Sâu thẳm từ “Hồn thiêng sông núi”

Bộ linh phẩm “Hồn thiêng sông núi” như món quà của người xứ Quảng dâng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bằng niềm say mê, đồng cảm và những đôi bàn tay tài hoa, 2 nghệ nhân Trần Thu và Nguyễn Việt Linh cùng 20 người thợ ở xã Điện Phong (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã cho ra đời bộ linh phẩm “Hồn thiêng sông núi” trong 2 năm với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng.

Bộ linh phẩm “Hồn thiêng sông núi” như món quà của người xứ Quảng dâng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bằng niềm say mê, đồng cảm và những đôi bàn tay tài hoa, 2 nghệ nhân Trần Thu và Nguyễn Việt Linh cùng 20 người thợ ở xã Điện Phong (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã cho ra đời bộ linh phẩm “Hồn thiêng sông núi” trong 2 năm với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng.

Mô tả ảnh.

Tác phẩm Thiên thư là hình ảnh Thánh Gióng và ngựa trời (trái). Nhất độc huyền Đồng bào tượng trưng cho trời tròn - đất vuông (giữa). Tác phẩm Đại bình kiến quốc (phải).

Chia sẻ về ý tưởng và khó khăn khi chế tác bộ linh phẩm này, nghệ nhân Trần Thu - Giám đốc Trung tâm Gỗ nghệ thuật Âu Lạc - tâm sự: “Sau khi tôi nêu ý tưởng làm một bộ tác phẩm dâng lên đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với những người thợ và nhân viên thì được mọi người hưởng ứng rất nhiệt tình. Bắt tay vào thực hiện tác phẩm ai cũng làm việc hết mình, không ai nghĩ mình đang làm tác phẩm thương mại bình thường mà luôn nghĩ về lòng tự hào dân tộc, về cội nguồn văn hóa”.

Những khối gỗ thô cứng, vô tri vô giác được các nghệ nhân thổi hồn vào đó để người xem có thể cảm nhận sự kết hợp tinh tế của vùng đất Quảng Nam anh hùng với những giá trị văn hóa, lịch sử, triết học và nghệ thuật, gắn với truyền thuyết được gửi gắm qua từng tác phẩm. “Các tác phẩm này tự bổ sung cho nhau, làm nên sự cân đối trong thuyết Âm dương Ngũ hành, vạn vật đất trời” - nghệ nhân Nguyễn Việt Linh nói.

Đại bình kiến quốc và Đồng bào là hai tác phẩm chủ đạo, có kích thước cao hơn 2,6m, đường kính 1,5m, làm bằng gỗ sao vàng nguyên khối. Đại bình kiến quốc nghĩa là chiếc bình lớn ra mắt đồng bào, kiến thiết đất nước, kiến tạo bình an dân tộc. Từ ý tưởng đó, Đại bình được thiết kế vòng quanh thân hình nổi 54 con chim Lạc, trên mỗi con chim Lạc mang họa tiết hoa văn biểu trưng cho 54 nền văn hóa và tinh thần đoàn kết dân tộc qua từng nét chạm khắc tinh tế. Phần cổ trên của Đại bình là 2 hoa sen lớn tượng trưng cho Âu Cơ và Lạc Long Quân, 7 hoa sen nhỏ là sự tưởng nhớ đến tổ tiên của dân tộc. Đặc biệt, mặt chính diện của Đại bình là biểu đồ của 4 hình tròn đồng tâm chứa đựng thông điệp bình an - quy luật vận động từ tĩnh lặng bình an đến giá trị tinh thần, quan hệ đời sống, giá trị xã hội.

Cùng với Đại bình kiến quốc, Đồng bào cũng mang thông điệp đoàn kết dân tộc, tình yêu thương của lớp con Lạc cháu Hồng thông qua hình một quả trứng lớn hình cầu elip đặt trên đế vuông tượng trưng cho trời tròn - đất vuông, giao hòa âm dương. Trên trứng chạm thủng 100 lỗ oval và phù điêu rồng một cách tỉ mỉ từ vảy, vây, đến móng, mắt. Hàm rồng ngậm ngọc biểu trưng cho trí tuệ dân tộc lưu truyền cho con cháu Lạc Hồng.

Điều độc đáo nhất ở linh phẩm này là bên trong có bản đồ Việt Nam. Tại trực diện của trứng là lỗ thông thiên đạt địa (nhìn thấu trời đất), nơi mọi người thành tâm cung kính quỳ gối ngắm nhìn toàn bộ sơn hà xã tắc. Nhìn vào đúng hướng chính từ dưới lên sẽ thấy đất nước Việt Nam hình chữ S hiện lên rực rỡ, qua sự phản chiếu của ánh đèn màu hồng đặt chính giữa linh phẩm này. Dưới lòng trứng là ngọn đèn hình trái tim tròn đầy với ánh sáng màu hồng ấm áp - là sự sống tâm linh, là mạch nguồn trân quý nhất được đặt trên chiếc bình tượng trưng cho nguồn bình an dân tộc.

Ngoài 2 tác phẩm chủ đạo, bộ linh phẩm “Hồn thiêng sông núi” còn có nhiều tác phẩm độc đáo khác như: Hoàn Kiếm, Tre Việt, Chân dung Hồ Chí Minh, Thiên thư, Việt nữ, Điều chưa nói và Âm thanh ngày hội. Tất cả đều mang những thông điệp khác nhau, song tựu trung trong chủ đề chính: Lịch sử hào hùng và niềm tự hào dân tộc được đúc kết từ hàng ngàn đời nay. Dòng chảy lịch sử từ văn minh mẫu hệ đến văn minh nông nghiệp, từ Lạc thư đến Tam tài, từ chí sĩ đến nghệ sĩ, từ trẻ tới già, trai tới gái, đạo lập quốc đến đạo trị quốc… và cuối cùng là con người - chiếc cầu nối của thiên với địa, xưa với nay, thịnh với suy, sinh với diệt... quyện vào nhau một cách tinh tế, ẩn chứa hàm ý biểu đạt sâu xa, tinh tế.

“Mỗi tác phẩm khi tự nó đứng riêng lẻ thì sẽ chẳng lột tả được gì, giống như độc huyền cầm không dây, nhưng kết hợp với nhau sẽ trở thành linh phẩm cửu huyền cầm, từ đó vang lên khúc nhạc tình dân tộc, chở theo bao khát vọng cội ngồn, sự tri ân hồn thiên cổ” - nghệ nhân Trần Thu chia sẻ.

Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH









Đọc thêm