Sau việc gạo ST25 được đăng ký thương hiệu tại Mỹ: Luật sư nói rõ về quy định pháp luật bản quyền

(PLVN) - Từ việc thương hiệu gạo ST25 được doanh nghiệp của Mỹ nộp đơn đăng ký thương hiệu, luật sư cho rằng các doanh nghiệp cần chú trọng bảo vệ thương hiệu khi sản phẩm đã đưa ra thị trường thế giới, và đối với những sản phẩm tốt, có thương hiệu nổi tiếng thì càng phải chú trọng bảo vệ thương hiệu.

Để hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về bản quyền thương hiệu vốn khá phức tạp, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Hãng Luật TGS (thuộc Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) – cho biết:

Về việc bảo hộ giống lúa ST25, tại khoản 1 Điều 136 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2019 (Luật SHTT) quy định để đăng ký bảo hộ giống cây trồng, người đăng ký phải đề xuất một tên phù hợp cho giống cây trồng với cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng và tên đó phải trùng với tên đã đăng ký bảo hộ ở bất kỳ quốc gia nào có ký kết với nước CHXHCN Việt Nam thỏa thuận về bảo hộ giống cây trồng.

Trong trường hợp cụ thể này, khi nộp hồ sơ đăng ký, giống lúa được lấy tên là ST25. Giống lúa có tên ST25 này đã được cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng số 21.VN.2020 theo Quyết định số 45/QĐ-TT-VPBH ngày 06/03/2020 của Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo đó, chủ Bằng bảo hộ của giống lúa ST25 là Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và tác giả giống lúa ST25 là các ông/bà Hồ Quang Cua, Trần Tấn Phương, Nguyễn Thị Thu Hương.

Khi giống lúa đã được đặt tên phù hợp và được bảo hộ, thì bất kỳ tổ chức, cá nhân nào chào bán hoặc đưa ra thị trường vật liệu nhân giống của giống lúa này đều phải sử dụng tên giống như tên đã ghi trong bằng bảo hộ, kể cả sau khi kết thúc thời hạn bảo hộ (khoản 4 Điều 163 Luật SHTT).

Như vậy, có thể hiểu rằng, việc bảo hộ theo Bằng bảo hộ giống cây trồng là đối với bản thân lúa giống. Chủ bằng có quyền tự mình hoặc cho phép người khác thực hiện các hành vi luật định đối với vật liệu nhân giống (trong trường hợp cụ thể này là hạt lúa giống) chứ không phải là gạo (được coi là sản phẩm chế biến sau thu hoạch của lúa). 

Bên cạnh đó, một điểm cần lưu ý là quyền cấp cho chủ bằng bảo hộ số 21.VN.2020 chỉ có hiệu lực ở Việt Nam (khoản 1 Điều 169 Luật SHTT).

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn. 

Liên quan đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm gạo ST25, Luật sư Tuấn cho biết, gạo là sản phẩm chế biến từ sản phẩm sau thu hoạch (thóc) từ cây lúa. Trong trường hợp doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí bán giống lúa ST25 cho nông dân trồng thì sau khi thu hoạch lúa, xay xát ra gạo thương phẩm đều phải sử dụng tên là “gạo ST25”. Các doanh nghiệp thu mua thóc là sản phẩm thu hoạch từ lúa được gieo trồng từ hạt lúa giống ST25 để xay xát và sau đó bán gạo ra thị trường thì cũng đều phải gọi đó là gạo ST25. “Điều đó có nghĩa là ST25 là tên của loại gạo là sản phẩm chế biến từ thóc thu hoạch được từ giống lúa ST25”, Luật sư Tuấn nói.

Vì lý do là tên gọi chung của một loại sản phẩm nên bất kỳ cá nhân, tổ chức nào kinh doanh sản phẩm (gạo) này cũng đều phải sử dụng đúng tên gọi đó, nên điểm b, khoản 2 Điều 74 Luật SHTT đã quy định, tên gọi thông thường của hàng hóa bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến sẽ bị coi là không có khả năng phân biệt và không được đăng ký làm nhãn hiệu. 

Trong trường hợp nhiều doanh nghiệp cùng đưa ra thị trường sản phẩm gạo ST25 thì các doanh nghiệp phải đưa sản phẩm gạo ST25 ra thị trường dưới nhãn hiệu của riêng mình để người tiêu dùng nhận biết được nguồn gốc thương mại của sản phẩm gạo. Đó là lý do người tiêu dùng có thể mua được gạo ST25 mang nhãn hiệu “Bảo Minh” hoặc gạo ST25 của các doanh nghiệp khác với các nhãn hiệu khác nhau, v.v.

“Điều đó có nghĩa là trong trường hợp cụ thể này, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, kể cả doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí cũng không thể được bảo hộ độc quyền dấu hiệu “ST25” cho sản phẩm gạo”, ông Tuấn nói.

Dấu hiệu “ST25” với vai trò là tên của giống cây trồng nên không thể được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền tại Việt Nam cũng như Mỹ cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cho các sản phẩm liên quan đến lúa, gạo. Nếu trên một nhãn hiệu nào đó được cấp văn bằng bảo hộ cho sản phẩm liên quan đến lúa, gạo mà có xuất hiện dấu hiệu ST25 kết hợp cùng với các dấu hiệu khác tạo thành một tổng thể nhãn hiệu thì dấu hiệu ST25 cũng sẽ bị loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ. 

Vì thế, Luật sư Tuấn khẳng định: “Trong trường hợp vì lý do nào đó, dấu hiệu ST25 được đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cho sản phẩm gạo thì các tổ chức, cá nhân liên quan đều có thể phản đối đơn đăng ký này trên cơ sở dấu hiệu “ST25” là tên giống cây trồng và tên này không thể thuộc độc quyền của tổ chức, cá nhân nào.”

Từ vụ gạo ST25, Luật sư Tuấn cho rằng, các doanh nghiệp cần chú trọng hơn về thương hiệu khi sản phẩm đã đưa ra thị trường thế giới, để có các bước bảo vệ thương hiệu qua việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu thương mại sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đối với những sản phẩm tốt, có thương hiệu nổi tiếng thì càng phải chú trọng bảo vệ thương hiệu, bởi các thương hiệu tốt rất dễ bị xâm hại.

Đọc thêm