Theo tính toán của Bộ Tài chính, với giá cổ phiếu của Vinamilk trong thời điểm gần đây, giá trị vốn nhà nước tại đơn vị này lên tới trên 100.000 tỷ đồng. Và vì thế, để bán vốn cần xây dựng lộ trình cụ thể, vừa bán vừa thăm dò tình hình thị trường.
“Nếu bán toàn bộ vốn nhà nước tại Vinamilk trong 1 lần, sẽ gây biến động lớn trên thị trường. Từ năm 2015 tới nay, mỗi lần có thông tin rục rịch bán vốn nhà nước, là giá cổ phiếu của Vinamilk lại tăng, từ chỗ dưới 100 nghìn đồng/cổ phiếu, nay đã lên hơn 140 nghìn đồng mỗi cổ phiếu.
Qua đó có thể thấy mức độ ảnh hưởng của Vinamilk tới thị trường thế nào”, ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết. Theo đó, việc thoái vốn nhà nước tại Vinamilk không chỉ bán cho nhà đầu tư trong nước, phải kêu gọi cả nhà đầu tư nước ngoài tham gia, vì quy mô vốn rất lớn.
Với trường hợp Habeco và Sabeco, theo ông Tiến, trước mắt phải niêm yết cổ phiếu các đơn vị này trên thị trường chứng khoán để qua đó tham khảo giá cổ phần.
Cùng với thuê đơn vị định giá, tư vấn cổ phần hóa mới định giá được sát nhất giá trị các đơn vị này. Hiện Habeco và Sabeco chưa bàn giao cho SCIC quản lý, nên theo ông Tiến, trách nhiệm quản lý, thoái vốn vẫn thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chỉ giám sát.