130.000 lượt, điều trị nội trú gần 10.000 lượt HSSV với tổng chi phí gần 15 tỷ đồng, có 6 trường hợp tử vong đã được giải quyết kịp thời với số tiền 6 triệu đồng. Đặc biệt, BHXH thành phố đã chi trả kịp thời nhiều trường hợp điều trị đòi hỏi dịch vụ kỹ thuật cao với chi phí lên tới hàng chục triệu đồng…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đem lại hiệu quả cao, công tác BHYT đối với HSSV tại thành phố Đà Nẵng hiện vẫn không tránh được những tồn tại, vướng mắc, một số trường tỷ lệ HSSV tham gia còn thấp... Mặt khác, do khoản hoa hồng phí không còn nữa nên trong thực tế một số trường không nhiệt tình với công tác thu và phát hành thẻ BHYT HSSV, một số bệnh viện quá tải làm ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh...
Ông Lê Văn Lịch, Giám đốc BHXH thành phố cho biết: “Để làm tốt hơn nữa công tác BHYT HSSV trong năm học mới 2010-2011, BHXH thành phố sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Đại học Đà Nẵng... để bảo đảm HSSV tham gia BHYT với tỷ lệ cao nhất nhằm hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2012, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố”.
Bài và ảnh: NGUYỄN TÂN